Thoạt nhìn, Windows 7 giống hệt Windows Vista đi trước, nhất là giao diện gương Aero bóng bẩy. Nhưng trên thực tế, hệ điều hành mới nhất này mang lại rất nhiều cải tiến đáng giá, trong số đó phải kể đến thanh Taskbar cực kì thú vị.
Đầu tiên là Quick Launch (thành phần chứa shortcut tới các ứng dụng hay dùng nằm ở dưới cùng góc trái màn hình, ngay cạnh nút Start) đã “khắc nhập” với Taskbar. Và thay vào đó, giờ đây chỉ còn duy nhất một thanh ngang chứa các biểu tượng, rất giống thanh dock của OS X. Cũng có thể bấm chuột phải lên những biểu tượng này và “đẩy” chúng vào taskbar (giống như trên dock) khi bạn không sử dụng.
Nếu các ứng dụng đã được nhóm lại với nhau trên thanh Taskbar, người dùng có thể nhấn CTRL và bấm chuột để đảo qua đảo lại giữa các cửa sổ, hoặc vừa nhấn SHIFT vừa bấm chuột để “nhân bản” ứng dụng đã chọn. Giả sử bạn đã “nhân bản” 2 cửa sổ Firefox và chạy song song thì khi một trong hai bị treo cũng không ảnh hưởng tới cửa sổ còn lại. Google Chrome cũng có tính năng tương tự với các tab.
Taskbar trong Win 7 có cả Jumplist, đóng vai trò như nơi chứa shortcut cho các ứng dụng khi nhấn chuột phải lên biểu tượng trên Taskbar. Có thể so sánh Jumplist với tính năng lưu lại các file mới mở trong mục Start > My Recent Document vốn có của Windows, nhưng được mở rộng tiện dụng hơn: danh sách các trang web hay file mới mở sẽ hiển thị khi click chuột phải lên mỗi ứng dụng. Với trình duyệt Internet Explorer, phần History sẽ được hiển thị và Word là các file văn bản gần nhất.
Jumplist cũng có thể được tùy chỉnh theo ý muốn. Ví dụ như bạn thường xuyên mở một thư mục bằng Windows Explorer, chỉ cần một lần click chuột phải và kéo-thả thư mục đó vào biểu tượng Win Explorer, nó sẽ được “gắn” vào đó và lần truy cập tiếp theo sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Microsoft cũng giúp người dùng tiết kiệm thời gian với việc cho phép sử dụng tổ hợp phím tắt Windows kết hợp với các phím từ 1 tới 5 để khởi chạy tương ứng với 5 ứng dụng đầu tiên trên Taskbar. Có thể chuyển đổi giữa các ứng dụng được khởi chạy rất dễ dàng bằng cách dùng tổ hợp Windows và #.
Ngay cả những tính năng sẵn có trong Vista như di chuột trên ứng dụng để xem hình ảnh thumbnail của ứng dụng đó cũng được cải tiến. Giả sử với 3 cửa sổ Firefox được “gộp” lại dưới cùng một biểu tượng, tiện ích Aero Peak sẽ hiển thị dạng thumbnails cho cả ba. Người dùng có thể xem lướt nhanh chóng hay đảo qua lại giữa các thumbnail này. Với những ứng dụng được hỗ trợ đặc biệt như IE, Aero Peek thậm chí còn hiển thị tường tận từng tab một.
Cuối cùng là khả năng chuyển thanh Taskbar về các bên màn hình: đặt Taskbar ở bên trái, phải màn hình tùy thích mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Với Window 7, Microsoft đã chịu khắc phục những biến dạng “kì dị” về mặt đồ họa, do đó vị trí của thanh Taskbar được phá cách trở nên thực sự hấp dẫn. Các biểu tượng trên Taskbar được tinh gọn và kết hợp hài hòa dù Taskbar nằm ngang hay dựng đứng.
Có thể nói, thanh Taskbar mới của Windows 7 là cải tiến giao diện thực sự đáng giá sau nhiều năm "giậm chân tại chỗ" của Microsoft. Bất chấp những lời gièm pha là "hàng nhái", một số người đánh giá thanh Taskbar này thậm chí còn tiện dụng hơn thanh Dock vốn đã là biểu tượng của hệ điều hành OSX dành cho máy Mac - nhận xét không hẳn thiếu cơ sở.