HP đã quyết định ngừng sản xuất smartphone và máy tính bảng webOS. Cái chết này không phải là tin bất ngờ. Trọn cuộc du hành của WebOS đã bị hoen ố bởi những cạm bẫy ngay từ lúc bắt đầu.
Khởi đầu khó khăn của WebOS
Với nhiều phóng viên công nghệ, WebOS chiếm trọn tình cảm đặc biệt trong trái tim của họ, và Palm Pilot là chiếc smartphone/PDA đầu tiên mà họ có. Sau những tin đồn “hồi sinh” WebOS của Palm cuối năm 2008, nhiều người đã trông đợi để được thấy hệ điều hành này. Palm OS có mặt ở trong những thiết bị PDA và smarphone sớm nhất (như Pilot, Treo, và Centro), không có những tính năng hay thẩm mỹ có thể đọ được iPhone, BlackBerry hay thậm chí Windows Phone.
Tại Triển lãm công nghệ tiêu dùng 2009, Palm tổ chức sự kiện lớn, tiết lộ hệ điều hành WebOS hoàn toàn mới và thiết bị mới song hành – Palm Pre. Palm dường như đã trở lại cuộc đua với iPhone cùng Jon Rubenstein – cựu kỹ sư của Apple, người từng tham gia tạo ra chiếc iPod đầu tiên – trong vai trò người cầm lái. WebOS có tất cả: giao diện người dùng bóng bẩy, điều hướng cảm ứng thân thiện, hỗ trợ đa tác vụ, hệ thống ứng dụng, tính năng nhắn tin độc đáo, và thậm chí hỗ trợ cả iTunes.
Tại thời điểm đó, không smartphone nào cạnh tranh được với iPhone với kho ứng dụng khổng lồ, giải trí đa phương tiện, thiết kế tuyết đẹp. Android khó tạo được mối đe dọa với chỉ một điện thoại duy nhất, chiếc G1 thô kệch, và chỉ có mặt tại Mỹ. Palm Pre dĩ nhiên có vẻ ngoài đẹp mắt hơn. Với màn hình cảm ứng và bàn phím QWERTY, nó chính là điểm giữa của iPhone và BlackBerry. Cụm từ “kẻ hủy diệt iPhone” được lan truyền rất nhiều khi Pre ra mắt.
Tuy nhiên, những dấu hiệu rắc rối lại xuất hiện quá sớm chỉ sau lễ ra mắt gây chú ý. Palm không cho phép giới báo chí tiếp cận hay sử dụng Pre. Họ chỉ có thể nhìn đại diện sản phẩm của Palm sử dụng nó, mà không thể cầm nó trong tay. Trong khi các công ty khác ít khi làm điều này tại lễ ra mắt, điều này là một mối nguy hiểm lớn đối với sản phẩm hàng đầu. Làm thế nào mà các chuyên gia có thể phán xét chiếc điện thoại? Palm dường như không đủ sẵn sàng để giới thiệu Pre.
Thời gian chờ đợi WebOS đằng đẵng
Việc Palm Pre chưa sẵn sàng cho thời hoàng kim ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Tại CES, Palm thông báo Pre sẽ cập bến Sprint “nửa đầu năm 2009”. Nhưng khi năm 2009 tới, vẫn không có dấu hiệu nào của Pre. Kì cục hơn, Palm lại ra mắt Palm Treo Pro – mẫu smartphone chạy Windows Phone 6.1.
Trong chuyên mục Hỏi đáp với RCR Wireless News, CEO của Sprint/Nextel – Dan Hesse nói nhà mạng không thể ra mắt Pre vội vàng. Ông cho biết Sprint và Palm đang làm việc không mệt mỏi để mang Palm tới càng sớm càng tốt, và họ muốn hoàn toàn tự tin Pre ở tình trạng hoàn hảo nhất khi phát hành.
Trong khi đó, RIM, Samsung, Nokia, HTC và các nhà sản xuất khác đang tung ra BlackBerry, Windows Mobile, Symbian với máy ảnh tốt hơn, màn hình lớn hơn, nhiều tính năng hơn Pre. Ngoài ra, nền tảng Android của Google cũng thu được nhiều lực kéo khi nhiều nhà phát triển ứng dụng chuyển sang nền tảng này và HTC Magic cũng được ra mắt tại châu Âu. Trên tất cả là tin đồn của iPhone thế hệ tiếp theo…
Cuối cùng, Sprint và Palm công bố ngày 6/9 là ngày ra mắt Pre. Và như một sự định đoạt của số phận, iPhone 3GS tung ra chỉ 10 ngày sau đó. Với khả năng lưu trữ lớn hơn với cùng tầm giá (200 USD), máy ảnh tốt hơn, danh mục ứng dụng mạnh hơn, iPhone 3GS đã “phủ bóng” Pre. Giới công nghệ không nghĩ rằng Palm đang cố gắng cạnh tranh với iPhone bằng ngày ra mắt cận kề: Tháng 6 là tháng cuối cùng của nửa đầu năm 2009, cũng là khung thời gian Palm hứa quay trở lại.
Những chiếc smartphone vật lộn…
Những lời nhận xét dành cho Palm Pre đều đồng tình: WebOS rất xuất sắc, nhưng phần cứng lại không theo kịp. Ví dụ, bàn phím của Palm Pre khiến người dùng bực bội với những phím nhỏ, rít, và cạnh sắc như dao cạo, và bạn buộc phải gắn với sự khó chịu này vì Palm không có ý định phát triển bàn phím ảo. Nhiều nhà phê bình lo ngại về giới hạn 8GB lưu trữ, dường như khó có thể so được với các mẫu iPhone 3GS 16GB và 32GB cũng như BlackBerry, Nokia và điện thoại Windows Phone với bộ nhớ mở rộng.
Ngoài ra, quyết định Sprint làm nhà mạng độc quyền cũng gây tổn hại tới WebOS hơn là trợ giúp cho nền tảng. ban đầu, sự sắp xếp này dường như không có mấy ý nghĩa: Sprint không hề có một smartphone “đinh” nào – hay nói đúng hơn, họ không có iPhone. Bằng việc độc quyền bán Pre, Sprint có thể giành được những khách hàng mới giống như cách AT&T làm được với iPhone. Tuy nhiên, độc quyền của Sprint kéo dài quá lâu, và cản trở Palm tiếp cận được đối tượng rộng lớn hơn. Sprint là nhà mạng lớn thứ 3 tại Mỹ, và Pre đơn giản không đủ mạnh để lôi kéo khách hàng mới. Tại thời điểm Pre cập bến Verizon (với Pre Plus có một số điều chỉnh phần cứng nhỏ), nhà mạng này đã vừa mở rộng sang dòng điện thoại Droid, như Motorola Droid. Và một khi Sprint mất thế độc quyền, nó cũng nhận ra rằng cần phải kéo được nhiều thiết bị Android hơn, gồm cả Samsung Moment và đặc biệt là HTC EVO 4G; kết quả là, hãng chấm dứt mọi nỗ lực tiếp thị cho điện thoại WebOS.
Giới công nghệ không được thấy một điện thoại WebOS nào tiếp theo Pre cho tới tháng 11/2009 khi Palm Pixi ra mắt, một thiết bị low-end nhắm vào những người dùng smartphone mới. Pixi là phiên bản nhỏ gọn hơn của Pre với màn hình nhở hơn và thậm chí là bàn phím nhỏ hơn. Giống như Pre, Pixi là hàng độc quyền của Sprint. Về cơ bản, Palm không tạo ra bất cứ cải tiến trong phần cứng nào; hãng chỉ sử dụng phần cứng tương tự Pre và tạo một số thay đổi không đáng kể. Thành thực mà nói, nhiều tính năng hơn, bàn phím tốt hơn, quay phim tốt hơn… lẽ ra phải có mặt ở Pre lứa đầu tiên.
Tuy nhiên, có lẽ thất bại lớn nhất của Palm lại là ứng dụng. Các nhà phát triển không thể truy cập các công cụ WebOS nhiều tháng sau khi Palm được công bố và chỉ được phép phát triển ứng dụng vào tháng 8 – hai tháng sau ngày tung ra Pre. Tại thời điểm Palm đã nghiên cứu xong chương trình phát triển, hãng công bố WebOS không đi tới đâu, và các nhà phát triển chuyển hướng sang Android Market.
Nỗ lực khôi phục của HP thất bại
HP thực hiện mua lại Palm tháng 4/2010 với giá 1,2 tỉ USD và mọi chuyện an bài vào tháng 6/2011. Mặc dù Palm đang rất chật vật, giới công nghệ đều đồng ý rằng HP có đủ nguồn lực để nhấc WebOS lên khỏi mặt đất. Ý định của HP là phát triển xa hơn nền tảng WebOS, tiếp tục tung ra các smartphone Pre và mở rộng nền tảng ra các sản phẩm khác, bao gồm cả máy tính bảng và máy in. Tháng 2/2011, ngay trước thềm Hội nghị Thế giới di động (Barcelona, Tây Ban Nha), HP tổ chức sự kiện truyền thông lớn công bố HP Veer 4G, HP Pre 3 và HP TouchPad – máy tính bảng WebOS đầu tiên.
Veer 4G hoàn toàn không gây được bất ngờ - chỉ là phiên bản cấp thấp của Pre nhưng nhìn chung cũng khá tươm tất. Pre 3 dường như được hứa hẹn nhiều hơn, nhưng không may nó không thể tiến ra thị trường, và có lẽ sẽ không bao giờ, với tuyên bố ngừng sản xuất thiết bị WebOS hôm 19/8 của HP. Những lời bàn tán sôi nổi nhất xoay quanh TouchPad – và một lần nữa, như thể sản phẩm này có thể theo kịp kẻ dẫn đầu thị trường là iPad của Apple. Máy tính bảng dường như là môi trường lí tưởng cho WebOS, với đồ họa lưu động và các điều khiển dựa trên thao tác chạm.
Nhưng nó tiếp tục là một Pre nữa khi HP chỉ tung ra TouchPad 5 tháng sau tuyên bố. TouchPad xuất hiện và bị chỉ trích nặng nề vì hiệu suất hoạt động chậm chạp và nhiều lỗi, kho ứng dụng nghèo nàn và phần cứng cồng kềnh. Melissa Perenson – phóng viên công nghệ của Pcworld khắc nghiệt khi chỉ cho TouchPad 2,5/5 sao, và nhấn mạnh sản phẩm “mang theo nhiều lỗi ở phần mềm, các tính năng trục trặc cần phải sửa chữa thông qua các cập nhật tiếp theo, và thiếu các ứng dụng cạnh tranh.”
Đừng đổ lỗi cho WebOS
Thực tế, đây không phải là thất bại của WebOS, mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác, như tiếp thị, phần cứng, và ứng dụng. Sai lầm lớn nhất mà cả HP và Palm mắc phải là đã tuyên bố một sản phẩm chưa hoàn thiện 6 tháng trước khi tung ra chính thức. Hành động này là mối nguy hiểm lớn trong thế giới điện thoại di động phát triển quá nhanh hiện nay. Thất bại của WebOS là một câu chuyện buồn, nhưng cũng là bài học mà các công nghệ khác – đặc biệt trong lĩnh vực di động – có thể lấy đó làm gương cho mình.