Cho dù là bạn mua một chiếc máy tính mới hay nâng cấp từ cái cũ lên thì một chiếc bo mạch chủ mới vẫn là điểm khởi đầu. Việc chọn lựa chúng phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định, và nếu chọn đúng bạn sẽ không phải lo lắng về khả năng nâng cấp sau này.
Xây dựng một chiếc PC theo ý thích sẽ dễ hơn nhiều so với việc bạn chọn một bộ PC có sẵn do nhà phân phối đưa ra (rất khó có thể cung cấp những tính năng mà bạn cần). Hãy bỏ ra một buổi chiều để soi xét tất cả những thiết bị cần thiết để tạo nên một chiếc PC "trong mơ" của mình.
Cũng giống như nấu ăn, khâu chuẩn bị rất quan trọng. Yếu tố quan trọng nhất của một hệ thống PC sẽ là bộ phận bo mạch chủ. Giá cả và cấu hình bo mạch rất đa dạng, và bạn cần chắc rằng mọi thứ đều hợp lý với yêu cầu đặt ra bởi nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều yếu tố khác, trong đó có CPU và ổ cứng lưu trữ.
Nói một cách tổng quát nhất, bo mạch chủ là trái tim của một hệ thống PC hiện đại. Nó tác động tới hầu hết các thiết bị khác, vậy nên việc chọn một chiếc bo mạch hợp lý sẽ tốn khá nhiều thời gian so với việc xem xét các thành phần khác.
Trước hết, bạn cần xác định được mục đích sử dụng máy tính của mình sẽ là gì. Nếu là game thủ, bạn sẽ quan tâm nhiều tới CPU, chip đồ họa (GPU), chipset, và thường bỏ qua các thiết bị ngoại vi khác. Còn nếu là người dùng thông thường, bạn chỉ cần quan tâm tới các cổng cắm (đặc biệt là USB) sao cho chúng thật tiện dụng.
Các tính năng chính:
* CPU: Thành phần này cũng được coi là bộ não của bất cứ hệ thống máy tính nào. CPU là một trong những thành phần chính của một chiếc PC hiện đại. Nếu bạn đủ sức trang bị cho mình những dòng CPU mới thì nên xem qua các sản phẩm của Intel, chẳng hạn như Core 2 Duo hay Core 2 Quad (sử dụng socket LGA775). Đây đều là những dòng chip hiệu suất cao và hỗ trợ nhiều tác vụ xử lý cùng lúc, nhất là các trải nghiệm multimedia.
Trong khi đó, bạn cũng có thể cân nhắc các sản phẩm của AMD, mà cụ thể là Phenom (3 hoặc 4 lõi), và Athlon 64 (2 lõi). Các sản phẩm AMD hoạt động khá ổn định nhưng nói chung hiệu suất không bằng với chip Intel.
Một nhà cung cấp chip thứ 3 khác mà bạn cũng có thể xem qua đó là Via Technologies. Hãng này sản xuất dòng chip C7 tiêu thụ ít điện năng nhưng hiệu suất và tốc độ lại kém hơn Intel và AMD.
* Chipset: Nếu CPU là bộ não của PC thì chipset sẽ là đốt sống của hệ thống, chịu trách nhiệm kết nối tất cả các thành phần lại với nhau và truyền dữ liệu giữa chúng. Chipset cũng quyết định việc sử dụng CPU nào, bộ nhớ và các thiết bị khác, và ảnh hướng lớn tới hiệu suất toàn bộ hệ thống.
Chipset là thành phần đơn quan trọng nhất của bo mạch. Do các bo mạch cùng sử dụng chung một chipset nên hiệu suất của chúng thường không khác nhau là mấy. Sự khác nhau chỉ phân biệt qua các tính năng, chẳng hạn như khe cắm mở rộng, lựa chọn lưu trữ, hoặc các chip rời đi kèm.
Chipset thường được chia làm 2 chip khác nhau và chúng được gọi với cái tên chip cầu bắc và chip cầu nam. Chip cầu bắc thường đảm nhận việc giao tiếp với những thiết bị hiệu suất cao, trong khi chip cầu nam thường làm việc với những thiết bị ít nhạy cảm hơn.
Chip cầu bắc bao gồm bộ điều khiển nhớ, đồ họa tích hợp hoặc giao diện đồ họa rời. Riêng AMD thì lại tích hợp bộ điều khiển nhớ vào thẳng CPU, chứ không tích hợp vào chipset.
Chip cầu nam bao gồm mạng, lưu trữ, audio, thiết bị ngoại vi nói chung và những thiết bị khác. Hình ảnh dưới đây minh họa cho chipset Intel X48 với các vùng phân chia giữa cầu bắc (MCH) và cầu nam (ICH).
Riêng về phần chipset thì các lựa chọn phong phú hơn. Người dùng có thể chọn của Intel, AMD, nVidia hoặc SiS hay Via.
* Bộ nhớ: Thao tác chọn bộ nhớ đơn giản hơn rất nhiều. Bạn chỉ việc chọn một tên tuổi đáng tin cậy nào đó, và giá phải hợp lý (trừ khi bạn muốn ép xung thì đó lại là một chuyện khác).
Hiện tại, hầu hết các chipset đều sử dụng bộ nhớ kênh đôi DDR2 800 MHz (PC2 6400). Nhưng các chipset mới hơn của Intel còn sử dụng cả DDR3 với băng tần cao hơn (1066 -1600Mhz), tiêu thụ ít điện năng và sẽ là hướng đi chủ đạo trong vài năm tới. Tuy nhiên, hiện giá các dòng RAM này đều rất cao, và nếu chỉ muốn xây dựng một hệ thống PC vừa phải thì nó sẽ quá tầm tay với bạn. Dự đoán sang năm tới, giá của dòng bộ nhớ này sẽ giảm nhiệt và người dùng sẽ có cơ hội sử dụng đại trà hơn.
Thật khó có thể phân biệt sự khác nhau về vẻ bề ngoài của DDR2 và DDR3 bởi chúng đều có 240 chân cắm. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phân biệt chúng bằng cách để ý tới lỗ hổng nhỏ giữa các chân cắm. Nếu lỗ hổng này gần với trung tâm của DIMM (module bộ nhớ) thì đó là DDR2; còn nếu gần với mép của DIMM thì đích thị là DDR3. Hãy nhớ rằng khi lắp RAM, nếu bạn thấy chân cắm có vẻ không khớp thì đừng có cố ép xuống, nếu không hoặc là RAM, hoặc là bo mạch sẽ bị tổn thương.
Chọn mua bo mạch cho PC (phần 2)
Chọn mua bo mạch chủ (phần cuối)