So với công nghệ hiện tại, những món đồ này có thể đã cũ mèm, nhưng nếu nói về tính hữu dụng trong những dịp thiên tai dịch họa như vụ động đất và sóng thần vừa qua ở Nhật Bản, thì chúng vẫn rất đáng nể.
Trên thực tế, mỗi khi sở hữu một món đồ công nghệ, chúng ta đều phải học cách bảo vệ chúng. Ví dụ không dùng điện thoại di động khi đang tắm, không bỏ máy tính xách tay trong xe ôtô đang nóng, hay bỏ máy tính vào tủ lạnh...
Nhưng đôi lúc, tai nạn vẫn xảy ra. Chỉ một vài sơ suất nhỏ, có thể khiến chúng ta mất toi một khoản tiền sửa chữa, thậm chí là phải quẳng món đồ đó vào sọt rác.
Bạn đã bao giờ đánh rơi điện thoại vào trong bồn nước hay để máy tính xách tay bị mưa làm ướt? Với những vật dụng này, bạn không cần phải lo lắng, vì chúng hoàn toàn có thể "sống sót", thậm chí trong những hoàn cảnh tệ hơn thế.
Máy tính xách tay Panasonic Toughbook CF-30
Rất nhiều laptop bị hỏng sau khi rơi từ trên bàn xuống đất hoặc chỉ đơn giản là bị một cốc cafe đổ ụp vào bàn phím. Nhưng với CF-30 thì những tai họa này chỉ là "muỗi" vì sản phẩm này được thiết kế để đủ sức chịu đựng những tai nạn khủng khiếp hơn.
Với lớp vỏ bằng hợp kim magie, CF-30 đủ sức bền để chịu đựng được các tác động từ bên ngoài, như rơi từ độ cao 1,8m xuống đất khi không hoạt động và gập lại, và từ độ cao 0,9m khi đang mở và hoạt động.
CF-30 có chỉ số IP là 65, trong đó số 6 nghĩa là mức độ chịu bụi của máy và 5 là chống nước. Ở mức này, CF-30 có khả năng hoạt động ngon lành trong những điều kiện bụi bặm và nhiều cát nhất, chẳng hạn như bão sa mạc với tốc độ gió 70 dặm/giờ hay những cơn mưa bão sầm sập.
Bạn có thể mang chiếc máy tính này vào phòng tắm vòi hoa sen, nhưng không thể nhúng hoàn toàn vào trong nước. CF-30 có thể chịu được nhiệt độ từ âm 34 độ cho tới 66 độ C và sức nặng đè lên trực tiếp tới 136kg.
Tuy nhiên, Toughbook CF-30 không chỉ nổi tiếng về độ bền, mà còn được trang bị những khả năng đủ để chủ máy có thể sử dụng trong những lúc khắc nghiệt nhất. Chẳng hạn, như màn hình hiển thị sáng rõ cho dù bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
Về cấu hình, CF-30 sử dụng vi xử lý Intel Core 2 Duo, ổ cứng chống sốc dung lượng 160GB, màn hình cảm ứng 13,3 inch, độ phân giải 1.024 x 768 XGA LCD, 20 chế độ điều chỉnh sáng. Máy cân nặng 3,8kg và dày hơn 7,6cm. Giá khoảng 3.500 USD.
Máy tính xách tay Dell Latitude E6400 XFR
Có thể nói Dell Latitude E6400 XFR là đối thủ trực tiếp của Toughbook CF-30, bởi nó cũng dẻo dai không kém. Tương tự như CF-30, XFR có chỉ số IP đạt mức 65, tức là có thể tồn tại trong cùng điều kiện bụi bặm và ẩm ướt.
XFR có thể chịu được va đập khi rơi từ độ cao 1,2m xuống đất trong điều kiện đóng máy và không hoạt động, hoặc 0,9m khi mở máy và hoạt động. Thậm chí, nếu thả một quả bóng thép đường kính 2,54cm từ độ cao 0,9m xuống màn hình, thì XFR cũng không hề suy xuyển.
Sở hữu một màn hình bền chắc như vậy thì quả thật là tuyệt vời, nếu bạn thường xuyên phải làm việc gần những nơi có mạnh vụn rơi vãi hoặc có mưa đá đe dọa.
Với mức giá trên 3.600 USD, XFR được trang bị chipset Intel 45 Express, màn hình 14,1 inch, độ phân giải 1.280 x 800 WXGA, với 15 chế độ điều chỉnh sáng, ổ cứng 120GB với bộ cảm biến rơi tự do và chịu được va đập.
Sản phẩm hỗ trợ Wi-Fi, RAM lên tới 8GB, có thể kết nối Internet băng thông rộng di động và định vị GPS. Dell cho biết, pin của XFR có thời lượng là 6 giờ. Tương tự CF-30, sản phẩm của Dell nặng 3,8kg nhưng chỉ dày 6,3cm.
Máy tính xách tay Panasonic Toughbook CF-F8
Chiếc máy tính này được thiết kế dành riêng cho những người thường xuyên di chuyển, đôi khi lóng ngóng làm đổ nước lên máy. Không giống như hai sản phẩm đầu tiên, CF-F8 không chống được mưa bão, sử dụng trên sa mạc hay bị đánh rơi nghiêm trọng.
Nhưng dẫu sao, chiếc máy này cũng bền hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường.
Bàn phím của CF-F8 hoàn toàn chống nước nên người dùng có thể yên tâm nếu lỡ đổ cafe lên trên. Tất cả là nhờ một lỗ thoát đưa nước chảy xuống đáy laptop. Theo kết quả thử nghiệm, CF-F8 có thể sống sót nếu rơi từ độ cao 0,75m và chịu được lực ép trực tiếp 100kg.
Mẫu máu tính này được trang bị chip xử lý Intel Core 2 Duo, ổ cứng 160GB có thể tháo mở và phần cơ chống va đập, ổ DVD, màn hình LCD 14,1 inch, độ phân giải 1.280 x 800, 3GB RAM và kết nối Wi-Fi.
Một trong số những chọn lựa thú vị ở CF-F8 là được tích hợp mạng Internet di động toàn cầu Gobi và khả năng nhận diện dấu vân tay. Sản phẩm nặng 1,7kg, nhẹ cân hơn nhiều so với hai mẫu laptop trên.
Ổ cứng di động Hitachi SimpleTough
Nếu bạn có thói quen mang theo bên mình những tài liệu tuyệt mật nhưng lại lo bị dính mưa, bùn, thì nên chọn mua một ổ cứng di động có độ bền cao.
Những ổ cứng di động có khả năng chống sốc và chịu được va đập khi rơi từ độ cao 3m, có lẽ chỉ xuất hiện trong loạt phim trinh thám Điệp viên 007. Tuy nhiên, Hitachi SimpleTough lại là một sản phẩm có thật.
SimpleTouch có phần cơ chịu được va đập khi rơi từ độ cao 3m xuống đất (khi không hoạt động). Sản phẩm được thiết kế nhằm đảm bảo cho thiết bị hoạt động ổn định cho dù bị đánh rơi hay không may bị đổ chất lỏng lên trên.
Hitachi SimpleTough là một trong những ổ cứng di động bền nhất được bán trên thị trường. Sản phẩm được trang bị lớp vỏ xám đen thiết kế mượt mà, hai bên thành là lớp cao su chống sốc và một dây USB.
Hitachi cho biết, thiết bị có thể chịu được sức ép 1 tấn và chống thấm nước. Do đó, SimpleTough rất phù hợp cho người dùng thích mang theo dữ liệu bên mình, dù là đi bộ, cắm trại hay leo núi...
Hitachi SimpleTough gồm các phiên bản có dung lượng 250GB, 320GB và 500GB. Sản phẩm được bán với giá khoảng 90 USD cho loại dung lượng 250GB.
Ổ cứng di động LaCie Rugged
Được tô điểm bằng một lớp cao su màu cam (có thể tháo ra), ổ cứng LaCie Rugged có vẻ như đã được chuẩn bị sẵn sàng cho những cú rơi từ độ cao 2,1m (trong trạng thái không hoạt động) mà không hề suy xuyển.
LaCie khá nhẹ, chỉ 249g và nhỏ gọn. Vỏ thiết bị được làm bằng nhôm chống trầy. Tốc độ truyền dữ liệu của LaCie lên tới 30MB mỗi giây. Sản phẩm có nhiều loại dung lượng, 250GB, 320GB và 500GB.
Mức giá cho phiên bản dung lượng nhỏ nhất là 100 USD với cổng USB 2.0 và 130 USD cho phiên bản có kết nối FireWire.
Máy ảnh kỹ thuật số Olympus Stylus Tough-8000
Hiện có nhiều loại máy ảnh kỹ thuật số chịu được nước, nhưng không phải bất kỳ loại máy ảnh chống nước nào cũng chịu được va đập khi đánh rơi.
Khi bị đánh rơi, ống kính của máy ảnh thường bị hỏng và người dùng phải tốn không ít tiền để sửa chữa. Để giải quyết vấn đề này, người dùng nên chọn những sản phẩm có độ bền cao, có khả năng chống va đập, bụi, nước hoặc bất cứ thứ gì dính vào.
Những chiếc máy ảnh kỹ thuật số độ bền cao được thiết kế dành riêng cho những người ưa vận động bên ngoài, như trượt tuyết, leo núi, lặn biển. Olympus Stylus Tough-8000 là một trong số này.
Tough-8000 có thể chịu được va đập khi rơi từ độ cao 2m, chống nước (xuống tới độ sâu 10m, theo Olympus) và có thể chịu được sức ép nặng tới 100kg. Ngoài ra, bạn có thể dùng chiếc máy ảnh 12 chấm này trong những điều kiện băng giá, tới âm 25 độ C.
Sản phẩm cũng được trang bị bộ cân bằng hình ảnh kép và zoom quang 3.6X. Giá của Tough-8000 vào khoảng 300 USD. Bạn cũng có thể tham khảo những mẫu máy ảnh bền khác trên thị trường như Canon PowerShot D10 12,1 Megapixel, hay Pentax Optio W60 10 chấm.
Điện thoại di động Sonim XP3
Điện thoại di động hiện đã quá phổ biến và hầu như ai cũng có một chiếc trong túi. Nhưng nếu nghề nghiệp của bạn khắc nghiệt hơn bình thường, ví dụ vận động viên thể thao, công nhân xây dựng, bạn sẽ cần tới một chiếc điện thoại bền hơn.
Các nhà sản xuất điện thoại di động bền nói rằng, sản phẩm của họ có thể chịu được va đập khi rơi từ độ cao 1,8m, chống thấm nước, bụi và cát. Sonim XP3 là một trong những chiếc điện thoại có sức mạnh tương tự.
Theo hãng chế tạo Sonim, XP3 có thể sống sót dưới áp lực của những con voi, xe ôtô và súng đạn. Sản phẩm này từng gây xôn xao trên mạng Internet, khi những hình ảnh của nó xuất hiện trên trang web chia sẻ video trực tuyến YouTube. XP3 có khả năng chịu được va đập khi rơi từ độ cao 1,98m và ngâm trong nước ở độ sâu 1m trong 30 phút, cho dù chất lượng cuộc gọi dưới nước không được tốt lắm.
Nhà sản xuất cho hay, thời lượng sử dụng pin của XP3 khi đàm thoại liên tục là 18 tiếng, vượt xa các cao thủ như BlackBerry Storm (7 tiếng, 39 phút) và BlackBerry Pearl 8120 (9 tiếng, 43 phút). Thời gian chờ của XP3 lên tới 1.500 giờ, trong khi thời gian xạc đầy chỉ mất có 2 tiếng.
Mẫu di động này có thể hoạt động trong khoảng nhiệt độ từ âm 20 tới 55 độ C, theo công bố của nhà sản xuất. XP3 được trang bị khả năng định vị GPS.