Bạn có tin không những người nông dân này đang lập trình ứng dụng để đối phó với hạn hán đấy

Bài viết là lời kể trên Motherboard của anh chàng Rajiv Golla, người đã có chuyến thăm Kenyan trong một cuộc thi hackathon với đầy sự bất ngờ và ngưỡng mộ.

Tôi đã tham dự hackathon ở Eldoret, Kenya để xem xem những công nghệ "cây nhà lá vườn" ở đây làm việc như thế nào sau khi tất cả những giải pháp mua về từ nước ngoài đều thất bại.

Kenya đang phải đối mặt với một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất lịch sử. Những chiếc giếng khoan cạn trơ đáy, gia súc thì quá gầy để có thể ăn hoặc bán, và xung đột đang bùng nổ giữa những người chăn gia súc. Ngô, cây lương thực chính ở đây, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào tháng Hai, Tổng thống Uhuru Kenyatta đã phải ban bố thảm họa quốc gia với 2,6 triệu người cần viện trợ lương thực, sau đợt hạn hán kéo dài liên tục từ năm 2014.

Hạn hán ở Kenya
Hạn hán kéo dài ở Kenya

Nhưng khi lái xe đến Eldoret, một thị trấn ở miền Tây Kenya, nổi tiếng với việc sản xuất ngô, sữa và những vận động viên điền kinh đạt giải ở Olympic, mọi thứ thật khó có thể tưởng tượng được. Thành phố 290.000 dân này đã thoát khỏi hạn hán. Những ngọn đồi bao quanh đường được phủ kín với rất nhiều cây xanh và thân cây ngô trải dài theo mọi hướng cho đến tận trung tâm thị trấn. Điểm nhấn lớn nhất ở đây là cuộc bầu cử vào tháng 8 sắp tới. Đường phố đầy ắp các poster tranh cử và xe tải với những khẩu hiệu chính trị. Là một vùng đất chiếm tới 75% ngành nông nghiệp của Kenya, ứng cử viên hàng đầu cho chức thị trưởng, một ông trùm nuôi bò sữa, đã lấy luôn một con bò sữa làm biểu tượng tranh cử của mình.

Khi đến Eldoret để tham dự Hack4Farming, một hackathon thu hút hơn 100 ngưới trong đó có 40 đối thủ đến từ khắp Kenya. Với nạn hạn hán đang lan rộng, họ đã nhắm mục tiêu của mình đến việc cách mạng hóa nền nông nghiệp Kenya. Một số chuyên gia trẻ của Kenya muốn đầu tư vào trang thiết bị làm vườn với quy mô nhỏ, đang tìm kiếm công nghệ mới nhất cho trang trại của mình. Trong số đó có Patricia Lagat, một cựu sinh viên y khoa có niềm đam mê vô tận với trái cây. "Đừng gọi chúng tôi là nông dân", cô ấy trừng mắt lên với tôi. "Tôi là một phần trong Horticultural Value Chain" (tạm dịch: chuỗi giá trị nông nghiệp). Lagat đã phân biệt rõ giữa nông nghiệp truyền thống và kinh doanh nông nghiệp, bao gồm mọi khâu từ trồng trọt đến bán thành phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ. Ứng dụng của cô, Kuza, kết nối người dùng với một loạt nhà sản xuất để cung cấp thông tin mới nhất về giá cả nông sản và thực tiễn canh tác. Bằng cách đưa những người nông dân vào mạng lưới này, Lagat tin rằng cô có thể làm cho nông nghiệp trở thành một ngành hấp dẫn hơn với hiệu quả cao hơn.

Các thành viên tham dự Hack4Farming
Một số thành viên tham dự Hack4Farming ở Kenya

Một số dự án khác được ban giám khảo đánh giá cao như nền tảng GPS để giúp người nông dân tìm được nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, phân bón gần nhất, một mô hình kiểu "Uber" để thuê thiết bị nông trại nhàn rỗi và một ứng dụng lưu trữ hồ sơ cá nhân cho gia súc để ngăn chặn giao phối cận huyết.

Nông nghiệp chiếm khoảng 30% GDP của Kenya, và những đổi mới tiềm năng như vậy làm cho nông nghiệp có lợi và hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với những gia đình chỉ kiếm được dưới 10 USD một ngày. Arnold Bundotich, một sinh viên ngành thiên văn học có trang trại ngô 5 mẫu Anh, nói rằng: Anh ta chỉ gặp một chút khó khăn trong việc trồng cây lương thực, nhưng gặp khó khăn nhiều hơn trong việc bán sản phẩm trồng được. Và vấn đề chính ở Kenya không phải là nuôi trồng mà là thương mại hóa nông nghiệp.

Chính quyền địa phương và quốc gia đã đầu tư nhiều công sức và tiền của để tìm ra những giải pháp cho vấn đề này. Bên cạnh sự giúp đỡ, các dự án từ nước ngoài thì những ứng dụng được trình bày tại hackathon có thể là một tín hiệu tốt. Bởi nhiều công nghệ được cung cấp bởi các công ty nước ngoài không thể áp dụng ở quốc gia này, vì chúng quá cồng kềnh, không phù hợp với những trang trại đơn giản, nhỏ, chiếm đến hơn 70% số trang trại ở Kenya.

Nhưng những công nghệ "cây nhà lá vườn" được trình bày ở Eldoret có thể hữu ích hơn so với các công nghệ ngoại bởi chúng được tạo ra từ chính những trang trại ở Kenya. Lagat đã giành chiến thắng với Kuza nhờ vào việc cung cấp những thông tin và lựa chọn thay thế khác nhau như số phút gọi điện, lái xe đến chợ trong thị trấn. Người chiến thắng thứ hai là Maye Edwin, người tạo ra FarmAssist nhằm giải quyết nhu cầu về biểu đồ tăng trưởng, dành cho những chủ trang trại chuyên nghiệp ở thành thị, như Lagat. Ứng dụng mã nguồn mở cung cấp số liệu thống kê về sản lượng sữa hàng ngày, theo dõi sự sinh sản của bò và tạo điều kiện giao tiếp giữa một người nông dân sống ở thành thị với người thực sự làm việc trên cánh đồng, tích hợp thêm hệ thống SMS đang được sử dụng.

Các sản phẩm được đề xuất ở Eldoret đều có những đối thủ cạnh tranh rất mạnh ở thị trường Kenya. Có thể kể đến một vài cái tên như:

  • Cowsoko, một trang web thương mại điện tử bán gia súc trực tuyến, đã có hơn 10.000 người sử dụng từ năm 2015 và đang có kế hoạch mở rộng sang các nước láng giềng.
  • Sokopepe cũng đã làm theo cách tương tự để loại đi khâu trung gian trong sản xuất, liên kết trực tiếp người nông dân với người mua, loại bỏ môi giới và tăng số tiền mà người nông dân trực tiếp nhận được cho sản phẩm của mình.
  • Kilimo Salama là một loại bảo hiểm giúp những người nông dân sản xuất ở quy mô nhỏ trước những rủi ro về thời tiết.

Ngay cẩ chính phủ Kenya cũng đã áp dụng công nghệ cao trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, xây dựng một chương trình bảo hiểm cho những người chăn gia súc bị ảnh hưởng bằng những hình ảnh vệ tinh của vùng đất chăn thả bị hạn hán.

Có thể thấy rằng khoa học công nghệ bây giờ không chỉ được áp dụng trong các ngành công nghiệp, khoa học máy tính, thương mại, ngân hàng hay cái gì đó quá cao siêu. Một ngành cũng đang chuyển mình và cần đầu tư nhiều công nghệ hơn nữa đó chính là nông nghiệp. Nông nghiệp đang trở thành một con đường rộng lớn cho những developer muốn tìm một mục tiêu, môi trường mới để chứng tỏ khả năng của mình. Thiết nghĩ, nếu nông nghiệp Việt Nam được quan tâm hơn nữa, làm được những điều như Kenya đã thực hiện thì chúng ta sẽ không có những vụ được mùa mất giá, nông sản đổ la liệt ngoài đường, nơi ăn không hết, chỗ lần chẳng ra...

Hy vọng rằng, sau bài viết này bạn đọc có thể tìm được một ý tưởng hay ho nào đó để góp phần phát triển nông nghiệp nước nhà (nghe cao xa quá nhỉ!!).

Thứ Tư, 12/07/2017 15:15
52 👨 200
0 Bình luận
Sắp xếp theo