Nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phổ biến, trao đổi kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ vi mạch bán dẫn trên địa bàn, ngày 15/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Đại hội thành lập Hội công nghệ vi mạch bán dẫn của thành phố và ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã được bầu là Chủ tịch Hội.
Trụ sở Tập đoàn Intel tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: AP)
Với mục tiêu phát triển nguồn lực, đảm bảo tài lực, nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch, hội sẽ phát hiện, bồi dưỡng những người có năng khiếu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố.
Hội đồng thời sẽ là cầu nối gắn kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn; tham mưu xây dựng chính sách, thẩm định và phản biện xã hội về các chính sách, các chương trình phục vụ cho sự phát triển ngành công nghệ vi mạch bán dẫn của thành phố và cả nước, tạo ra môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp trên thị trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành công nghệ, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có nguồn nhân lực về công nghệ tốt nhưng chi phí thấp, do vậy nhiều công ty vi mạch nổi tiếng thế giới đã đầu tư các nhà máy tại Việt Nam như Tập đoàn Intel, Sonion, Applied Micro và đa số các công ty này đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài các công ty quốc tế, hiện Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm về nghiên cứu và đào tạo khoa học công nghệ của cả nước với những đơn vị như Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trung tâm nghiên cứu và triển khai thuộc Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Do vậy, việc thành lập Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn là rất cần thiết để doanh nghiệp trong lĩnh vực này tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác trong cơ giới hóa, điện tử hóa.