Cơ sở hạ tầng và hành lang pháp lý đã có những tín hiệu tốt, nhưng thói quen mua sắm và việc thiếu giải pháp đồng bộ khiến thương mại điện tử Việt Nam ì ạch bởi khúc mắc ở khâu thanh toán.
Những nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn và Triển lãm về Phát triển Thanh toán trực tuyến trong Thương mại điện tử (Vietnam Online Payment - VOP) 2009 diễn ra chiều 16/3 tại Hà Nội. Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu và khách mời đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương, Bộ TT-TT, Ngân hàng Nhà nước VN, các tổ chức thẻ quốc tế và doanh nghiệp, các ngân hàng trong nước cùng các chuyên gia nghiên cứu kinh tế.
Trong khuôn khổ diễn đàn năm nay, nội dung thảo luận chính là về Thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử tại Việt Nam, trong đó các nhóm thảo luận mở xoay quanh ba chủ đề chính: “Chính sách và hạ tầng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam”, “Xu hướng phát triển thanh toán trực tuyến hỗ trợ thương mại điện tử tại Việt Nam” và “Ứng dụng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam”.
Đủ cộng đồng, hạ tầng sẵn sàng nhưng TMĐT vẫn khúc mắc ở khâu thanh toán. Ảnh: H.P. |
"Mặc dù chúng ta đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng những thống kê điều tra chúng tôi có được lại cho thấy sự quan tâm đến thương mại điện tử không hề giảm sút trong thời gian qua, thậm chí còn tăng lên", ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục TMĐT-CNTT (Bộ Công thương), cho biết.
Về mặt cơ sở hạ tầng, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT-TT), khẳng định hệ thống viễn thông Internet của Việt Nam đảm bảo triển khai tốt các ứng dụng về thanh toán điện tử, đặc biệt là khu vực thành phố lớn. Thời gian qua, Bộ TT-TT đã thành lập 2 đơn vị hỗ trợ phát triển TMĐT gồm Trung tâm Chứng thực Chữ ký số và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính (VNCERT).
Hiện nay, khoảng 1/4 dân số (20 triệu người) được tiếp cận với Internet và 50 triệu thuê bao điện thoại di động. Theo tính toán, số người dùng Internet tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,5 lần trong một vài năm tới. Con số đó thậm chí lớn hơn tổng dân số một vài quốc gia và hình thành một cộng đồng đủ sôi động để phát triển TMĐT. Nhiều đơn vị, tổ chức không phải ngân hàng cũng tham gia vào quá trình thanh toán.
"Theo thống kê, có đến 85% người dùng Internet tham gia vào các hoạt động mua bán trên mạng. Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng tại thị trường Việt Nam", ông David Chan, Phó Chủ tịch cấp cao Master Card, chia sẻ về tiềm năng thanh toán trực tuyến của thị trường Việt Nam.
Dùng "biện pháp lai" cho hợp thị trường
"Việt Nam vẫn là một thị trường tiền mặt, nếu muốn chuyển dịch sang thanh toán trực tuyến thì đòi hỏi phải có một quá trình và hiện nay đang trong giai đoạn quá độ", ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc PayNet - một trong những cổng thanh toán trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, cho biết. "Hầu hết người tham gia mua sắm trên mạng tại Việt Nam đều có đủ tiền mặt, nhưng đến khi trả tiền thì không biết dùng hình thức nào cho phù hợp".
Theo ông Thắng, mạng thanh toán này phải áp dụng một biện pháp "lai" (semi-online payment): ứng dụng thanh toán điện tử cho những người sử dụng tiền mặt theo kiểu "mua sắm trực tuyến, thanh toán tại điểm". Trong đó, người dùng trả tiền mặt tại các điểm giao dịch cho những hóa đơn mua hàng của mình. Một thực tế cho thấy rằng: không phải các đơn vị tại Việt Nam không triển khai được các giải pháp thanh toán trực tuyến tổng thể. Những "biện pháp lai" như trên để đảm bảo thích nghi với hiện trạng thị trường tại Việt Nam.
"Trong số 20 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, hầu hết trong số họ có khả năng thăm các gian hàng, click chuột để chọn lựa hàng hóa nhưng đến khâu thanh toán lại không biết chọn hình thức nào. Một phần vì thiếu các cổng thanh toán. Mặt khác, nếu có cổng thanh toán thì cũng chỉ chấp nhận những thẻ quốc tế như VISA Card, Master Card, ... Không phải tất cả mọi người đều có loại thẻ này. Nếu so sánh về số lượng thì đến 80% người có đủ tiền mặt, nhưng chỉ khoảng 20% người có thẻ ghi nợ, và khoảng 1% có thẻ tín dụng. Rõ ràng đó là một hạn chế. Vì thế, chúng tôi phải có giải pháp để mọi người có thể dùng tiền mặt để thanh toán các hóa đơn trực tuyến", ông Thắng giải thích.
Chia sẻ về việc phát triển thanh toán trực tuyến, ông Tống Viết Trung, Phó TGĐ Viettel Telecom, lại đưa ra giải pháp đưa chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) trở thành vật dụng thanh toán mới. Đại diện mạng di động có số thuê bao lớn nhất Việt Nam hiện nay cho rằng điều này hoàn toàn có cơ sở bởi 3 yếu tố thuận lợi. Thứ nhất, ĐTDĐ hiện nay đã trở nên phổ biến, thậm chí trở thành vật "bất ly thân" đối với một bộ phận người dùng.
Thứ hai, công nghệ phát triển giúp thiết bị liên lạc này ngày càng trở nên mạnh mẽ, có khả năng xử lý nhanh hơn, kết nối Internet tốt hơn và màn hình lớn hơn. Điều đó cho phép người dùng có thể duyệt web, xem hình ảnh và tính năng sản phẩm trên ĐTDĐ dễ dàng. Thứ ba, người dân Việt Nam hiện quen thuộc với tài khoản điện thoại hơn cả tài khoản ngân hàng. Điều này giúp người dùng tin cậy hơn và dễ dàng tạo dựng thói quen mua sắm mới hơn.