Ngay nay, nhu cầu sử dụng smartphone là cực kỳ lớn, chúng ta gần như phải sử dụng smartphone mọi lúc mọi nơi, từ mục đích giải trí đến phục vụ công việc. Trong khi công nghệ pin trên điện thoại thông minh dường như vẫn còn nhiều hạn chế, thật dễ hiểu khi pin dự phòng trở thành một món phụ kiện công nghệ cực hot, thậm chí là vật bất ly thân của rất nhiều người. Khỏi phải bàn nhiều về sự tiện lợi của pin dự phòng, đặc biệt là đối với những chuyến đi dài, tuy nhiên, nếu bạn đang lên kế hoạch mang theo một bộ nguồn hoặc pin dự phòng trên máy bay, bạn có lẽ nên kiểm tra trước thông số kỹ thuật của chúng bởi đơn giản, không phải mọi thứ đều được phép mang lên máy bay. Đã có không ít những sự cố cháy nổ xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ những thỏi pin, do đó, yêu cầu này là hoàn toàn hợp lý.
Nếu bạn tò mò muốn biết liệu pin dự phòng có được phép xuất hiện trên những chuyến bay hay không, câu trả lời là có, nhưng chưa đủ. Còn có các quy định như sau.
Vị trí
Quy tắc ở đây rất đơn giản: Nếu bạn có một viên pin dự phòng, pin máy tính xách tay, pin điện thoại hoặc bất kỳ thứ gì khác sử dụng pin lithium-ion có thể sạc lại, chúng sẽ phải được mang theo bên mình. Nghe có vẻ lạ, nhưng thực sự việc giữ những thiết bị có khả năng gây nổ này ở những nơi chúng có thể được theo dõi liên tục sẽ an toàn hơn rất nhiều. Ví dụ, một điện thoại bắt lửa trong cabin là nghe cũng đáng sợ đấy, nhưng chúng ta sẽ xử lý khá nhanh thôi. Tuy nhiên bạn hãy thử tưởng tượng một đám cháy xuất hiện trong khu vực chứa hàng hóa thì sao? Sẽ không dễ dàng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời và sự an toàn của tất cả những người trên chuyến bay chắc chắn sẽ không được đảm bảo.
Dung lượng
Đối với pin dự phòng, việc viên pin đó có mang lên máy bay được hay không sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để chọn mua. Tuy nhiên, đây lại là một câu hỏi chưa chính xác lắm. Bởi, quy định về dung lượng của pin dự phòng khi đi máy bay bị giới hạn theo Wh chứ không phải mAh. Dưới đây là công thức để chuyển đổi giữa các đơn vị. Trước hết, cần nhắc lại rằng pin không được để trong hành lý ký gửi mà phải xách tay, dù là viên pin nhỏ và bạn cũng không được dùng pin dự phòng để sạc cho các thiết bị khác trên máy bay. Như đã nói, quy định về pin dự phòng được giới hạn theo Wh, vẫn được in sẵn trên viên pin. Hiện tại không nhiều nhà sản xuất thể hiện con số này, nên chúng ta có thể tính bằng công thức Wh = Ah x V (nếu là mAh thì chia cho 1000).
Cụ thể, các bước thực hiện như sau:
- Tìm số mAh của pin (có thể từ 1 đến 30.000)
- Tìm điện áp của pin (thường là 3.6V / 3.7V)
- Chia số mAh cho 1000, chuyển đổi nó thành Amp giờ (Ah)
- Nhân số Ah với điện áp để lấy đơn vị Wh
Công thức tổng quát:
Ví dụ, một viên pin có dung lượng 20000mAh với hiệu điện thế 3.6V hì Wh sẽ là: (20.000 : 1000) x 3.6 = 72Wh
Thông thường các viên pin dự phòng thường có nhiều hiệu điện thế và mức điện áp khác nhau, một bộ nguồn 3.6V trung bình sẽ phải có khoảng 28.000mAh trước khi nó vượt quá giới hạn 100 Wh. Miễn là bạn nhìn thấy "3.6V" hoặc "3.7V" và một số thấp hơn 28.000mAh, thì nhiều khả năng viên pin của bạn được phép mang lên máy bay.
Tuy nhiên, nếu bạn có một viên pin lớn hơn, bạn vẫn có thể mang theo lên máy bay. Trong nhiều trường hợp đặc biệt và được sự cho phép từ hãng hàng không, những viên pin có mức Wh từ 100,1 - 160Wh (160Wh xấp xỉ 44.000mAh ở mức 3,6volt) vẫn được chấp nhận để mang lên máy bay, hãy liên lạc trực tiếp với nhà cung cấp dịch vụ để nhận được trợ giúp.
Còn đối với những viên pin lớn hơn 160Wh thì gần như là không có ngoại lệ nào, vì nó được xếp vào danh mục các loại hàng hóa nguy hiểm. May mắn thay, rất khó để tìm thấy một viên pin dự phòng nào có dung lượng lớn đến như vậy.
Mỗi nguy hiểm thực sự đến từ những viên pin dự phòng là gì.
Những viên pin bé xíu này hoàn toàn có thể là những “kẻ đánh bom liều chết” gây ra những thảm họa tồi tệ cho ngành hàng không. Chỉ cần tìm kiếm nhanh một từ khóa kiểu như "nổ pin trên máy bay" bạn sẽ hình dung ra được một phần nào đó, mặc dù trên thực tế, hầu hết các đám cháy đều đã nhanh chóng được dập tắt.
Thảm họa liên quan đến pin duy nhất được xác nhận cho đến thời điểm hiện tại là chiếc máy bay UPS đã bị rơi tại sân bay quốc tế Dubai vào năm 2010, nguyên nhân bắt nguồn từ một vụ hỏa hoạn do một loại pin lithium gây ra. Vụ tai nạn này là một cũng lý giải tại sao các hãng hàng không hề muốn hành khách của mình mang theo pin lithium lên máy bay. Còn với trường hợp của UPS, hãng vận tải này không cấm những thỏi pin, nhưng sẽ đóng gói chúng cẩn thận trong các thùng chứa được làm bằng sợi thủy tinh đặc biệt.
Thậm chí đã từng có một giả thuyết (vô căn cứ) cho rằng những thỏi pin phát nổ là nguyên nhân cho sự biến mất của chiếc máy bay định mệnh MH370 trong năm 2014. Như đã nói, các sự cố cháy nổ đối với pin trên máy bay không nhiều, và nếu có thì thường được xử lý khá nhanh, tuy nhiên bạn cũng nên tuân thủ những khuyến cáo của nhà cung cấp dịch vụ. Tất cả những gì họ muốn chỉ là để đảm bảo sự an toàn cho bạn và cả phi hành đoàn mà thôi.
Tổng kết
Cuối cùng, tất cả những thông tin bạn cần nắm được về pin dự phòng để tránh bất kỳ rủi ro nào khi đang bay là:
- Mang theo pin của bạn lên cabin chứ không phải để ở kho hành lý.
- Không mang theo những thỏi pin có dung lượng trên 100Wh (thường khoảng 27-28.000 mAh) hoặc nếu mang, phải thông báo cho hãng hàng không và những bộ phận liên quan.
Chúc các bạn có những chuyến bay an toàn và thoải mái!
Xem thêm: