Tải và cài đặt một ứng dụng Android cũng như gỡ bỏ các ứng dụng khi không cần sử dụng thường là một quá trình đơn giản. Nhưng đôi khi vẫn gặp phải các ứng dụng “cứng đầu” không cho phép người dùng gỡ bỏ. Trong trường hợp đó sẽ chỉ có hai kịch bản sau mà bạn sẽ gặp và cách giải quyết chúng.
Nguyên nhân 1: Có thể ứng dụng được thiết lập như Administrator
Trên Android, không phải tất cả các ứng dụng đều có quyền như nhau. Một số ứng dụng thì không có yêu cầu gì, trong khi một số khác lại cần phải truy cập vào một số chức năng và cơ sở dữ liệu trên điện thoại để làm việc đúng cách. Thậm chí một số ứng dụng còn yêu cầu truy cập quyền Administrator, đó là những ứng dụng có khả năng thiết lập mật khẩu, khóa/mở khóa điện thoại, theo dõi vị trí... Trong trường hợp đó người dùng sẽ không thể gỡ bỏ cài đặt ứng dụng đó nếu không thu hồi quyền truy cập administrator đầu tiên.
Để vô hiệu hóa quyền truy cập Administrator của một ứng dụng, bạn truy cập vào menu Settings > Security > Device Administrators. Hãy xem trong danh sách xem có ứng dụng nào được đánh dấu đặc biệt hay không. Nếu có thì bạn nên vô hiệu hóa nó.
Sau đó quay trở lại công cụ quản lý ứng dụng quen thuộc trên điện thoại để gỡ bỏ cài đặt ứng dụng đó đi là xong.
Nguyên nhân 2: Đó có thể là các ứng dụng bloatware hoặc một phần của hệ thống Android
Bloatware là một vấn đề mà hàng triệu người dùng điện thoại gặp phải. Đó là tên gọi chung cho các ứng dụng (thường là không cần thiết) mà nhà cung cấp và nhà sản xuất cài đặt sẵn trên thiết bị khi nó được xuất xưởng. Trong hầu hết các trường hợp, các ứng dụng này không thể được gỡ bỏ khi chúng được xem như là một phần của hệ điều hành.
Tuy nhiên, bạn vẫn có những lựa chọn để vô hiệu hóa các ứng dụng này. Điều đó sẽ giúp ngăn không cho các ứng dụng đó làm lãng phí tài nguyên hệ thống. Để thực hiện, truy cập vào menu Settings > App manager, sau đó tìm các ứng dụng mà bạn không cần dùng tới, kích chọn tên ứng dụng, trong màn hình App info xuất hiện hãy bấm nút "Disable" hoặc "Turn off" để vô hiệu hóa hoặc tắt hoàn toàn ứng dụng đó đi là xong.
Nếu thiết bị Android của bạn đã được root thì bạn còn có thể gỡ bỏ cài đặt bất kỳ ứng dụng nào cài đặt trên điện thoại, ngay cả những ứng dụng đó là các ứng dụng hệ thống.