Gần đây, cộng đồng game thủ xôn xao về một trò chơi với đồ họa đơn giản mang tên Fly.pieter.com. Bạn chỉ cần nhập tên, điều khiển máy bay và chiến đấu với những người chơi khác. Điều đáng chú ý là game này được tạo hoàn toàn nhờ chỉ trong 30 phút và hiện mang về hơn 50.000 USD/tháng cho nhà phát triển.
Theo mô tả trên trang web của game, đây là một tựa game online miễn phí, không yêu cầu tải xuống hay cập nhật nặng nề. Dù có đồ họa không đỉnh cao, nhưng lối chơi đơn giản và hấp dẫn vẫn đủ thu hút nhiều người tham gia.
Người đứng sau Fly Pieter
Trò chơi này được phát triển bởi Pieter Levels, một lập trình viên nổi tiếng trong cộng đồng AI với phong cách "vibe coding" – phương pháp lập trình theo cảm hứng, không quá chú trọng vào cấu trúc mã mà chỉ cần đảm bảo sản phẩm hoạt động.
Levels cho biết: "Tất cả website, ứng dụng của tôi đều được xây dựng bởi chính tôi, sử dụng HTML, JavaScript, jQuery, PHP và SQLite."
Ngày 22/2, Levels chia sẻ trên X rằng anh đã thử nghiệm AI Cursor để tạo một trình mô phỏng bay. Chỉ trong 30 phút, với một vài lệnh đơn giản, anh đã có ngay Fly Pieter – trò chơi được lập trình bằng HTML và JavaScript thuần túy.
Chỉ sau 11 ngày, trò chơi đã thu về 52.360 USD, trong đó:
- 52.000 USD từ 22 quảng cáo trên trang web
- 360 USD từ việc bán 12 máy bay phản lực với giá 29,99 USD/chiếc
Ngoài ra, Fly Pieter còn cung cấp gói quảng cáo cao cấp lên đến 5.000 USD/tháng, góp phần tạo nguồn thu đáng kể.
Lý do khiến Fly Pieter thành công rực rỡ
Sự phổ biến của game không chỉ đến từ AI mà còn nhờ sự hậu thuẫn của mạng xã hội. Levels có 623.000 người theo dõi trên X, phần lớn là những người quan tâm đến AI và sẵn sàng chia sẻ về trò chơi. Đặc biệt, Elon Musk, với gần 220 triệu người theo dõi trên X, cũng đã chơi game và đánh giá cao: "Những tựa game AI sẽ bùng nổ trong tương lai."
Tuy nhiên, việc phát triển game chỉ bằng AI cũng đi kèm rủi ro bảo mật. Levels từng phải sửa lỗi game quảng bá trang web không phù hợp, đồng thời liên tục điều chỉnh đồ họa và tính năng để cải thiện trải nghiệm người chơi.
Liệu Vibe Coding có thể thay đổi các coder?
Trước đây, lập trình luôn đòi hỏi tính chính xác và tối ưu hóa mã nguồn, nhưng với AI, ngày càng nhiều công cụ cho phép tạo phần mềm mà không cần hiểu biết sâu về lập trình, như Cursor Composer, GitHub Copilot và Replit Agent.
Nhiều lập trình viên đã thử nghiệm phong cách vibe coding. Peter Yang, một nhà phát triển tại Microsoft, đã sử dụng AI để tạo một game bắn zombie chỉ bằng lệnh thoại, thay vì gõ từng dòng code.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có hạn chế. Simon Willison, chuyên gia AI, nhận định: "Đến một lúc nào đó, bạn cần hiểu code ở mức độ nhất định, vì AI có thể tạo ra code bị lỗi hoặc hiểu sai yêu cầu."
Vibe coding có thể phù hợp cho các lập trình viên cá nhân, nhưng trong môi trường doanh nghiệp, việc phụ thuộc hoàn toàn vào AI vẫn chưa khả thi.