Nhân sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới WTO, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai về cơ hội, tiềm năng cũng như những thách thức của ngành này thời kỳ hậu WTO.
Theo Thứ trưởng, "Sau thời gian tập dượt, hợp tác từ hàng chục năm nay với các tập đoàn quốc tế, đến thời điểm này, để cạnh tranh hiệu quả, các doanh nghiệp (DN) BCVT-CNTT đã chính thức hội nhập, tự lực phát huy năng lực của mình để ''bơi ra biển lớn''... "
Thưa thứ trưởng, với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, ông đánh giá thế nào về cơ hội của ngành BCVT - CNTT khi gia nhập WTO?
- Thứ trưởng Trần Đức Lai: Có thể khẳng định rằng về phía Nhà nước, trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ BTA cũng như đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã chủ động xây dựng một lộ trình mở cửa phù hợp, tạo dựng một môi trường với các yếu tố mang tính động lực, vừa hỗ trợ. Môi trường này đã thúc đẩy vừa tạo "sức ép" cho các doanh nghiệp để tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tích luỹ kinh nghiệm cạnh tranh, vừa đưa ra các giải pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Bước đột phá quan trọng là sự phá bỏ độc quyền trong cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) mới như Viettel, EVN Telecom... ra đời. Từ đây, giá thành dịch vụ rẻ đi, chuẩn chất lượng được nâng lên. Và thành công dễ nhận thấy là chỉ 2 năm gần đây, các DN đã bao sân hầu hết các dịch vụ về thoại, Internet, các dịch vụ gia tăng khác... Đặc biệt, các DN VN bắt đầu ứng dụng công nghệ mới CDMA; chủ động mở hướng đầu tư mới (VNPT đầu tư sang Mỹ, Viettel đầu tư sang Campuchia); chủ động trong hợp tác quốc tế với các tập đoàn lớn như của Thụy Điển, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai (Ảnh: Thanh Hải) |
Các DN cũng đã cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, chú trọng việc phát triển thị trường trong và ngoài nước đồng thời đầu tư thích đáng cho việc phát triển nguồn nhân lực, nên sức cạnh tranh tăng lên rõ rệt, đủ sức giữ vững thị trường và cạnh tranh có hiệu quả với các công ty nước ngoài.
Trong bản tham chiếu các nội dung khi Việt Nam gia nhập WTO quy định: Cơ quan quản lý nhà nước phải độc lập, không gắn bó về quyền lợi với bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản nào. Khi vào WTO, vai trò quản lý của Bộ BCVT sẽ ra sao?
- Nếu như với các ngành khác, vai trò quản lý các Bộ đối với doanh nghiệp thể hiện tương đối cụ thể thì riêng với ngành BCVT, chúng tôi tách riêng, rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh. Tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh đã giao quyền cho DN làm trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ có vai trò quản lý Nhà nước bằng luật pháp, cơ chế chính sách và cấp phép. Sau đó, Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra. Đến bây giờ, Bộ vẫn đang tiếp tục làm công tác này - và có thể nói, mô hình này tương đối phù hợp với xu thế quốc tế.
Tuy nhiên, về mặt quản lý, chúng ta cần hoàn thiện tiếp một bước các văn bản quy phạm pháp luật để thể hiện vai trò quản lý rõ nét hơn các hoạt động thúc đẩy thị trường và đảm bảo tốt hơn cho cạnh tranh, tương thích với các quy tắc của WTO.
Cổ phần hoá (CPH) được coi là một trong những giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp VN nâng cao sức cạnh tranh khi hội nhập. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước thường có tâm lý "nghi ngại, e dè". Đến thời điểm này, khi VN đã chính thức gia nhập WTO, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Tư tưởng đó đúng là đã từng tồn tại, nhưng xuất hiện từ những năm trước. Còn trong 5 năm gần đây, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ BCVT đã tuyên truyền, hướng dẫn cho DN. DN nắm được thuận lợi, cũng như thách thức khi gia nhập và hiểu rõ rằng, việc gia nhập WTO là đương nhiên vì mang lại lợi ích trực tiếp cho người lao động. Thời điểm này là giai đoạn để chúng ta trang bị để các DN mạnh hơn khi gia nhập.
Tiến độ cổ phần hóa giúp người lao động tăng quyền chủ động của mình, để hoạt động của DN có hiệu quả cao hơn. Trên toàn ngành hiện nay đã có 50 DN thuộc lĩnh vực viễn thông - Internet đang hoạt động theo mô hình CPH. Đặc biêt, trên toàn quốc, có trên 6.000 DN CNTT thuộc về các thành phần kinh tế (KT): KT tư nhân, DN 100% vốn nước ngoài, cổ phần. Riêng lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất CN - sản xuất phần cứng, phần mềm, môi trường cạnh tranh đã được mở ra từ trước, và các DN được trang bị nhiều kinh nghiệm. Khi vào WTO, với đà này, các DN sẽ có những thuận lợi lớn.
Theo cam kết WTO của VN mới đây, lĩnh vực BCVT-CNTT sẽ có hình thức hợp tác với nước ngoài theo mô hình nào, thưa ông?
- Trong lĩnh vực công nghiệp CNTT chúng ta đã cho liên doanh, cùng góp vốn, cùng ăn chia; kể cả hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Đối với lĩnh vực khai thác kinh doanh dịch vụ, trước đây chúng ta chỉ cho phép hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC. Đến nay, khi VN gia nhập WTO, theo cam kết lộ trình, chúng ta cho phép hình thức đầu tư mới theo liên doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ VT, kích thích đối tác làm việc tốt hơn.
Với hình thức hợp tác này, các DN BCVT-CNTT sẽ dựa vào tiềm lực nào để cạnh tranh với đối tác nước ngoài?
- Quá trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin đã có thời gian khá dài cho tập dượt cạnh tranh, mở cửa thị trường, cụ thể là:
Về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ: do đặc thù của lĩnh vực BCVT là ngành sản xuất mang tính xã hội hóa cao, phạm vi thông tin, bất luận là thông tin kinh tế, xã hội hay tin tức cá nhân đều không thể giới hạn trong một phạm vi, một bộ phận nào đó mà nó được tiến hành cho cả cộng đồng, trong cả quốc gia và thậm chí trong phạm vi thế giới. Quy trình sản xuất của bưu chính viễn thông cũng không được gián đoạn, phải đảm bảo toàn trình, toàn mạng, không thể phân tách.
Chính vì lẽ đó mà hơn 20 năm đổi mới vừa qua, bưu chính viễn thông đã được giao nhiệm vụ đi đầu trong hội nhập và thực tế mạng lưới bưu chính viễn thông VN đã được đấu nối hòa mạng với các mạng của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn dịch vụ phải tương thích với mạng toàn cầu.
Về mặt kinh tế, thương mại: để đấu nối được với mạng toàn cầu, ngoài phần kỹ thuật, các doanh nghiệp VN phải đàm phán để thỏa thuận ăn chia với các nước, phải tiếp cận với quy tắc quốc tế về phân chia cước kết nối với các nhà khai thác khác trên thế giới.
Về mặt sản xuất, xuất nhập khẩu trang thiết bị: đây là lĩnh vực mà Nhà nước ta có chủ trương thúc đẩy cạnh tranh rất sớm, Nhà nước đã giảm tối đa sự bảo hộ cho lĩnh vực này, cho phép và tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia, khuyến khích liên doanh, liên kết với nước ngoài, chính vì vậy mà các sản phẩm điện tử, viễn thông, CNTT do VN sản xuất được cũng đã chiếm được thị phần khá lớn thị trường trong nước và đã có xuất khẩu.
Theo ông, các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào khi VN trở thành thành viên của WTO? Cần làm gì để khắc phục những khó khăn này?
- Cơ hội cho DN BCVT của VN chỉ ở dạng tiềm năng, còn những thách thức là rất hiện thực. Khi VN đã là thành thành viên WTO, sự cạnh tranh chắc chắn sẽ khốc liệt hơn, đặc biệt đối với phần kinh doanh dịch vụ vì theo cam kết của chúng ta, thị trường dịch vụ không có hạ tầng mạng sẽ mở rộng hơn so với cam kết trong BTA.
Bên nước ngoài khi liên doanh có quyền nâng mức góp vốn lên cao hơn, khả năng kiểm soát của nước ngoài đối với việc điều hành kinh doanh dịch vụ cũng lớn hơn... Đây cũng chính là nguy cơ mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Thách thức đối với ngành BCVT-CNTT khi gia nhập WTO cũng không nhỏ. Đó là quy mô mạng lưới của chúng ta còn nhỏ bé, năng lực doanh nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp BCVT-CNTT còn yếu. Cách thức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ cao của các đối tác sẽ tạo nên một áp lực ghê gớm đối với hoạt động dịch vụ vốn còn khá non trẻ của các doanh nghiệp trong nước.
Không chỉ đối mặt với các khó khăn về tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng chưa vững vàng về luật pháp, đặc biệt là các thông lệ, điều ước quốc tế. Chúng ta cần tăng cường đội ngũ nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực CNTT, đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ, hoàn chỉnh, tạo động lực cho phát triển vừa tương thích với các quy tắc quốc tế vừa phải bảo vệ tốt nhất cho các doanh nghiệp VN, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người sử dụng.
Để giảm thiểu tối đa các nguy cơ, hay nói cách khác, để tăng năng lực cạnh tranh của mình, theo tôi, các doanh nghiệp cần: tiếp tục tăng cường tiềm lực: tuy chúng ta đã đầu tư và xây dựng được một hệ thống mạng lưới với công nghệ khá hiện đại (với tỷ lệ số hóa đạt gần 100%) song quy mô về mạng lưới, số lượng thuê bao, quy mô về vốn còn rất khiêm tốn.
Muốn vậy cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc đổi mới sự hoạt động và quản lý của doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp để thu hút đầu tư và tích lũy vốn (cổ phần hóa, tăng cường liên doanh, liên kết, xác định đúng được đối tác chiến lược...). Phát triển nhanh để mở rộng phạm vi thị trường trong nước. Điều quan trọng là phải giữ được khách hàng, muốn vậy phải nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng và cước phí phù hợp; đồng thời phải chủ động mở rộng ra thị trường ngoài nước.
Đây là những vấn đề chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện, mặc dù, trong thời gian từ năm 2000 đến nay, DN trong nước đã có nhiều hiệu chỉnh, tiến bộ. Nhưng khi VN đã gia nhập WTO, đây là những việc cấp bách cần thực hiện!
Xin cám ơn ông!
Hoàng Hùng (thực hiện)