Từ lâu, Apple vẫn sử dụng hai màu xanh lá và xanh dương để phân biệt tin nhắn.
Nếu người gửi và người nhận cùng sử dụng thiết bị chạy hệ điều hành iOS hoặc macOS tức cùng hoạt động trên nền tảng iMessage thì tin nhắn sẽ có màu xanh dương.
Còn nếu người gửi không sử dụng iPhone hoặc iPhone đó không kết nối mạng thì tin nhắn sẽ được chuyển qua giao thức SMS truyền thống và có màu xanh lá. Hiện nay, hầu hết iPhone đều được kết nối mạng nên tin nhắn màu xanh lá được mặc định là gửi từ điện thoại Android.
Hiện nay, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ không coi màu sắc tin nhắn trên iPhone là dấu hiệu nhận biết đơn giản mà coi nó là dấu hiệu thể hiện vị thế cá nhân, khiến một số người dùng Android bị cô lập.
Lowtiz, một sinh viên tại bang Michigan sau khi chuyển sang sử dụng điện thoại Android gặp phải 1 loạt vấn đề với các cuộc gọi nhóm qua FaceTime và ứng dụng tìm bạn bè, nhóm chat cũng không hoạt động mượt mà như khi dùng iPhone.
Nguyên nhân là do phần lớn bạn học của cô sử dụng iPhone và tận dụng những tính năng chỉ có trên thiết bị này. Điều này khiến Lowtiz sớm quay về iPhone sau khi hoàn thành 1 dự án của mình.
Cô cho rằng Apple đã tạo nên một mạng xã hội dựa trên các tính năng của iPhone với mục đích gây áp lực, hối thúc quay trở lại hệ sinh thái đó sau khi rời đi.
Tại Mỹ, iMessage được sử dụng phổ biến. Khảo sát do tổ chức Piper Sandler tiến hành cuối năm 2021 cho thấy 87% thanh thiếu niên Mỹ sở hữu iPhone. Nhiều học sinh, sinh viên Mỹ đã bị tách khỏi nhóm bạn bè sau khi chuyển sang sử dụng thiết bị khác không phải là iPhone. Điều này khiến nhiều người lo lắng bị tẩy chay khi gửi tin nhắn xanh lá.
Vào năm 2019, một người dùng có tên Katie McDonough từng chia sẻ trên New York Post rằng “Tôi sẽ không hẹn hò với người gửi tin nhắn không phải là màu xanh dương. Sao họ lại không dùng iPhone như tôi nhỉ?".
Vấn đề này khiến Apple bị chỉ trích cố ý lợi dụng áp lực và sự bắt nạt của những người đồng trang lứa để bán sản phẩm và buộc người dùng Android chuyển sang iPhone.