Trang microblog của Trung Quốc Wei Corp đang lên kế hoạch yêu cầu những người dùng có tầm ảnh hưởng (Influencer) của mình hiển thị tên thật của họ với công chúng, một động thái có thể xâm phạm quyền riêng tư trực tuyến trên đấu trường Internet lớn nhất thế giới.
Giám đốc điều hành Weibo Wang Gaofei cho biết vào tuần trước rằng profile của những người dùng có hơn một triệu người theo dõi sẽ được yêu cầu tiết lộ danh tính thật của họ trên nền tảng mạng xã hội này. Wang đã thực hiện thay đổi đối với tài khoản cá nhân của mình, tài khoản này trước đây không hiển thị tên của ông một cách công khai.
“Tôi đang tự mình thử nghiệm chức năng gây tranh cãi này trước tiên”, ông Wang đã viết vào thứ Sáu tuần trước trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter để trả lời các câu hỏi của người dùng về sự thay đổi này.
Chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã yêu cầu cái nhìn sâu sắc về người dùng mạng xã hội, do lo ngại về bất đồng chính kiến cũng như hoạt động tội phạm như thao túng thị trường chứng khoán và tin tức giả mạo. Không rõ liệu Weibo có hành động theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý Internet hay không và ông Wang, mặc dù thừa nhận đây là một động thái có thể không được đón nhận, nhưng cũng không giải thích lý do tại sao. Ông cho biết các quy tắc khác nhau có thể áp dụng cho những người có lượng người theo dõi lớn.
Trong cuộc trao đổi với người dùng, ông Wang viết rằng ngưỡng hiển thị tên thật có thể giảm xuống 500.000 người theo dõi trong tương lai và sẽ không thấp hơn nữa.
Người phát ngôn của công ty từ chối bình luận nhưng xác nhận tính xác thực của các bài đăng trên weibo của ông Wang.
Động thái này, lần đầu tiên xuất hiện trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, là sự áp dụng đáng kể các quy định của chính phủ Bắc Kinh về việc người dùng phải cung cấp tên thật của mình cho những nhà điều hành nền tảng trong quá trình đăng ký. Vào tháng 7, cơ quan giám sát Internet hàng đầu của Trung Quốc đã yêu cầu các nền tảng trực tuyến thắt chặt kiểm soát đối với những người sáng tạo nội dung độc lập, bao gồm cả việc xác minh tài khoản tốt hơn.
Không rõ liệu cuối cùng thì weibo sẽ loại bỏ tính năng ẩn danh ở giao diện người dùng cho tất cả hay chỉ một nhóm người dùng được chọn.
Một số người dùng Weibo bày tỏ lo ngại rằng các quy định mới có thể khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn trong cuộc sống thực từ những hoạt động trực tuyến của mình.
“Tôi có thể từ bỏ sự riêng tư của mình, nhưng ai ở đó sẽ bảo vệ tôi?”, một blogger đã viết trong một bài đăng và đã thu hút được 4.000 lượt thích. “Liệu lạm dụng bằng lời nói, quấy rối, theo dõi, phỉ báng và tất cả các tội ác khác do rò rỉ thông tin có được ngăn chặn một cách hiệu quả không?”, người này bày tỏ sự lo ngại.
Từng được coi là nền tảng tương đương với Twitter của Trung Quốc, hiện được gọi là ứng dụng X, trong nhiều năm, Weibo đã mất đi sức hấp dẫn đối với người dùng trẻ tuổi khi họ đổ xô vào các ứng dụng di động gây nghiện hơn như dịch vụ video ngắn Douyin của ByteDance Ltd. Trong khi đó, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đang phải vật lộn với một trong những chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt nhất trên thế giới với tư cách là kho lưu trữ tin tức giải trí và tin đồn về người nổi tiếng, những chủ đề thường xuyên bị các cơ quan quản lý Trung Quốc giám sát.
Năm ngoái, các ứng dụng xã hội của Trung Quốc bao gồm Weibo và Douyin đã bắt đầu hiển thị vị trí của người dùng dựa trên địa chỉ IP của họ, một tính năng bắt buộc mà những nền tảng này cho là được thiết kế để ngăn chặn việc lan truyền tin đồn sai sự thật.