Nghe có vẻ đơn giản nhưng bạn có biết web là gì?

Chính xác thì web là gì? Dù nghe có vẻ giống một câu hỏi ngờ nghệch mà ai cũng biết câu trả lời: web là phát minh của Tim Berners-Lee vào năm 1989. Nó cũng không phải Internet, thứ bạn dùng để truy cập website, ứng dụng hay stream video. Web là thứ mà chúng ta ghé thăm hàng ngày bằng trình duyệt web trên di động, máy tính. Liệu có đơn giản như vậy không?

Thực tế thì không. Chúng ta thường nghĩ web là sự kết hợp của một số công nghệ nhất định với một vài quy luật cốt lõi. Nhưng vấn đề, và cũng là lý do khiến ta đặt ra câu hỏi web là gì, là có rất nhiều lựa chọn thay thế cho những bộ phận của web khi công nghệ gặp lỗi và các quy luật cũng không còn quá quan trọng.

Công nghệ mà bạn nghĩ tới khi nghĩ về web là HTML, Javascript và CSS (để đơn giản, hãy tạm gọi là nhóm HTML). Những công nghệ này rất mở và linh hoạt nên dường như đang kiểm soát toàn bộ thế giới. Sự linh hoạt có nghĩa là chúng đã bị lạm dụng, web di động chậm hơn bởi các công cụ theo dõi xâm phạm vào quyền riêng tư hay tiêu hao pin của thiết bị.

Web là gì?

Nhiều công ty công nghệ tìm cách giải quyết vấn đề này. Các ứng dụng web làm việc trên Chrome nhưng không thể làm việc ở nơi nào khác. Rồi tới Instant Articles trên Facebook, các trang AMP trên Google hay Instant Apps Android cho phép chạy một phần ứng dụng trên máy thông qua Internet mà không cần phải cài đặt. Google tuyên bố đưa những chuẩn mực của web lên loa thông minh. Trở về năm 2014, chuyên gia Apple John Gruber nói rằng chúng ta nên coi "các ứng dụng và bất cứ thứ gì truyền đi mà sử dụng HTTP và HTTPS" là một phần của web.

Về lý thuyết, web cũng không nhất thiết phải là về nhóm HTML. Hãy thử định nghĩa các quy luật của web mà không cần tới công nghệ. Web HTML có thể chậm, thời gian xử lý lâu nhưng trước khi thay thế chúng, đừng quên những điểm mạnh. Định nghĩa ngắn gọn về web có thể là thế này:

Để được coi là một phần của web, ứng dụng hay trang web của bạn phải:
Có thể kết nối, và
Cho phép bất kì client nào truy cập.

Web trước hết cần có URL

Điểm thứ nhất không có gì khó hiểu, nó có nghĩa là bất kì thứ gì bạn đăng lên đều phải có URL để trỏ về. Nhưng vấn đề phức tạp không phải ở link mà ở chỗ nó phải cho phép bất kì client nào truy cập. Với trang web, quy luật này rất rõ ràng, dù bạn dùng Chrome, Safari, Edge hay Opera, chỉ cần click hoặc gõ URL, bạn sẽ tới được địa chỉ mình cần. Dù được xây dựng bởi chuẩn web và W3C nhưng dần dần, xuất hiện vấn đề khi một trình duyệt nào đó trở nên quá phổ biến và công ty đứng sau nó sẽ yêu cầu nhà phát triển web lập trình riêng cho trình duyệt của họ (Internet Explorer 6, Mobile Safari hay Chrome). Nhưng vấn đề này cũng sẽ dần được giải quyết.

Khi nói về "web mở", việc ai cũng có thể truy cập là vấn đề cốt lõi. Một trang web hay ứng dụng có thể miễn phí và liên kết tới được nhưng nếu chỉ hoạt động trên một số nền tảng nhất định (iOS, Android, Facebook, Chrome) thì nó không thực sự là mở nữa.

Giờ bạn có thể nhìn qua mọi thứ và kiểm tra 2 yếu tố nói trên, xem nó có được coi là một phần của web mở hay không. Android Instant Apps chỉ làm việc trên Android. Facebook Instant ArticlesApple News (bỏ qua việc chuyển hướng URL kì quặc) chỉ làm việc trên nền tảng của mình. Tất cả đều không phải web.

Có thể điều này hơi khó hiểu, đặc biệt là với Instant Articles hay AMP. Nhất là AMP khi nó được xây dựng trên nhóm HTML đã tạo nên web. Bất kì trình duyệt web bình thường nào cũng có thể xem được 1 trang AMP nhưng điều này là do "sự khổng lồ" của Google, chính họ là người định nghĩa thứ gì có thể và không thể chạy trên AMP và từ đó giới hạn ở mức độ mà họ muốn.

Google AMP

Vì sao câu hỏi này lại quan trọng? Tính mở của web cho phép các công ty nhỏ trở thành công ty lớn mà không cần sự cho phép từ các ông lớn. Bảo vệ web, hay tính mở của nó, có nghĩa là bảo vệ một con đường cho những phát minh, nơi mà những ông lớn không đứng gác cổng. Cũng có lý do để ta không tin các ông lớn bởi sẽ chẳng có mấy động lực khuyến khích tính mở khi bạn đã có cả đế chế trong tay.

Xem thêm:

Thứ Sáu, 14/09/2018 08:29
3,76 👨 2.693
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản