Sau gần ba năm thương mại hóa dịch vụ 3G, đến nay dịch vụ này đã trở thành "nồi cơm" của các nhà mạng.
Không tiết lộ con số thuê bao cụ thể, ông Tống Việt Trung, phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, cho biết kinh tế gặp nhiều khó khăn đã tác động đến việc tăng trưởng của dịch vụ di động thế nhưng dịch vụ 3G của nhà mạng Viettel vẫn phát triển tốt trong năm vừa qua. Các dịch vụ 3G đang đóng góp trên 50% doanh thu cho nhà mạng này.
Hiện tại, Viettel vẫn là mạng viễn thông có hạ tầng lớn nhất Việt Nam với khoảng 55.000 trạm phát sóng, trong đó có 25.000 trạm 3G.
Theo ông Trung, thuê bao 3G phát triển nhanh nhờ vào các chính sách kích thích tiêu dùng của các doanh nghiệp đã đẩy giá cước 3G xuống thấp và cạnh tranh so với dịch vụ ADSL. Thêm vào đó, giá của thiết bị đầu cuối 3G cũng ngày càng rẻ đi sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy dịch vụ 3G tăng trưởng.
Trong khi đó, VinaPhone là nhà mạng cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên từ tháng 10 năm 2009 cũng cho hay các dịch vụ 3G đang đóng góp phần lớn doanh thu cho VinaPhone.
Ông Lâm Hoàng Vinh, Phó tổng giám đốc VNPT kiêm Giám đốc VinaPhone, cho biết dịch vụ 3G của VinaPhone đạt tốc độ tăng trưởng hơn 60% về doanh thu, với gần 6 triệu thuê bao 3G đang hoạt động trên toàn mạng trong năm 2012.
Cũng theo ông Vinh, hiện VinaPhone đang cung cấp hơn 80 dịch vụ giá trị gia tăng trên công nghệ 3G tới khách hàng. Doanh thu các dịch vụ phi thoại của VinaPhone đã đạt hơn 52% trên tổng số doanh thu cước của VinaPhone.
Tính đến hết năm 2012, VinaPhone đã xây dựng hơn 10.000 trạm 3G và nâng tổng số trạm BTS 2G/3G trên toàn mạng VinaPhone lên tới 28.456 trạm nhằm bảo đảm vùng phủ sóng rộng khắp trên toàn quốc.
Với sự tăng trưởng nhanh của các dịch vụ 3G trong năm 2012, các chuyên gia viễn thông cho rằng 3G sẽ là nồi cơm mà các nhà mạng đẩy mạnh khai thác trong những năm tới.
Ông Trung cho rằng sau giai đoạn đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thì đây là thời điểm các nhà mạng bắt đầu tập trung khai thác được dịch vụ 3G.
"Thị trường viễn thông Việt Nam đã hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi như hạ tầng mạng hoàn thiện, thiết bị đầu cuối rẻ, dịch vụ nội dung phong phú cùng giá cước hợp lý sẽ giúp dịch vụ 3G phát triển nhanh hơn nữa trong những năm tới," ông nói.
Một thống kê sơ bộ từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay trong 3 năm qua (kể từ 2009), tổng vốn đầu tư của các mạng di động vào mạng lưới 3G đã đạt 27.779 tỉ đồng. Đến nay, các nhà mạng đã triển khai vùng phủ sóng 3G theo dân số và diện tích lãnh thổ đạt bình quân tới trên 90%.
Mạng 3G tại Việt Nam đã được thương mại hóa từ tháng 10 năm 2009. Các mạng đã cung cấp dịch vụ 3G gồm có Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile.