Khi những thị trường giàu có hiện tại trở nên bão hòa, thì một tỷ khách hàng sắp tới đây của ngành công nghệ sẽ là người dân Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan... Để có thể phục vụ họ, ngành công nghệ phải cải cách thực sự.
Trong suốt 50 năm đầu của kỷ nguyên công nghệ thông tin, khoảng 1 tỷ người đã quen với việc sử dụng máy tính và đa số họ sống tại Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Nhưng những thị trường này gần như đã bão hoà. Theo dự đoán của IDC, doanh số máy tính tại Mỹ chỉ tăng 6%/năm từ nay đến năm 2008. Để tồn tại, tất yếu ngành công nghiệp này phải tìm tới 1 tỷ khách hàng kế tiếp. Và phần nhiều trong số khách hàng mới này sẽ đến từ những nơi xa xôi như Cape Town, Thượng Hải và Andhra Pradesh. Cơ hội tăng trưởng bùng nổ rõ ràng sẽ chuyển sang phía các nước đang phát triển.
Các công ty công nghệ đang đổ xô vào những “vùng đất mới” để hy vọng tạo nên làn sóng tăng trưởng. Cũng theo IDC, doanh số công nghệ tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil sẽ tăng 11% mỗi năm trong 5 năm tới, lên mức 230 tỷ USD. Điều hấp dẫn ở các thị trường này không chỉ là số dân đông đảo mà chính là mức sống và quy mô của tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh. Hiện nay, số người thuộc tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc là 60 triệu và tại Ấn Độ là 200 triệu. Những người tiêu dùng khá giả này có sở thích về thời trang cũng như thương hiệu sản phẩm cao không kém gì người dân tại Mỹ, Đức, Nhật Bản.
Đây là cơ hội mà bất cứ công ty nào cũng muốn tham gia. Microsoft đã chào hàng sản phẩm phần mềm đến Malaysia, Intel thúc đẩy doanh số chip tại Ấn Độ, Cisco System tại Sri Lanka và rất nhiều các công ty khác nữa. IBM cho biết các thị trường mới nổi là ưu tiên số 1. Tại Brazil, nơi doanh số của IBM vừa vượt qua mức 1 tỷ USD, “Big Blue” dự kiến sẽ thuê 2.000 nhân công và chi thêm 100 triệu USD để phát triển thị trường.
Đối thủ ở khắp nơi
Những công ty dám đi tiên phong sẽ gặp rất nhiều trở ngại bởi họ phải cạnh tranh với các công ty bản địa và tất nhiên hiểu biết thị trường tường tận hơn. Chẳng hạn tại Trung Quốc, công ty bản địa Lenovo Group Ltd. đã đánh bại Dell và nhiều kẻ “xâm lăng” khác để dành vị trí nhà cung cấp máy tính cá nhân hàng đầu. Những tên tuổi lớn của phương Tây đã quen với việc chiếm lĩnh thị trường các nước phát triển, nhưng khi chuyển sang cạnh tranh ở khu vực địa lý khác, không phải lúc nào họ cũng dành phần thắng. Họ phải đối mặt với thách thức lớn từ các công ty dịch vụ tại ấn Độ, các nhà phát triển trò chơi trên mạng tại Hàn Quốc, các hãng bảo mật tại Đông Âu và các nhà sản xuất thiết bị tại Trung Quốc. Ngay cả Microsoft cũng không phải là ngoại lệ. Phần mềm nguồn mở với sự hỗ trợ ngày một lớn từ các nước đang phát triển đang ngăn cản tốc độ phát triển của tập đoàn này.
Tiền lệ lịch sử gần đây nhất về hiện tượng này là cuộc cách mạng PC vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80. Trước giai đoạn này, máy tính là loại thiết bị đặc biệt chỉ dành riêng khu vực chính phủ và các tập đoàn lớn. Sau đó, cùng với Macintosh của Apple Computer Inc. và PC của IBM, ngành công nghệ thông tin đã bước vào thị trường tiêu dùng rộng lớn. Máy tính bắt đầu trở nên phổ biến trên bàn làm việc của mọi người, từ học sinh sinh viên cho đến các doanh nghiệp nhỏ. Sự thay đổi này giống như một cơn địa chấn trên toàn cầu. Microsoft, Intel và Dell đã trở thành những nhà vô địch mới. Ngày nay, với sự phổ biến mau lẹ của công nghệ vào các nền kinh tế mới nổi, ngành công nghiệp này lại có được lượng khách hàng khổng lồ. Và một thế hệ các công ty mới sẽ cố gắng đẩy lùi các tên tuổi cũ.
Chuyển đổi quyền lực từ Tây sang Đông
Đó là khi kỷ nguyên PC, vốn do các công ty Mỹ thống trị, đang phải nhường đường cho công nghệ không dây. Xu hướng này đặc biệt phổ biến tại châu Á, nơi điện thoại di động có truy cập Net được lựa chọn nhiều nhất. Trong khi số PC tiêu thụ tại châu Á năm nay ước tính là 30 triệu chiếc thì doanh số điện thoại di động có khả năng nhận, gửi email và lướt web sẽ là 200 triệu chiếc, theo tính toán của Yankee Group. Điều này mang lại lợi thế lớn cho tập đoàn Samsung và LG của Hàn Quốc, hai nhà sản xuất điện thoại di động và máy tính. Chỉ trong 4 năm qua, họ đã đi từ vị trí ngoài bảng xếp hạng lên vị trí nhà sản xuất điện thoại di động đứng thứ 3 và thứ 6 thế giới. “Trong thế kỷ 20, ngọn đuốc dẫn đường về công nghệ đã từ châu Âu vượt Đại Tây Dương sang châu Mỹ. Còn hiện nay, nó lại đang vượt Thái Bình Dương để tới châu Á”, ông Geoffrey A. Moore, chuyên gia tư vấn công nghệ của TCG Advisors LLC nói.
Những khó khăn tại thị trường mới nổi đã buộc các thế lực phương Tây phải tiếp cận với các chiến lược mới táo bạo hơn. Đó sẽ là một cuộc cách mạng toàn diện, là giai đoạn tiếp theo của kỷ nguyên PC. Nhiều phát minh mới đã được thiết kế dành riêng cho khu vực đang phát triển, từ Simputer một loại máy điện tử cầm tay rất bền bán tại ấn Độ, đến e-Town, một gói bao gồm toàn bộ các sản phẩm và dịch vụ cần thiết để các hộ gia đình nông thôn Trung Quốc có thể truy nhập Net. Và đã có ai nghĩ ra một loại điện thoại di động dành riêng cho thị trường Hồi giáo với 1,4 tỷ người. Cho đến gần đây thì không có ai. Mới đây, công ty Viễn thông di động Ilkone tại Dubai bắt đầu bán ra một loại điện thoại không chỉ download được kinh Koran mà còn có hệ thống báo thức nhắc giờ cầu nguyện và chỉ cho người dùng hướng về phía thánh địa Mecca.
Đối với các nước đang phát triển cần có chiến lược kinh doanh mới cũng như sản phẩm mới. Phần lớn các gia đình nông thôn Trung Quốc hay Ấn Độ không có khả năng mua PC. Trong nhiều trường hợp, một chiếc máy tính cầm tay để cả làng cùng sử dụng là một ý tưởng rất khả thi. Một loại hình kinh doanh mới, mở kios công nghệ để người dùng sử dụng các tiện ích của CNTT như một dịch vụ, đang gây nhiều chú ý tại các khu vực châu Á. Với điều kiện thiếu thốn tài chính của người nông thôn, các chương trình cung cấp dịch vụ trả tiền theo mức sử dụng không chỉ đẩy mạnh việc sử dụng điện thoại di động mà còn làm tăng doanh số của máy tính và dịch vụ Internet.
Tạo ra khách hàng
Đối với công ty công nghệ lớn, việc chuyển đổi sang các thị trường mới nổi sẽ có rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Họ có cơ hội thu hút nhiều khách hàng mới, nhưng chỉ khi họ tỏ ra vượt trội so với đối thủ cạnh tranh mới. Họ sẽ phải đầu tư trước một khoản tiền đáng kể. Tuy vậy, đối với nhiều sản phẩm, giá cả không nhất thiết phải quá thấp. Cho dù 1 tỷ khách hàng đầu tiên đem lại cho ngành công nghệ doanh số hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm, thì doanh số từ 1 tỷ khách hàng tới đây khó có khả năng chạm đến con số đó. Và cuối cùng thì giá cả thấp ở thị trường mới nổi sẽ tạo áp lực đối với giá ở khắp nơi. Có thể nói, với ngành công nghệ, dù nó đem lại rất nhiều giá trị cho rất nhiều người, nhưng cũng không thể duy trì mãi tốc độ tăng trưởng doanh thu như thời quá khứ huy hoàng.
Trên khía cạnh tích cực hơn, sự mở rộng công nghệ vào các thị trường mới nổi có tác động tốt đối với kinh tế thế giới và tương lai của ngành công nghệ. Đầu tư vào công nghệ sẽ thúc đẩy các nền kinh tế quốc gia thông qua việc tăng năng suất, tăng GDP và kích cầu đối với mọi sản phẩm, trong đó đặc biệt là công nghệ. Và khi các công nhân sản xuất máy tính tại Trung Quốc và kỹ sư lập trình tại Ấn Độ có thu nhập cao, họ lại trở thành khách hàng trước tiên. Theo tính toán của A.T. Kearney, số người có thu nhập bình quân 10.000 USD/năm sẽ tăng gấp đôi lên 2 tỷ người vào năm 2015 và gần một nửa trong số đó sinh sống tại các thị trường mới nổi. Sarbuland Khan, người đứng đầu nhóm phụ trách ngành công nghệ thông tin của Liên Hợp Quốc nói: “Nếu có một tầng lớp trung lưu đủ mạnh để tạo thị trường tiêu dùng tiềm năng, chúng ta sẽ có nền tảng để phát triển mở rộng công nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm cho người nghèo”.
Đánh giá lại chiến lược kinh doanh
Trong nhiều trường hợp, các công ty công nghệ sẽ chỉ thành công nếu họ sẵn sàng thay đổi chiến thuật mà họ đã áp dụng tốt tại thế giới phát triển. Hãy xem trường hợp của Dell. Năm 2000 Dell giới thiệu tại Trung Quốc một loại PC có tên SmartPC, khác nhiều so với những sản phẩm trước đây. Đây là loại máy được lắp đặt sẵn chứ không phải theo đơn đặt hàng và do các công ty Đài Loan sản xuất. Với mức giá dưới 600 USD, SmartPC đã đưa Dell trở thành nhà cung cấp PC nước ngoài hàng đầu tại Trung Quốc. Thị phần của Dell đã tăng từ 1% năm 1998 lên 7,4% trong năm nay.
Tuy vậy, Dell vẫn chưa chiếm được vị trí hàng đầu tại Trung Quốc như đã đạt được tại Mỹ. Lý do chủ yếu là do Dell vẫn giữ thông lệ bán hàng trực tiếp tới khách hàng, thông qua Internet hoặc điện thoại. Người Trung Quốc có thói quen chung là muốn được xem máy tính trực tiếp trước khi mua. Vì vậy, cách bán hàng tốt nhất là nên thông qua hệ thống bán lẻ rộng lớn. Đây cũng chính là thế mạnh của hai nhà sản xuất địa phương là Lenovo và Founder Electronics. Hai công ty này đã vượt qua Dell với thị phần lần lượt là 25,7% và 11,3%, theo IDC. Nhập gia tuỳ tục, Dell cũng đã mở các cửa hàng giới thiệu Smart PC và nhiều sản phẩm khác. Nhưng tháng 8 vừa qua, công ty này đã phải từ bỏ thị trường tiêu dùng tại đây khi các đối thủ cạnh tranh giảm giá PC xuống còn 362 USD. Một chuyên gia cao cấp của IDC nhận xét “ở thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới này, các nhà sản xuất PC nội địa đã giành ưu thế hoàn toàn”.
Chuyển động lực
Những thách thức lớn nhất vẫn nằm ở phía trước. Huawei đã đầu tư lớn cho Giao thức Internet phiên bản 6, hay IPv6, tiêu chuẩn cho thế hệ mới của Internet, có tính bảo mật, tốc độ và năng lực cao hơn. Trung Quốc dự kiến sẽ chấp nhận và phổ biến IPv6 nhanh hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Và nếu mối quan hệ gần gũi với chính phủ Trung Quốc giúp Huawei trở thành người đi đầu trong công nghệ này, nó sẽ đánh bại các đối thủ sừng sỏ như Cisco, Alcatel và Lucent. William Nuti, nguyên phó chủ tịch cấp cao của Cisco nói: “Gia đình Cisco trên thế giới sẽ phải thay đổi mô hình kinh doanh để cạnh tranh với các công ty nhỏ và nhanh nhẹn này”.
Ở mọi nơi trong thế giới đang phát triển, những công ty mới liên tục xuất hiện như những chướng ngại vật trong trò chơi Super Mario Brothers. Ngành kinh doanh trò chơi trên mạng là một ví dụ. Công ty mới nổi NCsoft đã giành lợi thế nhờ là người tiên phong trong việc khai thác băng thông rộng để phát triển kinh doanh trò chơi trên mạng, với hơn 5 triệu người đăng ký mỗi tháng. NCsoft hiện đang mở rộng thị trường ra các nước Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, nơi công ty này đã bán được 228.000 phiên bản trò chơi City of Heroes chỉ trong vòng 3 tháng sau khi phát hành hồi tháng 4.
Ngay cả Microsoft cũng gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh. Linux đang nổi lên như là một thay thế khả thi cho hệ điều hành Windows ở các thị trường đang phát triển và làm giảm thị phần của Microsoft. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hợp tác để đưa ra một phiên bản phần mềm nguồn mở trọn gói miễn phí. Nhiều chính phủ đang xem xét chính sách hỗ trợ các gói phần mềm nguồn mở và một trong số đó là Israel, nước đã quyết định ngừng sử dụng sản phẩm của Microsoft trong các cơ quan của nhà nước.
Microsoft dường như chưa có giải pháp thích hợp cho vấn đề này. Trong tháng 10, công ty sẽ bắt đầu bán Windows giá rẻ tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia, trong một nỗ lực nhằm ngăn cản sự bành trướng của phần mềm nguồn mở. Nhưng cho đến nay họ vẫn từ chối triển khai cách làm tương tự tại Trung Quốc, nơi họ đã thay 4 giám đốc điều hành trong 6 năm. “Kinh doanh theo mô hình thông thường sẽ không hiệu quả tại Trung Quốc. Họ cần phải tìm ra hướng đi mới”, đó là cảnh báo của Jack Gao, giám đốc điều hành Microsoft China từ năm 1999 đến 2003 .
Có lẽ kiên nhẫn là một trong những đặc tính quan trọng của các công ty công nghệ muốn xâm nhập vào thị trường mới nổi. Hewlett-Packard đã mất 3 năm để thiết lập các chương trình thử nghiệm tại Ấn Độ và Nam Phi, và cuối cùng họ đã bắt đầu thu lợi từ sản phẩm và cải thiện cuộc sống cho người dân ở đây. Dẫu sao, hàng tỷ người tiêu dùng ở những “thị trường mới” sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn nhờ tiếp cận với công nghệ hay nói đúng hơn, họ là tương lai của ngành công nghệ.
Nguyễn Hằng