USB không dây – có gì hay?

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nhưng những sản phẩm USB không dây cuối cùng đã xuất hiện trên thị trường. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những đặc tính kĩ thuật cũng như sử dụng của công nghệ này.

USB không dây (WUSB – Wireless USB) là khả năng kết nối các thiết bị ngoại vi như máy in, đĩa cứng gắn ngoài, card âm thanh, máy chơi nhạc và thậm chí là màn hình… mà không cần dùng dây dẫn. Trên thực tế, USB không dây có thể được đưa vào hệ thống dưới dạng tích hợp sẵn hoặc qua các adapter lắp ngoài (tương tự như Bluetooth). Về mặt lý thuyết, USB không dây có thể cho phép 127 thiết bị truy cập cùng lúc trên một anten đơn (ít hơn so với mức 256 thiết bị / cổng của USB 2.0 thông thường). Tuy con số có phần khiêm tốn nhưng thế mạnh của WUSB là không cần dùng tới hub như USB – điều này rõ ràng là rất tuyệt vời.

Tốc độ truy cập của WUSB tương đương với USB 2.0: 480Mbps (vào khoảng 60 MB/s). Mức này chỉ đạt được nếu thiết bị nằm trong khoảng cách 3m, nếu xa hơn (trên 10m) thì tốc độ giảm xuống chỉ còn 110Mbps (13.75 MB/s) – vẫn nhanh gấp đôi so với Wi-Fi chuẩn G hiện nay. Nhìn chung, người dùng có thể trông đợi mức tốc độ khoảng 200 Mbps với WUSB phiên bản đầu tiên. Mức này cho thấy WUSB nhanh hơn nhiều so với Bluetooth hiện tại vốn chỉ có tốc độ từ 128KB/s tới 384 KB/s (2.0 EDR). Mặc dù thế hệ Bluetooth 3.0 dự kiến sẽ có tốc độ ngang ngửa với WUSB nhưng hiện tại công nghệ này chưa có mặt trên thị trường. Trong khi đó, WUSB 1.1 đã bắt đầu hé mở với tốc độ lên tới 1Gbps và băng tần hoạt động 6GHz.

USB không dây hoạt động trong dải tần UWB (Ultra Wide Band) với tần số từ 3.1GHz đến 10.6 GHz. Việc phân tán tín hiệu trên diện rộng như vậy giúp WUSB tránh được nhiều hiện tượng nhiễu so với các công nghệ không dây khác trên máy tính hiện nay (ví dụ như Bluetooth, Wifi sử dụng băng tần 2.4 GHz).

Bên cạnh đó, những người dùng lo lắng tới vấn đề bảo mật cũng không cần quá lo lắng, do khoảng hoạt động tối đa của WUSB chỉ là 10m nên sẽ khó có cơ hội cho kẻ xấu đánh cắp dữ liệu. Ngoài ra, phiên bản WUSB 1.1 việc liên kết sẽ được đơn giản hóa nhờ khả năng NFC (Near Field Communication) nên thiết bị cần phải chạm vào nhau để kết nối. Lớp bảo vệ cuối cùng không thể kể đến là việc liên kết thiết bị chủ và khách của WUSB sẽ sử dụng mã khóa với nhiều lớp mã hóa khác nhau, điều này tạo ra một màn bảo vệ cực kì cao cho đường kết nối dữ liệu. Thậm chí người dùng không cần thiết lập mật khẩu.

Về khía cạnh sử dụng, như đã đề cập ở trên, đối với những máy tính không có WUSB, người dùng có thể tự bổ sung thông qua adapter gắn ngoài. Điều tương tự cũng được thực hiện với các thiết bị ngoại vi. Tuy nhiên, khác với hub WUSB, bạn sẽ cần một adapter WUSB cho mỗi thiết bị ngoại vi. Về mặt trình điều khiển, mặc dù hiện tại chưa có một chuẩn chung cho WUSB nhưng các nhà sản xuất hệ điều hành lớn đã rục rịch chuẩn bị cho các giao tiếp không dây dạng này. Microsoft đã cho biết có sẵn trình điều khiển Windows cho giao tiếp điều khiển không dây (Wireless Host Controller Interface – WHCI).

Song song với các thiết bị thông thường như chuột, bàn phím, máy in… WUSB cũng cho phép bạn kết nối màn hình vào máy tính mà không cần dây dẫn. Đây thực sự là một điều rất lý tưởng. ASUS là hãng tiên phong đưa ra màn hình với giao tiếp WUSB tích hợp sẵn, Dell cũng có một số mẫu máy với tùy chọn tích hợp WUSB. Tuy nhiên, đại đa số sản phẩm WUSB vẫn còn vắng mặt vì hai lý do.

Thứ nhất là đa số chúng còn nằm trong giai đoạn phát triển bởi các nhà sản xuất thiết bị cần phải xử lý các trục trặc liên quan của công nghệ mới.

Thứ hai là yếu tố giá thành, WUSB là công nghệ mới nên chi phí phát triển sẽ rất đắt đủ, đây cũng là yếu tố khiến cho nó chưa thể cạnh tranh ngay với USB 2.0 hiện tại, đồng thời khiến nhiều nhà sản xuất phải trì hoãn kéo dài việc ứng dụng vào sản phẩm. Tuy nhiên, trong tương lai, WUSB và những anh em khác của nó (nếu có) chắc chắn sẽ được đón nhận nhiệt liệt bởi xu thế sử dụng nói chung của người dùng đang theo hướng “càng ít dây càng tốt”.

Nếu bạn muốn biết chi tiết hơn về các đặc tính kĩ thuật chuyên sâu của WUSB, bạn có thể truy cập vào website: http://www.usb.org/developers/wusb/.

Thứ Bảy, 17/10/2009 07:49
51 👨 4.258
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp