Trong khi các nhà hoạch định và ứng dụng TMĐT Việt Nam vẫn đang băn khoăn chưa biết nên lạc quan hay lo lắng thận trọng vì các vấn đề pháp lý, thanh toán trực tuyến, cơ sở hạ tầng còn chưa đảm bảo, thì nhu cầu mua hàng điện tử của người Việt Nam đã vượt lên trước một bước.
Người mua hàng trực tuyến Việt Nam đã có đủ trình độ, điều kiện, khả năng và nhu cầu để sử dụng các dịch vụ TMĐT quốc tế trên Internet, thậm chí chấp nhận thêm cả chi phí chuyển hàng về VN để mua được món đồ ưng ý. Nhu cầu thị trường TMĐT đã có và rất phổ biến, nhưng những người làm TMĐT Việt Nam thì vẫn đang loay hoay tìm đáp án cho câu hỏi: TMĐT Việt Nam đang đứng ở đâu?
Amateur, nhưng hiệu quả
Mô hình kinh doanh của các dịch vụ TMĐT kiểu "bắc cầu" này khá đơn giản: Khách hàng lựa chọn món hàng muốn mua trên các site mua bán trực tuyến quốc tế, gửi đường link cho chủ topic trên các diễn đàn như TTVN Online để kiểm tra giá. Nếu ưng, họ sẽ đặt "chủ dịch vụ" trước 50% số tiền, hoặc trực tiếp bằng tiền mặt, hoặc thông qua chuyển khoản ở ngân hàng. Sau khi hàng từ Mỹ về đến Việt Nam, khách sẽ đến lấy và thanh toán nốt số tiền còn thiếu.
Mấu chốt nhất đối với một dịch vụ kiểu này là phải có "đầu mối" bám trụ ở nước ngoài, bởi hầu hết các website bán hàng trực tuyến hiện nay đều không chấp nhận ship hàng (chuyển hàng) trực tiếp về Việt Nam. (Lý do các dịch vụ bán hàng trực tuyến quốc tế từ chối ship hàng về Việt Nam, VietNamNet sẽ phản ánh trong một bài viết khác). Đầu mối ở nước ngoài này sẽ chịu trách nhiệm đặt hàng, nhận hàng, đóng kiện và ra bưu điện gửi Chuyển phát nhanh về cho "đầu mối" ở nhà.
Quang cảnh tại buổi khai mạc Hội thảo - Triển lãm VEBIZ 2007. (Ảnh Thế Phong). |
Như vậy, thực chất các dịch vụ cầu nối mua bán qua mạng này đã giải quyết được một khâu rất quan trọng trong TMĐT: sự tiện lợi. Chỉ cần ngồi một chỗ, bên cạnh là máy tính và kết nối Internet, thêm vài cái click chuột, người dùng đã có thể sục sạo, săn lùng những món đồ ưng ý trong một biển hàng hóa khổng lồ của Internet. Nếu không chắc về kích cỡ, họ có thể tham khảo bảng size của website bán hàng gốc hoặc trực tiếp chat với dịch vụ (bên dưới chữ ký trên diễn đàn của mỗi "bà chủ dịch vụ" đều có nick YM và số điện thoại để liên lạc).
Các website đều cung cấp ảnh phóng to, zoom chi tiết, các góc độ khác của sản phẩm, màu sắc rất cụ thể. Thậm chí một số site còn có cả công nghệ phòng thay quần áo ảo, cho phép người dùng "ướm thử" quần áo lên một người mẫu ảo, có các thông số cơ thể giống hệt người dùng.
Trong khi ấy, các website thương mại điện tử ở VN còn đang ở giai đoạn rất chập chững. Danh mục hàng hóa nghèo nàn và những dịch vụ hỗ trợ khách hàng còn rất yếu. Thêm vào đó, vấn đề người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng thẻ thanh toán cũng khiến họ đau đầu không ít. Trong trường hợp này, các dịch vụ nhận đặt hàng từ nước ngoài đã "né" được các rào cản trên một cách khéo léo, dẫu rằng đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế.
Buôn bán niềm tin
Thuở ban đầu, tham gia mua bán trên f363 toàn là các thành viên "kỳ cựu" và giao dịch trên cơ sở lòng tin là chính. Nhưng một năm trở lại đây, nhiều vụ scandal đã rộ lên khiến cho lòng tin đó bị lung lay nghiêm trọng, đến mức một topic đã được lập ra gần đây để liệt kê những ông chủ/bà chủ trong danh sách đen và những topic bán hàng có uy tín, đáng tin cậy, phong cách dễ chịu.
Người Việt có thói quen mua hàng sờ tận tay, nhìn tận mắt. Đối với những món hàng đặt mua qua mạng, đôi khi không tránh khỏi sự phập phù. "Nhiều khi nhìn hình trên site thì đẹp long lanh, nhưng khi nhận hàng thì không dám tin vào mắt mình", một thành viên từng phản hồi trên topic nhận đặt mua hàng từ Trung Quốc. Topic này mua đồ từ website Taobao, một dạng như eBay của Trung Quốc nên hầu hết đều là hàng "nhái hiệu", nhiều khi ảnh chụp và sản phẩm ngoài đời khác nhau một trời một vực. Lúc ấy, khách hàng chỉ còn nước cất vào tủ hoặc lôi ra rao thanh lý.
Những khách hàng đặt mua đồ từ Pháp, Anh, Canada và Mỹ thì tỏ ra yên tâm hơn về chất lượng và xuất xứ sản phẩm. "Bên Mỹ luật rất nghiêm. Họ mà phát hiện được site nào bán hàng giả thì mình đem kiện cũng được khối tiền", nick BG cho biết. Vấn đề còn lại là đôi khi hàng ship về quá lâu, ví như đợt hàng đặt mua giầy dép trên amazon của afshop bắt khách hàng phải chờ dài cổ đến gần tháng rưỡi, hai tháng. "Nhiều khi hàng về đến nơi thì hứng thú của tôi cũng cạn sạch", Loan, một thành viên quen thuộc trên f363 của diễn đàn TTVN Online tâm sự.
Trong khi khách hàng có nhiều vấn đề không hài lòng với các dịch vụ đặt hàng qua mạng, thì bản thân các ông/bà chủ dịch vụ cũng có những bức xúc của riêng họ. Một vấn đề đau đầu mà các chủ topic thường gặp phải là nạn khách đặt hàng rồi "xù", không lấy. Nếu như lúc ấy hàng vẫn còn ở nước ngoài, họ có thể ra bưu điện gửi trả website (tất cả các site TMĐT quốc tế đều cho hoàn lại món hàng với điều kiện còn nguyên mác và các phụ kiện đi kèm. Một số website yêu cầu khách hàng tự chịu phí bưu điện khi trả lại sản phẩm, một số cho trả miễn phí), nhưng nếu như hàng đã về đến Việt Nam thì các bà chủ chỉ còn nước đem rao thanh lý.
Để tránh tình trạng khó xử này, nhiều dịch vụ đã đề ra một nguyên tắc bất di bất dịch: Chỉ đặt hàng khi khách đã đặt cọc. Đối với khách quen, họ có thể "du di" vài ngày, nhưng với khách lạ chưa đặt lần nào, đây là quy tắc không thể phá bỏ.
Nói chung, đầu mối ở nước ngoài của các dịch vụ đặt hàng bắc cầu là du học sinh (chiếm tỷ lệ áp đảo), các chị em đang làm việc hoặc lập gia đình bên đó. Đa số họ lấy "đặt hàng qua mạng" làm công việc ngoài giờ, kiếm thêm và giúp chị em trong nước thỏa mãn cơn khát shopping. Nhưng không nên vì thế mà vội vàng kết luận họ "lấy công làm lãi", vui vẻ là chính.
Mới đây, cũng chính trên f363, nick winniethepooh88 đã lập ra một topic tố cáo "sự thật về ship hàng từ Mỹ", theo đó, có một vài "bà chủ" đã đội giá lên rất cao so với giá gốc ban đầu. Winnie có đơn cử trường hợp một chiếc túi hiệu bebe mà cô bạn bắt gặp trong cửa hàng tại Mỹ với giá sale 30 USD được rao bán trên ttvnol với giá gấp đôi, mà bà chủ vẫn tuyên bố "hữu nghị, vì chị em". Một thí dụ khác, một chiếc ví Xoxo giá sale 3USD đã được một dịch vụ rao giá tới 280 ngàn khi về tới Việt Nam.
"Chảy máu tiền tệ"
Nếu như ai đó từng kỳ vọng vào một sự thay đổi cho lĩnh vực thương mại điện tử "sơ sinh" ở Việt Nam thời hậu WTO - họ hẳn sẽ phải thất vọng, ít nhất là vào lúc này. Đại đa số các doanh nghiệp , hoặc đã triển khai, hoặc đang ấp ủ kế hoạch thương mại điện tử, vẫn cứ loay hoay như gà mắc tóc. Họ quẩn quanh trong những vấn đề muôn thuở như cơ sở hạ tầng còn yếu, hệ thống thanh toán trực tuyến chưa phổ biến.
Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng là có thật, hơn thế nữa còn là rất lớn. Chính vì vậy, các nhà kinh doanh nghiệp dư đã xắn tay vào cuộc. Có thể mô hình của họ chưa thật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, nhưng xét về óc thức thời, nhạy bén và tính hiệu quả thì có lẽ nhiều website thương mại điện tử trong nước còn phải chạy dài.
Chính vì thế, lập luận của nhiều doanh nghiệp rằng TMĐT VN chưa thể cất cánh vì thiếu khách hàng, e rằng cũng cần phải xét lại. Thiết nghĩ, vấn đề lớn hơn mà TMĐT Việt Nam cần giải quyết lúc này là bài toán lòng tin của người tiêu dùng, khi mà một bộ phận không nhỏ khách hàng cho rằng "Mua hàng trong nước không yên tâm", dịch vụ chăm sóc khách hàng thiếu chu đáo.
Hệ quả của TMĐT Việt Nam chậm phát triển là gì? Một dòng tiền lớn đang được người tiêu dùng Việt Nam đổ ra nước ngoài để mua sắm thông qua các dịch vụ "nghiệp dư" kiểu này, trong sự tiếc nuối và bất lực của ngành thương mại trong nước. Thực trạng "chảy máu tiền tệ" ra nước ngoài chắc chắn cũng là một vấn đề quan trọng cần được các nhà quản lý và hoạch định chính sách tìm biện pháp khắc phục.
Trọng Cầm