5 sa mạc khắc nghiệt này từng là những đồng cỏ và khu rừng xanh tươi trong quá khứ

Trái đất luôn vận động và thay đổi không ngừng trong suốt hơn 4,5 tỷ năm qua. Những gì chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay có thể rất khác trong quá khứ và đương nhiên cũng có thể biến đổi hoàn toàn ở tương lai.

Có thể thấy rõ điều này nếu bạn nghiên cứu lịch sử hình thành và kiến tạo của những sa mạc lớn và khô cằn nhất thế giới. Nhiều sa mạc nổi tiếng khô hạn trên Trái đất hiện nay đều đã từng là những vùng đất xanh tươi trong quá khứ. Dưới đây là 5 cái tên điển hình như vậy.

Sa mạc Sahara

Sa mạc Sahara
Sa mạc Sahara

Sahara có lẽ là sa mạc nổi tiếng nhất thế giới, đồng thời cũng là sa mạc rộng lớn nhất trên  Trái đất, chiếm tới 9.200.000km² diện tích của Châu Phi (lớn hơn cả lục địa Hoa Kỳ). Sahara mang trên mình tất cả các đặc điểm điển hình nhất của một sa mạc theo “khuôn mẫu”. Nó được bao phủ bởi những cồn cát cao chót vót, đầy lạc đà, bọ cạp, và thỉnh thoảng là các ốc đảo “nên thơ” (vùng đất biệt lập có thực vật trên sa mạc).

Sahara gây ám ảnh bởi điều kiện tự nhiên cực kỳ khắc nghiệt. Trong cái nóng ban ngày, nhiệt độ trên sa mạc này có thể tăng tới 50°C (mức kỷ lục từng được ghi nhận là 57,7°C. Nhưng đến đêm sẽ là gió lạnh cắt da cắt thịt. Sự thay đổi nhiệt độ trong ngày càng khiến điều kiện sống nơi đây trở nên vô cùng khó khăn. Đó là còn chưa kể đến những cơn bão cát thường xuyên xuất hiện trong ngày, có thể làm nghẹt phổi của bất ai không có đủ kiến thức và sự chuẩn bị cần thiết.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng chỉ khoảng 6.000 năm trước, nơi đây vẫn còn là một vùng đồng cỏ xen lẫn những cánh rừng tươi tốt. Nếu nghiên cứu sâu hơn, bạn sẽ thấy chu kỳ biến đổi của Sahara thường luân phiên qua các giai đoạn ẩm ướt và khô hạn nối tiếp nhau, do những thay đổi lớn hơn của khí hậu toàn cầu mang lại.

Hoang mạc Victoria Lớn

Hoang mạc Victoria Lớn
Hoang mạc Victoria Lớn

Hoang mạc Victoria Lớn (Great Victoria) có diện tích 647.000km² thuộc vùng lãnh thổ tây nam Australia và là một trong những khu vực thưa dân cư nhất trên hành tinh. Do môi trường khắc nghiệt, hoang mạc này chủ yếu chỉ có các vùng đất của thổ dân, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc đất trống, không có thành phố. Hiện một phần diện tích của hoang mạc này đang được dùng để thử vũ khí hạt nhân.

Nhìn chung, Australia là một lục địa tương đối khô trong hơn 100.000 năm qua, nhưng nếu quay ngược trở lại vài triệu năm trước, bạn sẽ không thể tin đây từng là một vùng đất được bao phủ hoàn toàn bởi những khu rừng nhiệt đới với thảm động thực vật thuộc loại phong phú bậc nhất hành tinh.

Sa mạc Gobi

Sa mạc Gobi
Sa mạc Gobi

Gobi là một trong những sa mạc lớn nhất thế giới, với điện tích trải dài khoảng 1,3 triệu km², bao trùm cả một khu vực rộng lớn thuộc lãnh thổ Trung Quốc và Mông Cổ. Sa mạc này cực kỳ nổi tiếng và có vai trò quan trọng trong lịch sử giao thương Á - Âu bởi đây từng là một phần lãnh thổ của Đế quốc Mông Cổ, và là nơi tọa lạc của vô số thành phố phồn thịnh dọc theo con đường Tơ lụa huyền thoại.

Gobi cũng là một sa mạc lạnh giá, nơi nhiệt độ mùa đông thường xuống dưới 0 độ C. Tuy nhiên không khí quá khô hanh khiến tuyết không thể hình thành, thay vào đó là sự hiện diện của sương muối trong suốt mùa đông khiến cuộc sống của con người cũng như các loài động, thực vật ở nơi đây trở nên khó khăn hơn.

Trái với các sa mạc khác, Gobi không hoàn toàn khô cằn. Một vài nơi trong sa mạc này còn có dạng thời tiết chia ra hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 50 đến 200mm tùy theo địa điểm. Khu vực phía Đông có khá nhiều mưa vào mùa hè, gió mùa hoạt động cũng mạnh hơn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sa mạc Gobi đang ngày càng trở nên khô hạn hơn với tốc độ “nhanh bất thường”. Nhiều cánh đồng cỏ đã biến thành những bãi cát và đá tan khô cằn cỗi chỉ trong vài năm trở lại đây.

Sa mạc Kalahari

Sa mạc Kalahari
Sa mạc Kalahari

Kalahari là sa mạc cát cứng, nhiệt độ chênh lệch cực cao và rất khan hiếm nước. Trên thực tế, chính tên gọi Kalahari bắt nguồn từ một từ địa phương có nghĩa là "một nơi không có nước". Với diện tích khoảng 500.000 km², Kalahari là một phần của 4 nước châu Phi bao gồm Botswana, Zimbabwe, Namibia và Nam Phi.

Cũng giống như nhiều sa mạc khác, sự chênh lệch nhiệt độ ở đây cực cao: ban ngày trên 40 độ C, ban đêm xuống dưới 0 độ C. Mùa xuân chính là thời điểm khắc nghiệt nhất ở sa mạc Kalahari với khí hậu khô, nóng vào ban ngày và lạnh dần vào ban đêm. Khi đó, nguồn nước và nguồn cung cấp lương thực dần trở nên khan hiếm và cạn kiệt.

Tuy vậy, ít ai biết rằng hàng chục nghìn năm trước, Kalahari được bao phủ trong một vùng nước ngọt khổng lồ có tên là Hồ Makgadikgdi. Nhiều thế kỷ trôi qua, hồ nước này dần dần bị rút cạn nước khi các con sông cung cấp nước cho nó dần khô cạn cho sự thay đổi địa chất. Nếu muốn tìm hiểu nhiều hơn về đời sống của các bộ tộc thổ dân cũng như hệ sinh thái của sa mạc này, bộ phim mà bạn không thể bỏ qua đó là “Đến Thượng đế cũng phải cười” (tiếng Anh: The Gods Must Be Crazy)

Sa mạc Ả Rập

Sa mạc Ả Rập
Sa mạc Ả Rập

Sa mạc Ả Rập là một vùng hoang vu rộng lớn tại Tây Á, trải dài từ Yemen đến vịnh Ba Tư và từ Oman đến Jordan và Iraq. Với diện tích 2,33 triệu km², sa mạc này chiếm hầu hết bán đảo Ả Rập. Do khí hậu khắc nghiệt, quá khô cằn, và những ảnh hưởng từ hoạt động của con người (săn bắn, ô nhiễm công nghiệp, hành động quân sự), sa mạc Ả Rập là một trong những nơi ít đa dạng sinh học nhất trên hành tinh. Lượng mưa trung bình tại sa mạc này thường vào khoảng 100mm, và các khu vực khô hạn nhất nhận được lượng mưa chỉ từ 30 đến 40mm. Thời gian nắng tại sa mạc Ả Rập cũng rất cao theo tiêu chuẩn thế giới, từ 2.900 giờ đến 3.600 giờ một năm. Tại vùng trung tâm sa mạc nhiệt độ có thể lên tới 54 độ C.

Tuy nhiên chỉ vài chục nghìn năm trước,khu vực này là nơi cư trú của một số lượng các loài động vật đa dạng, thậm chí bao gồm cả hà mã và trâu nước do tự hiện diện của vô số đầm lầy, hồ nước lớn nhỏ. Hiện nay, nhờ hoạt động tưới tiêu của con người, nhiều phần sa mạc đã được phủ xanh. Đây quả là một tín hiệu đáng mừng trong thực trạng trái đất bị sa mạc hóa ngày càng nhiều.

Thứ Hai, 30/11/2020 22:21
31 👨 842
0 Bình luận
Sắp xếp theo