Công nghệ ảo hóa cho các ứng dụng và desktop đã có từ rất lâu. Nhưng thất bại lớn nhất là trải nghiệm người dùng kém. Lý do rất đơn giản. Khi ảo hóa lần đầu tiên xuất hiện, GPU không phải là một phần trong đó. Và GPU ảo, còn gọi là vGPU, đã thay đổi điều đó.
Trên một thiết bị máy tính vật lý truyền thống như máy trạm, PC hoặc máy tính xách tay, GPU thường làm tất cả các thao tác chụp, mã hóa và kết xuất để thực hiện những tác vụ phức tạp, như video và ứng dụng 3D. Với ảo hóa trước đây, tất cả những thứ đó đã được CPU xử lý trong máy chủ trung tâm dữ liệu. Mặc dù có đủ chức năng cho một số ứng dụng cơ bản, nhưng ảo hóa dựa trên CPU không bao giờ đáp ứng được mức độ hiệu năng và trải nghiệm gốc mà hầu hết người dùng cần.
Điều đó đã thay đổi vài năm trước, khi NVIDIA phát hành GPU ảo. GPU ảo cho phép chia sẻ trên nhiều máy ảo. Điều này đã cải thiện đáng kể hiệu năng cho các ứng dụng và desktop, cũng như cho phép các tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng desktop ảo (gọi tắt là VDI), giúp tăng hiệu quả chi phí cho doanh nghiệp.
GPU làm nhiệm vụ gì?
Một đơn vị xử lý đồ họa có hàng ngàn lõi (core) để xử lý hiệu quả nhiều khối lượng công việc song song. Hãy nghĩ về các ứng dụng 3D, kết xuất hình ảnh và video. Đây đều là những tác vụ song song lớn.
Khả năng xử lý song song của GPU giúp nó trở thành chuyên gia trong việc tăng tốc các ứng dụng hỗ trợ máy tính. Các kỹ sư dựa vào chúng để thực hiện những công việc nặng. Nhưng còn rất nhiều ứng dụng ở cấp người dùng và doanh nghiệp khác nữa.
Tất nhiên, bất kỳ bộ xử lý nào cũng có thể kết xuất đồ họa. 4, 8 hay 16 lõi đều có thể thực hiện công việc. Nhưng với hàng ngàn lõi chuyên dụng trên GPU, người dùng sẽ không phải tốn thời gian chờ đợi lâu.
Giải thích về GPU ảo
GPU ảo hoạt động dựa trên phần mềm. Phần mềm NVIDIA vGPU cung cấp desktop và workstation ảo giàu đồ họa, được tăng tốc bởi các chip NVIDIA Tesla mạnh nhất thế giới.
Phần mềm này biến đổi GPU vật lý được cài đặt trên máy chủ để tạo GPU ảo, có thể chia sẻ trên nhiều máy ảo.
Phần mềm NVIDIA vGPU cũng bao gồm driver đồ họa cho mọi máy ảo. Đôi khi, nó được gọi là đồ họa phía máy chủ và cho phép mọi máy ảo hưởng lợi từ GPU, giống như desktop vật lý. Nhưng vì công việc thường được CPU thực hiện đã chuyển bớt sang cho GPU, người dùng có trải nghiệm tốt hơn nhiều và có thể hỗ trợ nhiều người dùng hơn.
GPU ảo của NVIDIA bao gồm 3 sản phẩm: NVIDIA GRID Virtual PC (GRID vPC), NVIDIA GRID Virtual Apps (GRID vApps) cho các nhân viên và NVIDIA Quadro Virtual Data Center Workstation (Quadro vDWS) cho các nhà thiết kế, kỹ sư và kiến trúc sư.
vGPUs đơn giản hóa việc quản trị CNTT như thế nào?
Làm việc với VDI, quản trị viên CNTT có thể quản lý tài nguyên tập trung, thay vì hỗ trợ các máy trạm riêng lẻ tại mỗi vị trí. Thêm vào đó, số lượng người dùng có thể được điều chỉnh dựa trên nhu cầu của dự án và ứng dụng.
Tính năng giám sát GPU ảo của NVIDIA cung cấp cho bộ phận CNTT những công cụ và cái nhìn sâu sắc, để họ có thể mất ít thời gian hơn khi khắc phục sự cố và có thêm thời gian tập trung vào các dự án chiến lược.
Với VDI, bộ phận IT cũng có thể hiểu rõ hơn các yêu cầu của người dùng và điều chỉnh việc phân bổ tài nguyên. Điều này giúp tiết kiệm chi phí hoạt động, đồng thời cho phép trải nghiệm người dùng tốt hơn.
Ngoài ra, tính năng Live Migration (di chuyển mà không cần ngắt kết nối) của các máy ảo được tăng tốc GPU NVIDIA cho phép bộ phận IT thực hiện những thứ quan trọng, như cân bằng khối lượng công việc, khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng và nâng cấp phần mềm máy chủ, mà không trải qua bất kỳ khoảng thời gian “chết” nào, nhờ đó mang lại trải nghiệm chất lượng cao và luôn sẵn sàng.