8 cách để thu phục lòng người

Bí quyết xây dựng mối quan hệ bền vững.

Tất cả chúng ta đều muốn được yêu mến bởi những người khác. Sau cùng, trở thành một người "ai cũng thích" sẽ giúp bạn có thêm nhiều bạn bè hơn, được tôn trọng hơn bởi đồng nghiệp, khách hàng và có thêm nhiều thương vụ thành công hơn nữa.

Trong khi không thể nào buộc hoặc lừa phỉnh một ai đó để khiến họ thích mình thì bạn hoàn toàn có thể tự làm cho mình trở nên hấp dẫn hơn về mặt cảm xúc đối với mọi người. Theo Michelle Tillis Lederman – tác giả của cuốn "The 11 Laws of Likability and Nail the Interview" (tạm dịch: 11 quy tắc để lấy lòng người khác và chiến thắng các cuộc phỏng vấn) nói rằng: "Bạn không thể nào khiến những người xung quanh thích mình nhưng bạn có thể khiến họ thấy được những điểm đáng yêu của bạn. Tất cả những thứ này, về cơ bản, không cần phải sử dụng các thủ thuật để lôi kéo và lừa gạt, mà đúng hơn chúng phải là những cách kết nối chân thành và có thể làm cho người khác cảm thấy dễ chịu".

Jack Schafer – chuyên gia phân tích hành vi, đồng thời cũng là cựu đặc vụ FBI và tác giả của cuốn "The Like Switch" (tạm dịch: "Công tắc" để khiến ai cũng thích bạn) chia sẻ: "Những người bán hàng giỏi có thể làm những điều trên như thể chúng thuộc về bản năng của họ và chính khả năng này đã giúp họ đạt được thành công". Cũng theo Schafer, "những thứ nhỏ nhặt có thể khiến cho mọi người thích bạn. Do vậy, bạn không được lơ là chúng".

Dưới đây là 8 kỹ thuật đã được khoa học chứng minh tính hiệu quả có thể giúp bạn nhanh chóng trở thành một người hấp dẫn nếu kiên trì áp dụng.

1. Nụ cười

Nụ cười là một kỹ thuật rất đơn giản. Nụ cười có thể kích thích não của bạn tiết ra chất endorphin khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Hơn thế nữa, khi bạn nở nụ cười thì niềm vui đó còn có thể được lan truyền sang những người khác.

Nụ cười

Theo Lederman, mọi người chú ý tới ngôn ngữ cơ thể và các biểu lộ trên khuôn mặt của bạn nhiều hơn so với việc lắng nghe những gì bạn nói. Thế nên, khi đã nhoẻn miệng cười, bạn có thể làm cho họ cảm thấy thoải mái, cởi mở và muốn tiếp cận bạn.

Tuy nhiên, Tim Sander – tác giả của cuốn "The Likeability Factor" (Tạm dịch: Yếu tố thu hút) nhấn mạnh rằng bạn không nên lúc nào cũng cười khi gặp người khác. Bởi lẽ, thông thường, khi không mong đợi ai đó cười với mình hoặc là không biết nhiều về họ thì chúng ta thường nhìn sang chỗ khác.

Khi bạn nhìn ai đó và mỉm cười, có nghĩa là bạn đang truyền đi thông điệp rằng "tôi cũng thích bạn" và hành vi này sẽ góp phần tạo ra sự cảm mến lẫn nhau.

2. Ngôn ngữ cơ thể

Con người suy cho cùng thì cũng chỉ là những loài động vật được khoác lên mình những bộ trang phục hào nhoáng, bóng bẩy. Đó là lý do tại sao, bên cạnh nụ cười, bạn nên sử dụng một số tín hiệu khác, chẳng hạn như nhướng lông mày hay ngả đầu sang một bên để báo hiệu cho mọi người biết rằng bạn không phải là một mối đe dọa.

Ngôn ngữ cơ thể

Schafer cho biết: "Bộ não của con người luôn tìm kiếm những đe dọa trong môi trường xung quanh. Chúng ta giao tiếp không bằng lời nói. Khi não nắm bắt được những tín hiệu thân thiện thì nó sẽ bắt đầu tập trung vào những thứ khác. Do vậy, việc tìm hiểu về các tín hiệu đó là điều rất quan trọng để giúp mỗi người có thể sử dụng chúng một cách phù hợp".

Như hai ví dụ trên, theo sinh học, hành động ngả đầu sẽ cho người khác thấy mạch máu quan trọng ở cổ của bạn, nghĩa là bạn ngầm thể hiện sự tin tưởng đối với người đó. Lý giải này có vẻ điên rồ nhưng đó là sự thật.

Trong các tình huống căng thẳng như phỏng vấn xin việc hay gặp gỡ khách hàng, các phản ứng của bạn dễ rơi vào tình trạng đối đầu, khiến bạn có xu hướng khép kín và phòng thủ nhiều hơn. Đây chính là lúc bạn nên tận dụng các tín hiệu cơ thể và nụ cười để vượt qua trạng thái căng thẳng đó.

3. Khiến người khác cảm thấy thoải mái

"Nếu muốn người khác thích mình thì trước hết, hãy khiến người khác cảm thấy thoải mái về chính bản thân họ", Schafer nói. "Chúng ta phải từ bỏ việc tập trung vào chính bản thân mình và dành điều đó cho người đối diện".

Thoải mái

Có rất nhiều cách để thực hiện điều này. Lederman cho rằng: "Trân trọng, công nhận, cảm ơn, giao tiếp trực tiếp bằng mắt, lời khen ngợi, xin lời khuyên.... tất cả những cách này đều góp phần khiến người khác thoải mái và tự cảm thấy họ có giá trị".

Trong các cuộc trò chuyện, hãy tạo nên những câu nói tạo ra sự đồng cảm. Chẳng hạn, nếu như thấy ai đó vui vẻ, hãy nói những câu như "hình như ngày hôm nay của cậu rất tuyệt vời". Nếu họ đáp lại: "Tôi vừa ký được một hợp đồng giá trị" thì bạn có thể nói lại rằng "chắc hẳn là cậu đã làm việc chăm chỉ lắm". Người đối diện hẳn sẽ bước đi trong niềm vui sướng và cảm xúc này cũng sẽ phản chiếu sang bạn. Bạn cũng sẽ thấy vui hơn và có động lực hơn để cố gắng được như họ.

Tuy nhiên, bạn cũng cần tránh sử dụng những lời nịnh hót một cách trực tiếp vì có thể khiến đối phương cảnh giác với bạn và cho rằng bạn là người thiếu thành thật.

4. Tạo cảm giác được tôn trọng

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Bill Clinton, Oprah Winfrey và Ellen DeGeneres lại được nhiều người yêu mến đến vậy không? Lý do là bởi vì họ có thể khiến người khác cảm thấy mình như là người quan trọng nhất thế giới trong suốt cuộc trò chuyện.

Tôn trọng

Một vài cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng cho mình như: "Hãy để lại điện thoại trên bàn làm việc. Nếu đó là một cuộc họp, hãy tắt điện thoại và lật úp nó xuống, đừng để lộ màn hình. Nhìn thẳng vào mắt đối phương và thể hiện sự tập trung hoàn toàn của bạn vào cuộc nói chuyện. Nếu đi ăn trưa cùng một người, đừng để ý đến những người xung quanh mà chỉ tập trung vào người đang ngồi trước mặt bạn".

Thậm chí, bạn cũng cần để ý đến các chi tiết nhỏ như vị trí đặt ly của bạn. Nếu như chiếc ly đó được đặt vào khoảng giữa bạn và đối phương thì nó sẽ trở thành một rào chắn. Do vậy, hãy chắc chắn là chúng đã được đặt ở một góc nào đó trên bàn.

5. Lắng nghe

Hãy luôn nhớ rằng, mọi người đều thích nói về bản thân họ. Khi họ cảm thấy thoải mái trong lòng thì họ cũng sẽ có thiện cảm với bạn.

Lắng nghe

Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách đề cập đến những dự án tuyệt vời của người đối diện – những điều mà họ đang thực hiện hoặc cảm thấy vô cùng hứng thú. Sanders nhấn mạnh: "Hãy lắng nghe cho tới khi họ cảm thấy mệt và không thể tiếp tục nói được nữa. Thông thường, điều này kéo dài khoảng 5 phút nhưng đó là 5 phút tuyệt vời nhất của cuộc trò chuyện".

Bạn cũng nên suy nghĩ kỹ về việc nên đặt các câu hỏi tiếp theo như thế nào. "Hãy đặt những câu hỏi có kết thúc mở vì chúng thể hiện bạn rất hứng thú với việc được nghe câu trả lời. Từ đó, bạn có thể lắng nghe và đặt thêm nhiều câu hỏi khác giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề. Tránh kiểu hỏi thẩm vấn mà hãy lắng nghe và chia sẻ. Tương tự, khi nói thứ gì đó liên quan đến bản thân bạn thì hãy bắt đầu với sự kết nối, đáng tin cậy và các điểm chung bởi vì mọi người, đa phần, ai cũng thích những người giống mình".

Tìm kiếm những điểm chung với đối phương cũng là một kỹ thuật kinh điển trong việc xây dựng mối quan hệ. Bạn có thể làm điều này bằng cách tìm kiếm những thứ mà bạn với họ có sự tương đồng, chẳng hạn như một sở thích, thói quen, mối quan tâm....; dần dần, hãy phát triển mối quan hệ hoặc cách tuyệt vời nhất đó là thông qua một người thứ ba để khiến cho cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng.

6. Gặp gỡ

Mọi người có xu hướng thích những người mà họ quen thuộc, thường xuyên gặp mặt, chẳng hạn như đồng nghiệp, hàng xóm hoặc ai đó mà họ liên tục "chạm trán" tại phòng tập thể hình.

Gặp gỡ

Theo Tsaousides – nhà tâm lý thần kinh học, diễn giả và tác giả của cuốn "Brainblocks: Overcoming the 7 Hidden Barriers to Success" thì sự thân thuộc sẽ tạo ra hiệu ứng lớn và điều này có nghĩa, bạn phải hiện diện nhiều hơn.

Các cuộc gặp mặt có tính định kỳ là yếu tố then chốt nhưng hiển nhiên là bạn cũng không nên gặp họ quá nhiều và đừng khiến đối phương có cảm giác bạn là người thích rình mò. Chẳng hạn, hay lui tới cùng một quán café, gửi email hoặc để lại bình luận dưới các status của họ trên mạng xã hội cũng là một cách hay để duy trì sự tương tác: "Thói quen này như là lời nhắc nhở rằng bạn đang nghĩ về họ".

7. Cho và nhận

Đây là kỹ thuật mà Lederman nói rằng sẽ cải thiện mọi kết quả. Khi gặp bất kỳ ai, hãy luôn nghĩ về những gì mà bạn có thể giúp đỡ người đó. Hành động này tuy sẽ không mạng lại lợi ích cho bạn ngay lập tức nhưng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực vô cùng lớn.

Cho và nhận

Cho đi sẽ tạo ra giá trị và để ứng dụng quy tắc cho này thì bạn phải thường xuyên nghĩ về cách làm thế nào để giúp đỡ người khác. Chẳng hạn, khi đang ở trong một tình huống kinh doanh thì thay vì nghĩ "làm thế nào để có thể đạt được thỏa thuận và cần những gì từ khách hàng này?" thì hãy nghĩ "tôi cần làm gì để tạo thêm giá trị cho họ?"

Theo Sander, trong mỗi cuộc trò chuyện, bạn nên cố gắng đưa ra một lời khuyên nho nhỏ. Điều này sẽ khiến bạn khác biệt so với người khác và khiến người đối diện có cảm tình với bạn hơn.

"Khi gửi đi một thông điệp đến ai đó rằng: "Tôi quan tâm và muốn giúp bạn" thì có nghĩa là bạn muốn nói với họ rằng: "tôi là người xứng đáng để bạn tiếp tục duy trì mối quna hệ này", Lederman nói thêm.

8. Tiếp thu quan điểm của người khác

Ghi nhận quan điểm người khác

Bạn không cần thiết phải đồng ý với tất cả mọi người nhưng hãy chắc chắn là bạn khiến họ cảm thấy là bạn đang lắng nghe họ nói. Hãy xem cảm xúc của họ như là sự thật. Chẳng hạn, nếu một khách hàng phàn nàn, hãy xem xét cảm xúc của họ một cách nghiêm túc và cho họ biết rằng sự việc này sẽ được thảo luận trong nội bộ công ty bạn.

Các nhà tâm lý học cho rằng khi ghi nhận cảm xúc của người khác và truyền lại thông điệp rằng: "tôi xin lỗi, tôi hiểu được cảm xúc khó chịu của bạn" thì lúc đó là bạn đã tạo ra một hiệu ứng tâm lý vô cùng mạnh mẽ, đó chính là sự công nhận. Điều này cũng có nghĩa rằng bạn thừa nhận họ không đơn độc hay ngớ ngẩn khi suy nghĩ theo cách mà họ đang nghĩ.

Việc được ghi nhận ý kiến thực sự rất có ý nghĩa. Dù bạn có đồng ý với ý kiến đó hay không thì nó vẫn có một sự tác động nhất định lên tâm lý người đối diện.

Thứ Hai, 12/09/2016 09:31
11 👨 1.492
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng sống