Sau thời gian dài với vô số tranh cãi bên lề, Twitter cuối cùng cũng chính thức công bố triển khai một chính sách nhằm giải quyết vấn đề tin giả và tuyên truyền sai lệch trên nền tảng.
Có tên gọi “Crisis Misinformation” (tạm dịch: Thông tin sai lệch về khủng hoảng), chính sách này được thiết kế để đóng vai trò như một cơ sở mang tính nền tảng trong việc giải quyết các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch trong một số tình huống “khủng hoảng”, chẳng hạn như “xung đột vũ trang, các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và thảm họa tự nhiên quy mô lớn”.
Twitter định nghĩa khủng hoảng là “các tình huống trong đó có sự hiện diện của một mối đe dọa trên diện rộng đối với tính mạng, sự an toàn thể chất, sức khỏe hoặc sinh hoạt cơ bản của con người”. Định nghĩa này phù hợp với cách xác định và phân loại các hình thức khủng hoảng của Liên hợp quốc. Việc xác định liệu một tuyên bố có gây hiểu lầm hoặc đang truyền bá thông tin sai lệch hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quy trình "xác minh từ nhiều nguồn đáng tin cậy, có sẵn công khai, bao gồm bằng chứng từ các nhóm giám sát xung đột, tổ chức nhân đạo, nhà điều tra nguồn mở, nhà báo, v.v."
Chính sách “Thông tin sai lệch về khủng hoảng” sẽ được Twitter áp dụng trên toàn cầu nhằm đảm bảo nền tảng không “khuếch đại hoặc lan truyền thông tin sai lệch trong thời gian xảy ra khủng hoảng”. Điều này có nghĩa là nếu Twitter xác định một Tweet gây hiểu lầm hoặc có chứa thông tin không chính xác liên quan đến vấn đề khủng hoảng đang diễn ra, các thuật toán của nền tảng sẽ lập tức áp dụng biện pháp giới hạn khả năng tiếp cận của Tweet đó.
Cần lưu ý rằng bên cạnh việc bị hạn chế tiếp cận, bài Tweet “không phù hợp" sẽ chị bị gắn nhãn cảnh báo chứ không bị xóa khỏi nền tảng.
“Ngoài ra, chúng tôi sẽ ưu tiên thêm cảnh báo vào các Tweet “vi phạm”, đặc biệt từ các tài khoản có mức độ tiếp cận cao, chẳng hạn như tài khoản truyền thông liên kết với nhà nước, tài khoản chính phủ đã được xác minh,” Twitter tuyên bố.
Mặc dù bản thân chính sách Thông tin sai lệch về khủng hoảng là rất cần thiết, nhưng nó được công bố và triển khai trong thời điểm tương đối nhạy cảm với Twitter. Mạng xã hội này được cho là sẽ trở thành một nền tảng cởi mở, “thiên đường của tự do ngôn luận” dưới quyền sở hữu của tỷ phú Elon Musk.
Sẽ rất thú vị khi xem Twitter triển khai chính sách này trong thực tế ra sao.