Như chúng tôi đã đưa tin cách đây 2 ngày, Sun đã quyết định hủy bỏ dự án chế tạo chip máy chủ 16 lõi (tên mã “Rock”) trong một động thái làm giới công nghệ bất ngờ bởi giá trị của dự án này lên tới hàng tỉ USD. Tuy nhiên, đằng sau quyết định này còn ẩn chứa nhiều nguyên nhân mà nhiều người không biết đến.
Theo các nhà phân tích, thực ra dự án chip đầy tốn kém trên đã được Sun khởi động cách đây 5 năm với số tiền đầu tư không phải là ít. Ngay từ đầu, Rock đã gặp nhiều khó khăn trở ngại và việc Sun duy trì dự án này trong suốt thời gian qua là việc chẳng đừng. Trên thực tế, Rock là một dự án “yểu mệnh” cho dù Sun có nỗ lực như thế nào đi chăng nữa nhưng cuối cùng cũng không giữ nổi chúng.
Sơ đồ chip 16 lõi của chip Rock.
Cũng chỉ vì… tiền
Thông tin về việc Sun hủy bỏ dự án chip tỉ đô được New York Times công bố đầu tuần vừa rồi, theo đó Rock là dòng chip 16-lõi dành cho các dòng máy chủ cực kỳ cao cấp. Con chip đa lõi này có số nhân xử lý nhiều gấp đôi so với con chip máy chủ UltraSparc T2 nhanh nhất của Sun hiện nay, và được thiết kế cho các máy chủ doanh nghiệp chuyên xử lý ứng dụng thiên về dữ liệu kiểu như cơ sở dữ liệu.
Do là dự án trọng điểm và được ưu tiên rất cao nên Sun đã đổ vào đây khá nhiều tiền. Sun cũng đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào dự án chip siêu cao cấp này. Rock hứa hẹn sẽ mang lại khả năng xử lý tươi mới cho dòng chip máy chủ vốn đang là thị trường giành giật của nhiều đại gia tên tuổi như Sun, IBM, Intel, và AMD. Theo như kế hoạch trước đây, Rock dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2008, rồi sau đó được hoãn lại vào đầu năm nay, nhưng cuối cùng cũng bị hủy bỏ.
Theo giới phân tích, Rock bị hủy bỏ sẽ đồng nghĩa với sức cạnh tranh của Sun yếu đi trước các đối thủ IBM, Intel và AMD, bởi nếu đúng như những gì Sun từng hy vọng thì Rock sẽ là con át chủ bài trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. “Cái chết của Rock tuy khó hiểu nhưng thực ra cũng chỉ vì tiền. Số tiền phát triển dòng chip này quá lớn khiến Sun gần như khánh kiệt, và việc Sun đặt quá nhiều kỳ vọng vào con chip này cũng là nguyên nhân khiến cho nó đổ vỡ”, nhận xét của Gordon Haff, tư vấn IT của Illuminata. Sun đã từ chối bình luận về tương lai của Rock nhưng Haff cho rằng thông tin mà New York Times đưa ra là hoàn toàn chính xác.
Lộ trình không thành của "Rock".
Một chuyên gia phân tích tài chính giấu tên cũng nhận xét rằng, ngoài tiền ra thì việc người ta phát hiện quá nhiều sai sót và trục trặc trong quá trình phát triển Rock cũng là nguyên nhân khiến cho dự án này đổ vỡ. Khoản ngân sách dành cho phát triển của Sun đã thu hẹp đáng kể khi công ty này mất một khoản thị phần lớn về tay đối thủ IBM và Intel. Trong khi đó, một số chuyên gia có vai trò trong dự án chế tạo này đã rời bỏ Sun trong những năm qua. Trong số đó phải kể đến cựu Phó Chủ tịch điều hành bộ phận Vi điện tử David Yen - đã sang làm việc cho Juniper Networks từ năm 2008. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến nhà thiết kế chip tài ba Marc Tremblay, từng giữ chức giám đốc công nghệ bộ phận kinh doanh vi điện tử của Sun, đã bỏ sang làm cho Microsoft hồi đầu năm vừa rồi.
Vì phải “bán mình” cho Oracle
Cũng theo các nhà phân tích, thực ra Sun có ý định hủy dự án Rock từ cách đây khá lâu, và tin tức này từng lọt ra ngoài khi Sun công bố “trao thân” cho Oracle hồi tháng 4/2009 với giá trên 7 tỉ USD. Theo Dan Olds, chuyên gia phân tích của Gabriel Consulting Group, có rất ít bằng chứng cho thấy Oracle dính líu vào vụ hủy bỏ dự án Rock, nhưng rõ ràng hãng này có vai trò cực kỳ quan trọng đối với những quyết định quan trọng của Sun trong thời gian gần đây.
Hồi tháng 4 vừa qua, Oracle tuyên bố ý định mua lại Sun với giá 7,4 tỉ USD; và CEO Oracle Larry Ellison từng phát biểu rằng ông đặc biệt quan tâm tới phần mềm Java và hệ điều hành Solaris của Sun. Mới đầu, Ellison còn tiết lộ rất ít thông tin về ý định của Oracle đối với chip Sparc, nhưng về sau ông này nói rõ rằng hãng sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh phần cứng, đồng thời tăng cường vốn đầu tư cho Sparc.
Ngày Sun công bố quyết định bán công ty cho Oracle, các đối thủ của hãng này (IBM và Intel) cũng đồng tuyên bố kế hoạch tăng tốc nhằm chiếm lĩnh thị phần mà Sun để lại. IBM thì tự hào về sự thành công của chip Power, nói rằng khách hàng đang chuyển từ hệ thống Sun sang hệ thống máy chủ của hãng này. Còn CEO Intel, Paul Otellini, thì nhận xét rằng sự ra đi của Sun sẽ giúp thị trưởng rộng mở hơn cho dòng chip máy chủ Itanium. Còn các nhà phân tích khác thì khẳng định rằng kế hoạch sản xuất dòng chip cao cấp như Rock sẽ là vật hy sinh đầu tiên khi Oracle nắm quyền điều hành Sun.
Theo Dan Olds, Oracle điều chỉnh bộ phận kinh doanh phần cứng của Sun. Chẳng hạn như Oracle sẽ giải tán một số phần của bộ phận kinh doanh Sparc, mặc dù có thể sẽ tiếp tục phát triển dòng chip Sparc giá rẻ (tên mã Niagara), hay dòng chip Sparc64 cao cấp. Mới đầu, Rock được thiết kế trên nền tảng sáp nhập giữa Niagara và Sparc64 trên một con chip đơn, nhưng giờ đây quá trình phát triển của dòng dòng chip này vẫn được tách biệt. Sun vẫn sẽ bán một số dòng máy chủ sử dụng chip Niagara. Đồng thời theo thỏa thuận đã ký trước đây với Fujitsu , Sun sẽ vẫn thiết kế và chế tạo chip Sparc64.
Khó có thể cạnh tranh với Intel và AMD
Còn Dean McCarron, nhà phân tích của Mercury Research thì nhận xét rằng ngay cả khi Rock có được tung ra thị trường thì dòng chip cao cấp này vẫn có thể bị cạnh tranh bởi các sản phẩm của Intel và AMD. Chắc chắn những hãng lớn như Intel và AMD sẽ không ngồi yên để IBM xưng hùng xưng bá trên thị trường chip máy chủ. Ngoài ra, với thế mạnh sẵn có của mình, rất có thể Intel và AMD sẽ cung cấp những sản phẩm chip cạnh tranh có giá rẻ hơn so với Rock của Sun.
16 lõi của Rock.
Hiện Intel và AMD đang là hai nhà cung cấp chip máy chủ x86 chủ yếu trên thị trường. Dòng chip này dùng cho các hệ thống máy chủ chuẩn công nghiệp chạy trên Windows hoặc Linux OS. Chính vì lẽ đó, khi nhiều công ty sử dụng những con chip dạng này thì việc Sun quay sang đầu tư cho Rock – vốn chỉ hoạt động trên mỗi hệ điều hành Solaris xem ra không mấy hợp lý. Vậy nên việc Sun chi quá nhiều tiền cho dự án nghiên cứu Rock chỉ khiến cho hãng này rỗng túi thêm mà thôi.