Lưu trữ dữ liệu là việc vô cùng quan trọng và cần thiết, nó không chỉ giúp bảo vệ dữ liệu, lưu trữ các thông tin cá nhân và công việc, mà còn thuận tiện trong việc di chuyển, trao đổi và sử dụng ở các địa điểm khác nhau. Trước đây, công cụ phổ biến nhất là thẻ nhớ, thế nhưng với sự phát triển của công nghệ lưu trữ đám mây trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người dùng phân vân không biết nên chọn thẻ nhớ hay đám mây để lưu dữ liệu.
Trên thực tế mỗi cách thức sao lưu đều có ưu và nhược điểm riêng, vì vậy Quản trị mạng sẽ so sánh hai phương pháp lưu dữ liệu phổ biến nhất là thẻ nhớ và đám mây, qua đó hy vọng bạn đọc sẽ chọn được cách tốt nhất và phù hợp với bản thân mình.
- Những điều cần lưu ý khi backup dữ liệu trên máy tính
- Cách lưu trữ dữ liệu online không giới hạn trên Sendit.cloud
- Cách tạo tài khoản Google Drive Unlimited không giới hạn dung lượng
1. Lưu dữ liệu qua thẻ nhớ
Ưu điểm:
Giá rẻ, dễ dàng nâng cấp dung lượng khi cần:
Giá một chiếc thẻ nhớ chính hãng hiện nay dao động trong khoảng 250 - 300 nghìn đồng, chỉ với tầm đó tiền là bạn sẽ có ngay chiếc thẻ nhớ 16GB. Nếu điện thoại có bộ nhớ trong hạn hẹp, bạn có thể lựa chọn các loại thẻ nhớ cao hơn như 32GB, 64GB, 128GB hay thậm chí là 256GB tốc độ cao, nên sử dụng thẻ nhớ bạn không phải lo lắng về không gian lưu trữ. Thêm nữa, đa số các smartphone bây giờ đều hỗ trợ các cổng kết nối thẻ microSD như UHS-I, UHS-II.
Sao lưu, backup dữ liệu trực tiếp, không cần Internet:
Không cần đến kết nối mạng WiFi hay 3G/4G bạn vẫn có thể lưu trữ, sao chép tập tin, hình ảnh từ thẻ nhớ sang điện thoại hay thiết bị khác. Điều này đặc biệt hữu ích trong những trường hợp như khi bạn đang đi leo núi hoặc ở những nơi không có Internet, bạn vẫn xem được trực tiếp hình ảnh, đọc thông tin lưu trữ ngay trên thẻ nhớ.
Nhược điểm:
Có thể bị hư hỏng hay vô tình làm mất:
Thường xuyên sử dụng thẻ nhớ lưu trữ dữ liệu, có lẽ ai cũng từng gặp phải tình huống trớ trêu như đi đường vô ý làm rơi, nhét thẻ vào vô ý làm gẫy chân thẻ,... Khi ấy, cơ hội lấy lại dữ liệu gần như bằng không nếu trước đó bạn không sao chép sang một thiết bị khác.
Ngoài ra, thời hạn sử dụng cũng là vấn đề đáng lưu tâm khi sử dụng thẻ nhớ. Cách bảo quản, vệ sinh, thiết bị sử dụng, môi trường cũng có thể làm thẻ nhớ cửa bạn bị “chết”.
2. Lưu dữ liệu trên đám mây
Ưu điểm:
Lưu trữ, backup dữ liệu mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có kết nối Internet:
Sử dụng lưu trữ trên đám mây, bạn có thể dễ dàng xem lại kỷ niệm nào đó trong quá khứ mà chỉ cần bật kết nối Internet với thiết bị và dùng các trang web lưu trữ dữ liệu trực tuyến hoặc từ các app ứng dụng hỗ trợ. Chưa hết, lưu trữ trên đám mây, bạn còn có thể chỉnh sửa hình ảnh, video,... Thậm chí là trực tiếp đăng tải lên mạng xã hội mà không phải rườm rà qua các công cụ như việc lưu trên thẻ nhớ. Hơn nữa, các công cụ như Google Photos và các dịch vụ trên đám mây sẽ hỗ trợ bạn quản lý tập tin, sắp xếp hình ảnh giúp cho việc tìm kiếm thuận tiện hơn so với kiểu lưu trữ truyền thống.
Độ bảo mật cao, hạn chế việc mất dữ liệu:
Một khi dữ liệu đã lưu trên đám mây thì bạn hoàn toàn yên tâm về vấn đề bảo mật mà dịch vụ mang lại. Tất nhiên là chỉ áp dụng với những dịch vụ uy tín như Google, OneDrive hay Dropbox,…
Nhược điểm:
Bắt buộc phải có kết nối Internet:
Đây có lẽ là điểm hạn chế lớn nhất của việc lưu trữ trên đám mây, chỉ khi nào có mạng thì nó mới chạy. Vậy nên, nếu bạn dùng những dịch vụ lưu trữ này thì hãy đảm bảo thiết bị luôn phải được kết nối Internet khi muốn sử dụng nhé. Bên cạnh đó, dung lượng mặc định mà nhà cung cấp cho bạn khá hạn chế, nếu muốn nâng cấp bạn phải bỏ số tiền kha khá để thanh toán đấy.
Như vậy, có thể thấy mỗi kiểu lưu trữ lại có những ưu điểm riêng cũng như nhược điểm của chúng. Qua bài viết này hy vọng các bạn sẽ chọn được cách lưu trữ phù hợp nhất với mình.
Xem thêm: