Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ IPv6 nhưng chưa triển khai vì thiết bị đầu cuối của khách hàng chưa hỗ trợ.
Triển khai IPv6 vẫn như "cưỡi ngựa xem hoa"
Ông Trần Minh Tân, phó giám đốc trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai IPv6 của các doanh nghiệp vẫn chưa có biến chuyển nhiều. Tuy nhiên, với việc ngày 3/2, Tổ chức quản lý địa chỉ IP toàn cầu (IANA) đã cấp phát 5 khối địa chỉ IPv4 “/8” cuối cùng cho 5 cơ quan cấp phát địa chỉ Internet khu vực (RIR) và châu Á sẽ hết địa chỉ IPv4 sau từ 3-6 tháng nữa, các doanh nghiệp sẽ phải suy nghĩ lại về kế hoạch chuyển đổi IPv6 của mình để có hướng tiếp cận đúng đắn.
Ông Tân cho rằng, có thể trước đây các doanh nghiệp vẫn còn ỷ lại việc địa chỉ IPv4 còn có thể cung cấp được nên vẫn tập trung vào IPv4 và các dịch vụ trên đó mà chưa nghĩ đến tương lai xa nghiên cứu, chuyển đổi IPv6. Việc triển khai IPv6 chủ yếu ở giai đoạn "cưỡi ngựa xem hoa" thay vì tập trung nghiên cứu xem có thể phát triển được những dịch vụ gì hay đấu nối, kết nối thiết lập mạng trung chuyển Internet IPv6 quốc gia theo như tinh thần của Chỉ thị 03. "Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần phải xem xét lại và phải có lộ trình cụ thể chuyển đổi IPv6 để đảm bảo an toàn cho mạng lưới của mình", ông Tân nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ô ng Nguyễn Thành Công, Trưởng phòng Kỹ thuật VDC1 cho biết, VDC/VNPT là một doanh nghiệp nhà nước hàng đầu cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam nên ngay từ đầu công ty đã đi đầu và có những bước chuẩn bị phù hợp để đảm bảo cho vấn đề này. Từ những năm 2001, 2002 công ty VDC đã thực hiện triển khai các nghiên cứu, thử nghiệm dịch vụ Internet trên nền IPv6 đối với các dịch vụ cơ bản như email, web, DNS... và đã thu được những thành công tốt đẹp, đảm bảo hệ thống mạng và dịch vụ sẵn sàng cho sự dịch chuyển từ IPv4 sang IPv6. Trong công tác đầu tư mở rộng mạng lưới, dịch vụ hạ tầng công ty VDC đều đảm bảo các hệ thống, thiết bị mới đáp ứng được các tính năng hoạt động được ở chế độ dual-mode giữa IPv4 và IPv6. Do đó có thể nói hệ thống mạng lưới và dịch vụ của VDC về cơ bản đáp ứng được sự dịch chuyển này. "Nếu khách hàng của VDC/VNPT yêu cầu dịch vụ Internet trên nền IPv6, VDC/VNPT có thể đáp ứng được", ông Công cho biết thêm.
Ông Phạm Đình Trường, Phó Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel cũng cho rằng, hệ thống mạng của Viettel đã hỗ trợ IPv6. Bên cạnh đó, Viettel đã tiến hành thử nghiệm xong IPv6 và sẵn sàng cung cấp.
Vướng mắc ở thiết bị đầu cuối của khách hàng
Theo ông Công, khó khăn nhất trong việc triển khai IPv6 là do Việt Nam vẫn chưa làm chủ các công nghệ sản xuất thiết bị, ứng dụng trên mạng do đó việc triển khai có vướng mắc lớn nhất là phân đoạn cuối cùng tới người dùng. VDC/VNPT cũng như tất cả các ISP khác tại Việt Nam đều hoàn toàn có thể triển khai trong mạng lõi của mình tới phần biên của mạng. Tuy nhiên phân đoạn cuối cùng tới người dùng cuối hiện nay là các thiết bị kết nối băng rộng ADSL hay FTTx có rất ít thiết bị hỗ trợ tính năng IPv6. Trong khi đó, tất cả các máy tính, máy chủ với các hệ điều hành hiện tại như Windows XP, Linux, Windows Vista, Sun... đều đã được tích hợp sẵn các tính năng IPv6.
Cùng quan điểm, ông Trường cũng cho rằng, việc triển khai IPv6 liên quan rất nhiều vào thiết bị đầu cuối, đặc biệt là các thuê bao di động và người sử dụng máy tính sử dụng hệ điều hành cũ không hỗ trợ IPv6. Trong đó, khó khăn nhất là phân biệt được người dùng đang sử dụng địa chỉ IPv4 hay IPv6 để cấp chính xác địa chỉ IP cho modem. "Sở dĩ, Malaysia hay Indonesia phát triển IPv6 tốt là vì hầu hết các thiết bị của họ đều hỗ trợ tốt IPv6", ông Trường dẫn chứng.
Về vấn đề này, ông Tân cho biết, đối với các thiết bị đầu cuối, những chiếc máy tính và hệ điều hành (Windows 95 trở về sau) đang được sử dụng hiện nay đều hỗ trợ rất tốt IPv6. Ngoài ra, các doanh nghiệp muốn triển khai IPv6 đồng loạt được thì có thể áp dụng thiết bị chuyển đổi (converter) có hình dạng giống như USB "chạy" từ IPv4 sang IPv6 để sử dụng dịch vụ và ngược lại giống như cách mà Úc đang áp dụng trong thời gian chạy song song. "Các hệ thống mạng đang sử dụng IPv4 mà không muốn thay đổi nhiều có thể nghiên cứu phần mềm hay thiết bị chuyển đổi chạy dưới dạng đường hầm từ IPv4 của khách hàng, doanh nghiệp sang IPv6 của ISP", ông Tân khẳng định.
Sớm ban hành kế hoạch hành động IPv6 quốc gia
Ông Tân cho biết trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ sớm xúc tiến và ban hành kế hoạch hành động IPv6 quốc gia. VNNIC căn cứ vào đó để hướng dẫn, yêu cầu các thành viên phải xúc tiến nhanh nghiên cứu, chuyển đổi IPv6. Cụ thể, kế hoạch sẽ chỉ rõ công việc các doanh nghiệp cần phải làm và lộ trình từng thời điểm thực hiện cho đến khi chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6.
Nội dung chủ yếu của kế hoạch hành động nhấn mạnh vào yếu tố con người. VNNIC sẽ đào tạo cho các doanh nghiệp về công nghệ, chuẩn bị sẵn nhân lực cho chuyển đổi IPv6. Bên cạnh đó, VNNIC đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất đưa chương trình đào tạo IPv6 vào trong các trường Đại học để đảm bảo 3-5 năm nữa khi sinh viên ra trường có thể tiếp cận được ngay với IPv6.