Hacker máy tính là người nào đó truy cập vào máy tính hoặc mạng mà không được phép. Mặc dù đa phần đó là tội phạm mạng, những cũng có những vụ hack được thực hiện nhằm để tăng tính bảo mật.
Để giúp phân biệt, hacker thường được gọi là mũ đen hoặc mũ trắng. Nếu mục tiêu của vụ hack là tội phạm mạng, thì người thực hiện được gọi là một hacker mũ đen. Nhưng, nếu mục tiêu là cải thiện bảo mật, họ được gọi là một hacker mũ trắng.
Tuy nhiên, một số hacker lại rơi vào nhóm khác, gọi là hacker mũ xám. Vậy sự khác biệt là gì?
Hacker mũ xám là ai?
Hacker mũ xám nằm đâu đó giữa nhóm hacker mũ đen và mũ trắng. Trên thực tế, hacker mũ xám không có ý định xấu nhưng lại đột nhập vào mạng mà không được phép.
Trong khi một hacker mũ trắng sẽ chỉ bắt đầu hoạt động sau khi được một doanh nghiệp thuê, thì hacker mũ xám có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ doanh nghiệp nào. Điều này có thể liên quan đến việc truy cập thông tin bí mật hoặc chứng minh rằng mạng của doanh nghiệp không an toàn như họ tuyên bố.
Người ta có thể thực hiện hack mũ xám để tăng cường bảo mật, tìm công việc được trả lương hoặc chỉ đơn giản là chứng minh một quan điểm. Một số người cho rằng hacker mũ xám mang lại lợi ích về tổng thể. Họ thường chỉ ra các lỗ hổng mà một doanh nghiệp có thể không biết đến. Trong một số trường hợp, hacker mũ xám có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.
Điều gì thúc đẩy hacker mũ xám?
Động cơ của một hacker mũ xám không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ngoài thực tế là họ không có ý định xấu, họ có thể xâm nhập vào mạng vì bất kỳ lý do gì. Một số hacker mũ xám muốn cải thiện bảo mật để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Họ tin rằng Internet là một nơi nguy hiểm và họ có những kỹ năng cần thiết để cải thiện nó.
Hacker mũ xám cũng có thể đề nghị sửa bất kỳ lỗ hổng nào mà họ phát hiện ra. Do đó, hack mũ xám có thể được sử dụng như một cách để tìm kiếm công việc.
Một số hacker mũ xám không nhất thiết muốn cải thiện bảo mật hoặc tìm việc. Họ chỉ đơn giản là thích hack và cố gắng xâm nhập vào các mạng an toàn như một sở thích. Những người khác xâm phạm các mạng được bảo mật chỉ đơn giản là để chứng minh rằng họ có thể. Họ có thể sử dụng nó như một cách để trừng phạt các doanh nghiệp không bảo vệ thông tin khách hàng của mình một cách phù hợp.
Hacker mũ xám có vi phạm pháp luật không?
Cố gắng truy cập một mạng được bảo mật mà không được phép luôn là bất hợp pháp. Điều này có nghĩa là ngay cả khi một hacker mũ xám không đánh cắp bất cứ thứ gì, họ vẫn vi phạm pháp luật. Điều này có thể cho thấy rằng với một động lực xấu nào đó, họ có thể chuyển sang các hoạt động mũ đen.
Cũng cần lưu ý rằng nếu một hacker mũ xám muốn tăng cường bảo mật, có nhiều con đường hợp pháp dành cho họ. Thực tế, với những người đã chọn thực hiện hành vi phạm pháp, ta nên tiếp cận họ một cách thận trọng.
Làm việc với hacker mũ xám có an toàn không?
Việc một công ty có nên thuê một hacker mũ xám hay không vẫn còn là vấn đề tranh luận. Theo định nghĩa, hacker mũ xám sẵn sàng vi phạm pháp luật. Nếu một hacker xâm nhập vào một mạng bảo mật mà không được phép, nhiều doanh nghiệp sẽ dè chừng, không muốn tin tưởng người đó.
Xét về mặt tích cực, nếu hacker mũ xám phát hiện ra lỗ hổng và liên hệ với doanh nghiệp để báo cáo thì họ đang thể hiện mình có một bộ kỹ năng cao. Họ cũng chỉ ra rằng khi được lựa chọn tấn công một công ty hoặc giúp đỡ công ty đó, họ đã chọn cách ra tay trượng nghĩa.
Tất cả các doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình trước hacker
Hacker là một mối đe dọa mà tất cả các doanh nghiệp nên đề phòng. Và mặc dù chắc chắn là việc bị hacker mũ xám nhắm mục tiêu còn tốt hơn trở thành nạn nhân của hacker mũ đen, nhưng bất kỳ sự xâm nhập mạng không chính đáng nào cũng có khả năng xảy ra vấn đề.
Hacker, cả mũ xám và mũ đen, chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp sử dụng phần mềm lỗi thời. Hacker mũ đen cũng gửi email lừa đảo hàng loạt và nhắm mục tiêu bất cứ ai thiếu cảnh giác. Điều này có nghĩa là một công ty có thể ngăn chặn phần lớn các cuộc xâm nhập mạng bằng cách đào tạo đầy đủ cho tất cả nhân viên và cập nhật mọi phần mềm của mình.