Theo hãng bảo mật Symantec, lượng thư rác trên toàn cầu trong tháng 7 không mấy biến động nhưng số vụ tấn công lừa đảo trực tuyến lại tăng tới 52%.
Báo cáo về tình trạng phát tán thư rác và lừa đảo trực tuyến trong tháng 7 của Symantec cho biết, lượng thư rác (spam) hiện vẫn chiếm khoảng 89% tổng lượng email toàn cầu (tháng 6 là 90%).
Những kẻ phát tán thư rác vẫn tỏ ra rất “linh hoạt” trong các phương án lách khỏi các bộ lọc. Thư được “nhúng” trong các hình ảnh chiếm 17% lượng thư rác của tháng 7, những email có nội dung liên quan đến vấn đề sức khỏe, y tế giảm 17% trong khi đó những lá thư thuộc dạng lừa đảo lại tăng 3%.
Các sự kiện và tin tức nổi bật trong tháng cũng được những kẻ phát tán thư rác khai thác triệt để. Phổ biến nhất vẫn là những email mang tiêu đề liên quan đến cái chết của Micheal Jackson như “Ai đã giết Micheal Jackson?” hay “Jackson vẫn sống: Bằng chứng đây”….
Danh sách những tiêu đề thư được sử dụng nhiều nhất trong thư rác trong tháng 7. (Ảnh: Symantec) |
Để tránh bị các bộ lọc “junk mail” chặn lại, những kẻ phát tán thư rác đã chuyển sang sử dụng các từ “vô thưởng, vô phạt” trong phần tiêu đề để email của chúng nhìn có vẻ hợp pháp hơn như “Hi”, “Aloha” (những câu chào) hoặc “Bạn có tin nhắn mới”…
Những email thuộc nhóm “lừa đảo Nigeria” (nhóm 419) trở thành thể loại thư rác phổ biến nhất, theo Symantec. Thêm vào đó, những kẻ phát tán thư rác đã bắt đầu sử dụng dịch vụ VoIP (điện thoại Internet). Chúng mở một tài khoản điện thoại trên các trang web cung cấp dịch vụ VoIP rồi gửi một đề nghị “kết bạn” tới nạn nhân để thuyết phục họ tin rằng chúng rất giàu có.
Việt Nam một lần nữa bị liệt vào danh sách những quốc gia phát tán spam nhiều nhất thế giới. (Ảnh: Symantec) |
Trong số những quốc gia phát tán nhiều nhất, Mỹ vẫn đứng đầu danh sách với 25% lượng thư rác toàn cầu xuất phát từ đó. Braxin, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những cái tên lần lượt xếp sau. Việt Nam một lần nữa được “bêu danh” khi đứng thứ 9 trong số 10 quốc gia phát tán thư rác nhiều nhất.
Bản báo cáo này của Symantec cũng có kết quả tương tự với báo cáo mà hãng bảo mật McAfee đã công bố hôm 29/7 vừa qua.
Cũng theo Symantec, 63% số vụ lừa đảo trực tuyến có địa chỉ web (URL) được tạo ra từ các bộ công cụ lừa đảo, tăng hơn 150% số với tháng 6. Bộ phần mềm (công cụ) này thường tự động tạo ra các địa chỉ website giả mạo để đánh lừa người dùng hiệu quả hơn.
Các dịch vụ lưu trữ trang web miễn phí (free webhosting) đang trở thành công cụ để những kẻ tấn công lừa đảo xây dựng website nhằm vào người dùng. Khoảng 130 công ty cung cấp dịch vụ này trên toàn thế giới hiện đang vô tình tiếp tay cho 2.402 địa chỉ web lừa đảo trực tuyến, Symantec nói.
Tuy vậy, số lượng các website giả mạo đã giảm 14% so với tháng trước.
Trong số những quốc gia “sản xuất” nhiều website giả mạo nhất, Mỹ lại tiếp tục đứng đầu với 29%, Trung Quốc đứng thứ 2 với 9%.