Dù đã chẳng có chuyện gì xảy ra nhưng “sự cố Y2K” đã để lại cho ngành công nghệ thông tin thế giới nhiều di sản rất quý báu và cả những bài học không thể nào quên.
Ở thời điểm này cách đây đúng 10 năm, cả thế giới vẫn đang trong tâm trạng “đứng ngồi không yên” bởi thông tin về “một sự cố nhầm lẫn trong cách đọc năm theo 2 chữ số cuối sẽ khiến tất cả những chiếc máy tính hoạt động một cách loạn xạ”.
Theo các nhà khoa học trong ngành máy tính, sự cố này sẽ khiến những chiếc máy tính không thể phân biệt được đâu là năm 2000, đâu là năm 1900 hay tương tự và điều này sẽ dẫn đến sự tê liệt của mạng máy tính toàn cầu. Không chỉ những chiếc máy tính, những chiếc cầu thang máy, hệ thống quản lý tài khoản ngân hàng, hệ thống điều khiển không lưu của ngành hàng không… cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Một chiến dịch khắc phục “sự cố Y2K” đã được tiến hành một cách hối hả và ráo riết trên toàn cầu. Hàng nghìn tỷ USD đã được chi để lập trình lại hệ thống, thay thế các phần cứng cũ, cài đặt những phần mềm mềm mới sử dụng cơ chế đọc số năm theo dạng đầy đủ (4 chữ số). Với nhiều vị CIO (Giám đốc phụ trách CNTT), quy mô và tầm ảnh hưởng lớn chưa từng thấy của “sự cố Y2K” đã khiến họ coi việc chạy đua với thời gian để khống chế “ngày tận thế của ngành công nghiệp điện toán” là dự án lớn nhất sự nghiệp của họ.
Và rồi ngày cuối cùng của thế kỷ 20 cũng đã đến. Những giây phút cuối cùng của ngày 31/12/1999, cả thế giới nín thở và nhận ra rằng… chẳng có chuyện gì xảy ra. Ngày 1/1/2000 đã diễn biến giống hệt như tất cả những ngày trước và sau đó. Không hề có một báo cáo nào về việc “sự cố Y2K” đã xảy ra ở đâu đó trên thế giới. Đã có không ít những chuyên gia IT thức trắng đêm 31/12/1999 để “giữ cho hệ thống và luồng thông tin của toàn thế giới được luân chuyển một cách liền mạch”.
Đúng 10 năm sau, người ta có dịp nhìn lại sự kiện này và nhận ra rằng tuy không đáng sợ như mọi người lầm tưởng nhưng “sự cố Y2K” đã để lại cho ngành CNTT nhiều bài học, hay có, dở có.
Đưa IT và CIO “lên sân khấu”
" 'Sự cố Y2K' đã đưa ngành IT lên một tầm cao mới", Paul Ingevaldson, Phó chủ tịch điều hành của hãng công nghệ Ace Hardware Corp đồng thời cũng là người đã trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch chuẩn bị đối phó với “sự cố Y2K” nói, “Trước đó, hầu như các lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức chưa hề biết đến tầm quan trọng của mảng IT đối với công việc kinh doanh của họ”.
“Y2K là tiếng chuông báo thức của tất cả các vị giám đốc và kể từ đó lĩnh vực CNTT đã nhận được nhiều hơn những sự ưu ái, quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp”, Benny Lasiter, chuyên gia phân tích dữ liệu và hệ thống của sàn giao dịch khí đốt Texaco Natural Gas thuộc tập đoàn dầu khí Chevron phát biểu.
“Kể từ năm 1998, những CIO như chúng tôi có được một vị thế hoàn toàn khác. Chúng tôi được phép liên lạc và báo cáo công việc trực tiếp với chủ tịch và tổng giám đốc. Tất cả là từ “sự cố Y2K””, Lasiter, người hiện đã nghỉ hưu là trở thành một chuyên gia tư vấn về chiến lược CNTT tại Houston (Mỹ) kể lại.
“Thay máu” cho ngành IT
Đến bây giờ người ta vẫn chưa thể thống kê được con số chính xác thế giới đã mất bao nhiêu tiền cho “sự cố Y2K”. Tháng 11/1999, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo họ đã tốn khoảng 100 tỷ USD. Năm 2006, Tập đoàn dữ liệu và nghiên cứu thị trường IDC đưa ra một bản báo cáo trong đó cho biết, “để chuẩn bị cho Đêm giao thừa 2000”, nước Mỹ đã tốn khoảng 134 tỷ USD. Ở thời điểm đó, đây là một khoản tiền khổng lồ.
“Không bao giờ tôi lại dám tưởng tượng rằng mình lại có một cơ hội bất ngờ như thế. Chỉ cần đề nghị, ngay lập tức chúng tôi có một tấm séc trắng và điền vào đó số tiền bao nhiêu tùy thích”, Michael Israel , Giám đốc điều hành phụ trách mảng dịch vụ IT của AMC Computer Corp. kể lại.
Trước thời của “sự cố Y2K” , có một nguyên tắc gần như bất di bất dịch trong lĩnh vực IT của các doanh nghiệp: Cái gì chưa hỏng, cấm thay mới.
“Đó là cơ hội cả đời mới có một lần giúp chúng tôi nâng cấp và chuẩn hóa toàn bộ thiết bị của mình mà không cần quan tâm nhiều đến vấn đề kinh phí”, Israel nói.
Chỉ tính riêng tại hãng sản xuất ô tô Mỹ General Motors, dự án 2 năm chuẩn bị và khắc phục “sự cố Y2K” của họ đã tạo thêm việc làm mới cho 37 chuyên gia IT, 37.000 hệ thống, 7.000 máy tính và từ 500 đến 600 máy chú được nâng cấp… Một sự “thay máu” toàn diện nhưng nếu tính về chi phí thì toàn bộ dự án này chỉ là một giọt nước nhỏ trong các kế hoạch tái cấu trúc của hãng.
Phần mềm và dịch vụ IT “nở mày, nở mặt”
Y2K không phải là cơ hội để đổi mới phần cứng. Nó còn giúp cho các nhà sản xuất phần mềm và cung cấp dịch vụ IT có một “mùa vàng bội thu” và quan trọng hơn là một chỗ đứng vững chắc hơn trong nền kinh tế.
“Y2K và cuộc khủng hoảng dot-com thực sự là những bước ngoặt cho ngành công nghiệp phần mềm. Sau những biến cố đó, khái niệm “phần mềm của hãng thứ ba” đã trở nên quen thuộc hơn và cũng “dễ bán” hơn”, Vecchio một chuyên gia của hãng nghiên cứu thị trường Gartner phát biểu.
Quản lý danh mục trở thành câu thần chú
Để giải quyết “sự cố Y2K”, các CIO đã phải sắp xếp và rà soát lại toàn bộ danh mục các ứng dụng mà họ đang có, các phần cứng mà họ đang sử dụng và công việc này mở đầu cho nền tảng lĩnh vực quản lý CNTT phát triển.
Kể từ đó, các CIO và lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải có một kế hoạch mang tầm chiến lược trong việc đầu tư cho nền tảng CNTT.
"Không thể tin được là chỉ một vấn đề đọc năm theo 2 chữ số cuối lại có thể ảnh hưởng đến cách các nhân viên IT làm việc một cách lớn lao như vậy. Sau sự cố Y2K, tất cả chúng tôi đều phải cân nhắc, kiểm tra một cách rất kỹ càng bất cứ một chương trình nào trước khi đưa nó vào sử dụng”, Michael Israel thừa nhận.
Y2K khẳng định: IT không biên giới
“Y2K là một hiện tượng thú vị. Thông qua đó chúng ta nhận ra rằng ngành công nghiệp IT và thế giới không hề có biên giới như chúng ta vẫn tưởng”, Dale Vecchio, nhà phân tích của Gartner nói.