E-mail có nguy cơ bị xóa bỏ

Từng là kênh giao tiếp hiệu quả nhất trước đây đối với dân ham mê công nghệ nhưng cho tới nay vai trò của e-mail ngày càng trở nên mờ nhạt, và tương lai không xa sẽ bị loại bỏ.

Với rất nhiều người hiện nay, e-mail không còn là kênh liên lạc hiện quả nữa. Nguyên nhân do đâu, có phải do công nghệ đã quá phát triển làm cho người ta lãng quên kênh giao tiếp này? Thực tế thì không phải vậy, dân tình chán e-mail là bởi một loạt các phiền toái mà chúng gây ra. Chẳng hạn như nạn thư rác, sự thiếu quan tâm của nhà cung cấp dịch vụ, rồi đến việc một người có quá nhiều địa chỉ e-mail dẫn tới tình trạng thừa mứa, không biết sử dụng e-mail nào.

Lại nói về tình trạng dư thừa địa chỉ e-mail. Ngày nay người dùng có thể lập bao nhiêu e-mail tùy thích miễn là họ có thời gian và có khả năng nhớ được mật khẩu và địa chỉ từng e-mail. Tuy nhiên, sự hăm hở ban đầu nhanh chóng qua đi bởi nghiễm nhiên người ta có nhiều cơ hội sở hữu địa chỉ e-mail. Việc sử dụng tràn lan khiến cho người dùng có thói quen thay đổi địa chỉ e-mail thường xuyên. Rất ít người “chung thủy” với một địa chỉ e-mail duy nhất. Mỗi khi đến làm cho một công ty mới, nghiễm nhiên nhân viên được cấp một địa chỉ e-mail nội bộ. Rồi khi họ nghỉ việc, rất ít ai có thói quên forward toàn bộ thư của địa chỉ cũ sang địa chỉ mới.

Khi chọn một địa chỉ e-mail chính, người dùng thường có thói quen sử dụng dịch vụ của Yahoo hoặc Google. Tuy nhiên, thay vì đặt địa chỉ e-mail bằng tên của họ, người ta thường dùng những từ ngữ ẩn danh, hoặc dùng tên nhưng kết hợp với nhiều chữ số. Điều này khiến cho địa chỉ e-mail khó nhớ, để rồi sau vài tháng người ta lại chán địa chỉ đó vì bị spam quá nhiều.

Lập hòm thư để lấy oai

Không phải ai lập ra địa chỉ e-mail cũng để giao dịch hoặc nói cho bạn bè biết. Vì thế có rất nhiều địa chỉ e-mail trống rỗng bởi chưa bao giờ được chủ nhân của chúng sử dụng. Điều này hoàn toàn trái ngược với những hòm thư đầy ắp thư rác ở trên. Tình huống này thường rơi vào những người dùng ít khi để ý tới nội dung trong thư. Họ lập ra hòm thư chỉ để đó và không bao giờ sử dụng; hoặc lập quá nhiều hòm thư cùng lúc rồi không nhớ là đã có hòm thư nào, hoặc quên mật khẩu truy cập… nói chung là do nhiều nguyên nhân. Tất nhiên, một địa chỉ e-mail không thể tồn tại mãi mãi. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ dành một khoảng thời gian là vài tháng trước khi xóa địa chỉ e-mail cũ không được sử dụng hoặc có bất cứ tương tác nào.

Cũng có những người lập ra hòm thư để … chơi hoặc để ra oai với mọi người. Điều này thường xảy ra trong thời kỳ trước đây khi làn sóng người người có địa chỉ e-mail, nhà nhà có địa chỉ e-mail. Lập ra chỉ cho có và chả dùng vào việc gì. Câu chuyện này tương tự như một ý định cách đây không lâu của Bộ Giáo dục khi muốn cấp phát địa chỉ e-mail cho tất cả các học sinh và giáo viên trên cả nước, kể cả vùng sâu vùng xa những nơi không có điều kiện tiếp cận với mạng Internet.

Hộp thư chết” không phải là hiện tượng quá hiếm hoi bởi trong nhiều năm qua, hàng triệu người dùng e-mail AOL rơi vào tình trạng dật dờ, rất nhiều e-mail chuyển đến mà không bao giờ được đọc. Dĩ nhiên, không như Yahoo, AOL không phải là lựa chọn e-mail phổ biến của người dùng hiện nay. Đó cũng là lý do khiến cho nó trở nên chết yểu.

Spam tràn lan

Spam có thể coi là vấn nạn của Internet hiện nay. Nếu đã dùng e-mail, người ta không thể tránh khỏi những cảm giác bực mình khi bị spam tràn lan. Phải đến 9/10 lượng e-mail gửi đi hiện nay là thư rác, khiến cho người dùng như lọt vào mê cung khi kiểm tra e-mail. “Đế chế” thư rác chắc chắn sẽ còn lâu mới kết thúc mặc dù ông chủ của Microsoft là Bill Gates từng tiên đoán rằng năm 2006 con người sẽ ngăn chặn được vấn nạn này. Thực tế cho thấy dự đoán của Bill Gates đã sai bét, không những thế thư rác còn phát triển rầm rộ hơn trước đây.

Như đã đề cập ở trên, tình trạng thư rác lan tràn hầu như không thể kiểm soát được. Thực trạng này chủ yếu là do nhà cung cấp dịch vụ. Việc sử dụng các bộ lọc thư rác không hiệu quả khiến cho thư rác vẫn dễ dàng qua mặt được cơ chế kiểm soát. Các bộ lọc này đôi khi còn nhầm lẫn cả thư thật với thư rác, khiến cho chủ nhân của chúng nhiều khi hú vía (tất nhiên là đối với các e-mail quan trọng).

Bị cạnh tranh, chèn ép

Sự xa rời của e-mail còn do tác động của nhiều yếu tố khác, trong đó có sự cạnh tranh của hệ thống IM và những phương thức giao tiếp tiện lợi khác như Twitter, Facebook hoặc LinkedIn. Để tra đổi một thông điệp ngắn ngọn, người ta thường dùng IM thay vì e-mail. Để giao tiếp và trao đổi công việc hàng ngày, người ta cũng dùng IM. Ngay cả những công việc vốn là thế mạnh của e-mail trước đây như file đính kèm thì nay IM cũng có thể đảm nhận được khả năng đó. Nói chung, với sự lớn mạnh của e-mail và các phương thức giao tiếp tức thời khác, “đất sống” của e-mail ngày càng bị thu hẹp.

Ngoài ra, sự thiếu quan tâm và hỗ trợ của nhà cung cấp dịch vụ cũng là lý do khiến người dùng xa rời e-mail. Mỗi khi có đóng góp hoặc nhờ vả sự trợ giúp nào đó, người dùng thường phải trải qua một cơ chế truy vấn phức tạp. Họ phải đưa ra nhiều câu trả lời dài dòng và máy móc. Ai không thích điều này bởi thời gian là rất quý báu. Mọi sự đóng góp chia sẻ đều phải thực hiện trên cơ chế nhanh gọn và không phiền phức.

Thứ Tư, 18/03/2009 11:11
2,97 👨 3.605
0 Bình luận
Sắp xếp theo