Làm việc tại một startup với những đồng nghiệp trẻ, đầy nhiệt huyết là trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, môi trường này tồn tại nhiều khó khăn không ai cảnh báo cho bạn.
Startup tham vọng trở thành "Uber thứ 2"
Nếu may mắn, bạn có thể cùng nhà sáng lập startup biến doanh nghiệp trẻ của mình thành Facebook hay Google tiếp theo. Tuy nhiên, startup không phải môi trường trong mơ, nó hoàn toàn có khả năng biến thành “hầm mộ” nếu bạn chưa sẵn sàng. Trên mạng hỏi đáp Quora, nhiều người chia sẻ những điều tồi tệ nhất khi làm tại startup.
Công việc bề bộn
“Một điều tôi biết ngay từ đầu là có nhiều công việc cần giải quyết nhưng lại chỉ có ít người. Từ những thứ thấp kém như sửa máy tính, máy in cho người khác đến hoàn thiện báo cáo doanh nghiệp vì lãnh đạo đang kẹt ở đâu đó trong khi toàn bộ đội kỹ thuật của khách hàng đang chờ. Một điều nữa là, bất kể bạn phải làm nhiều việc thế nào, vẫn luôn có việc chờ bạn phía trước. Dần dần, nó trở nên rất mệt mỏi và phiền toái… Không có ranh giới nào, không có mô tả công việc nào” – Chia sẻ của Arnab Mitra, Giám đốc tại p2power.com.
Không đủ thời gian đào sâu
“Startup có tốc độ học hỏi nhanh hơn… Tuy nhiên, bạn không thể dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu hay tự phát triển ý tưởng riêng. Luôn luôn có quá nhiều công việc cần làm… Mặt khác, các hãng công nghệ lớn lại có dư thời gian cho nghiên cứu và bạn có thể tìm được thời gian rảnh để thử nghiệm ý tưởng của mình” – Chia sẻ của người dùng ẩn danh.
99% là sai lầm
“99% bạn đều sai. Sản phẩm của bạn khó phát triển hơn bạn nghĩ, ít người thích nó, số người muốn trả tiền cho nó còn ít hơn. Đó là cú giáng mạnh đến lòng tự trọng của bạn. Phần lớn mọi người đều khoa trương về bản thân và ý tưởng của họ, song thực tế tổn thương hơn nhiều” – Peter Johnson, điều hành Develop Oxford, Developer Startups và DataScience Oxford.
Không kiếm được nhiều tiền
“40 giờ làm việc mỗi tuần chỉ dành cho kẻ ẻo lả. Thường không có lương làm thêm giờ. Giảm lương tùy theo cổ phần đóng góp” – David Graham, nhà sáng lập Coder Camps.
Vô tổ chức, nhà sáng lập lạm quyền
“Các quy trình gần như không tồn tại – công việc vô cùng lộn xộn, đôi khi không hiệu quả. Mọi thứ phụ thuộc vào ý định bất chợt của nhà sáng lập… không có lý lẽ hay sự thật nào giúp bạn thắng trong cuộc tranh luận và bạn có thể dễ dàng thấy mình bị loại ra nếu không đồng tình” – Stefan Kiryazov, nhà sáng lập lexicum.net.
Bạn có xử lý được bất ổn?
“Bất ổn liên tục. Bạn phải làm việc hết hơi vào buổi sáng để xử lý một công việc đã lên kế hoạch từ lâu. Tuy nhiên, ngay khi đã xong, cả nhóm lại họp kín và hướng đi thay đổi. Bạn được giao nhiệm vụ mới lẽ ra phải làm từ hôm qua. Không nhiều người sống sót qua sự bất ổn ngắn hạn này. Tôi còn chưa viết về bất ổn trong dài hạn và sự băn khoăn không biết mình có lựa chọn đúng không khi gia nhập một startup” – Mithun Madhusudan, đang làm cho một startup.
Bạn có xử lý được nỗi sợ thất bại?
“Khi có nhiều niềm vui trong hiện thực hóa ước mơ của ngày mai, bạn thường quên đi mất hôm nay sống thế nào. Cố thuyết phục mọi người rằng bạn bảo đảm tương lai tốt đẹp trong khi bản thân im lặng suy nghĩ tương lai nào đang chờ mình” – Tony Kattukaran, Tổng Giám đốc Tagalys.
Không được hướng dẫn
“Có trong đầu ý tưởng tốt nhất nhưng bạn không biết làm thế nào để làm đúng” – Christian Teece, cựu phát triển phần mềm.
“Giấy má. Sổ sách tài chính, pháp lý. Không ai nói cho bạn khi bạn bắt đầu giấc mơ của mình nhưng nó sẽ tốn phần lớn thời gian” – Người dùng ẩn danh.
Như đang đi tàu lượn siêu tốc
“Startup giống như chuyến tàu lượn siêu tốc. Nó có thăng trầm nhưng lựa chọn tận hưởng hay la hét suốt chuyến đi là tùy ở bạn” - Anıl Üzengi.
“Nếu là người ưa thích các quy tắc và cấu trúc bền vững, startup không thực sự là nơi phù hợp. Mọi thứ dễ thay đổi, bao gồm cả công việc của bạn” – Norma Mirsky, môi giới bất động sản.