Trao đổi qua điện thoại với TBKTSG ngày 13/1, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Bitcoin là đồng tiền không hợp pháp tại Việt Nam, do đó không được chấp nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Vị lãnh đạo này cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về Bitcoin sau khi Công ty TNHH Hiệp Đồng, đơn vị sở hữu một diễn đàn dành cho các bậc làm cha mẹ tuyên bố chấp nhận cho đối tác thanh toán bằng đồng tiền ảo.
Ông Bùi Huy Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Đồng, cho biết: “Sau khi tìm hiểu và thấy Bitcoin có thể sẽ là một phương thức thanh toán trong tương lai đối với các giao dịch thương mai điện tử nên doanh nghiệp tôi muốn tiên phong trong việc thanh toán đồng tiền này tại Việt Nam. Hiện doanh nghiệp tôi đã chính thức chấp nhận thanh toán đồng tiền này từ ngày 6-1-2014 trên diễn đàn”, ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng thừa nhận có rủi ro với loại hình này nhưng doanh nghiệp ông vẫn làm vì thực tế trên thế giới cũng đã có nhiều doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin và họ thấy rằng phương thức này rất hiệu quả.
Hiện diễn đàn này chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin cho các quảng cáo và viết bài cho doanh nghiệp. “Tuy chưa có doanh nghiệp nào sử dụng thanh toán tại diễn đàn nhưng tôi tin rằng trong tương lai, Bitcoin sẽ được mọi người đón nhận rộng rãi hơn”, ông Kiên nói.
Anh Linh, một người chuyên mua bán đồng tiền này cho biết hiện giá bán một đồng Bitcoin là 21,5 triệu đồng và người mua có thể mua tối thiểu 0,05 đồng và cao nhất là 100 đồng Bitcoin. Giao dịch sẽ được thực hiện qua tài khoản mà khách hàng đăng ký trên các website cho phép giao dịch Bitcoin miễn phí.
Ra đời vào năm 2008 bởi một nhóm người, kinh doanh Bitcoin là một hình thức kinh doanh tiền tệ hiện đang gây sốt tại các nước trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc đầu tư và giữ đồng Bitcoin có thể đem đến nhiều rủi ro cho người sử dụng.
Rủi ro từ Bitcoin
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Kim Eng, người cũng đã tìm hiểu về đồng Bitcoin, cho biết có khá nhiều rủi ro mà người sử dụng đồng tiền ảo này có thể gặp.
Theo ông Khánh, Bitcoin không có ngân hàng trung ương đứng sau mà thực chất là các đồng tiền được mã hóa nên khi có sự cố gì như đơn giản nhất là có đoạn mã nào bị lỗi thì người sở hữu sẽ không biết đổi cho ai, còn nếu tiền giấy bị rách thì có thể đem vô ngân hàng đổi.
Ngoài ra, hành lang pháp lý về Bitcoin hiện tại không có, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Một số nước có cho hành lang pháp lý nhưng chưa cụ thể, chỉ chấp thuận cho giao dịch nhưng người giao dịch phải chịu hoàn toàn trách nhiệm lẫn rủi ro. “Nếu có lừa đảo sẽ không có ai đứng ra bảo vệ”, ông Khánh nói.
Một rủi ro nữa là chênh lệch giá của đồng Bitcoin ở Việt Nam và các nước khác rất khác biệt, và không có một giá Bitcoin thống nhất ở các nước như giá vàng vì tỷ giá để tính ở các sàn trên thế giới không giống nhau. Ví dụ trong ngày 12-1 tính theo tỷ giá của ngày đó, thì giá mua một đồng Bitcoin ở Việt Nam là 15 triệu đồng và giá bán là 17 triệu đồng, trong khi trên sàn quốc tế xoay quanh mức 22 triệu đồng. Ngoài ra, chênh lệch ở các nước có khi lên đến hàng trăm đô la nên rất có thể người sở hữu sẽ phải chịu thiệt thòi, ông Khánh nói.
“Thêm vào đó, biến động tăng giảm trong một ngày của đồng Bitcoin rất khủng khiếp, có thời điểm lên đến 50%. Nếu một người mua một đồng Bitcoin giá 1.000 đô la Mỹ, nhưng nó giảm giá 50% thì người đó phải mất hai đồng Bitcoin mới có thể mua một món hàng mà một đồng trước đây mua được”, ông Khánh cho biết.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho biết rằng tiền tệ phải có một ngân hàng trung ương của một quốc gia phát hành, nên đồng Bitcoin không thể coi là tiền tệ và nếu có tranh chấp pháp lý xảy ra quanh đồng tiền này thì người sở hữu sẽ không có cơ sở để được bảo vệ.