Thêm một vụ tranh chấp phần mềm do 'lọt' thông tin nội bộ

Ngày 17/1, Toà án kinh tế HN thụ lý hồ sơ do công ty Hà Nội Software kiện công ty Thương Mại Số kinh doanh trái phép phần mềm WEB++ của mình. Bị đơn, từng thừa nhận sai phạm, bất ngờ khẳng định chính họ mới đang nắm giữ quyền sử dụng mã nguồn phần mềm đó.

Theo hồ sơ của Hà Nội Software, từ tháng 9/2006, họ phát hiện phần mềm I-Web do Thương Mại Số đang kinh doanh có nhiều điểm tương đồng với sản phẩm WEB++. Sau thời gian tự điều tra, Hà Nội Software kết luận sản phẩm của họ đã bị sao chép lậu và đổi tên bởi Hoàng Tùng, nhân viên triển khai làm việc tại doanh nghiệp này từ tháng 1/2005 đến tháng 2/2006. Nhân vật nói trên sau khi rời khỏi công ty đã sang Thương Mại Số để viết phần mềm I-Web.

Ngày 23/10/2006, hai bên có buổi làm việc chính thức để giải quyết vấn đề trên cơ sở thương lượng. Công ty Thương Mại Số đã thừa nhận “sử dụng trái phép chương trình WEB++, từ đó phát triển thành I-Web để bán ra thị trường”. Ngày 24/10, ông Bùi Thế Đức, Giám đốc Công ty Thương Mại Số, đã có văn bản xin lỗi chính thức, đồng thời cam kết không tiếp tục sử dụng phần mềm I-Web có dựa trên kiến trúc của WEB++, loại bỏ những đoạn mã tranh chấp trong vòng 3 tháng và bồi thường cho Hà Nội Software 43 triệu đồng. Cá nhân Hoàng Tùng cũng gửi thư xin lỗi và cam kết sẽ sửa chữa những đoạn mã vi phạm.

Việc hoà giải giai đoạn đầu khá suôn sẻ vì Thương Mại Số đồng ý hầu hết các điều kiện do Hà Nội Software đưa ra, thậm chí chuyển ngay một phần tiền bồi thường. Tuy nhiên, một tháng sau đó, công việc không có tiến triển gì thêm. Sau nhiều lần liên lạc để tiếp tục thực hiện các điều khoản hoà giải đã thoả thuận không được, Hà Nội Software nhờ luật sư của mình tiến hành các thủ tục cần thiết khởi kiện Thương Mại Số đã vi phạm quyền tác giả, sao chép, chỉnh sửa trái phép phần mềm WEB++ vào ngày 25/12/2006.

Ăn cắp hay không ăn cắp?

Trao đổi với VnExpress, đại diện bên bị đơn giải thích việc họ ngừng tiến hành các thủ tục bởi phát hiện ra sản phẩm WEB++ của Hà Nội Software cũng được sao chép từ một phần mềm khác. Giám đốc của Thương Mại Số cho biết sau khi nhận được công văn của Hà Nội Software, ông đã chất vấn Hoàng Tùng về việc phát triển mã I-Web và nhân viên này thừa nhận “có sử dụng một số đoạn mã của WEB++”. “Nếu có lỗi, chúng tôi sẵn sàng sửa chữa và đó là lý do việc hoà giải đầu tiên diễn ra nhanh chóng”, ông Đức nói.

Sau khi thừa nhận sai phạm bằng văn bản, giám đốc và nhân viên Thương Mại Số cùng “soi” lại cả 2 sản phẩm và thấy rằng bản thân WEB++ cũng được sao chép lại từ phần mềm có tên QWeb Suite 2003 của MultiTech, công ty khởi nghiệp của cả 2 giám đốc đang ở “hai bờ chiến tuyến” vụ kiện.

Nếu phải đền bù, chúng tôi không đền bù cho Hà Nội Software vì họ cũng không phải tác giả của phần mềm WEB++, chính xác hơn đó là một tên khác của QWeb Suite”, ông Đức nói. “Mặt khác, Thương Mại Số đã được MultiTech chuyển giao quyền sử dụng tài nguyên của QWeb Suite từ 28/10/2006 và Hà Nội Software không có quyền kiện chúng tôi”.

Về phía mình, ông Bùi Quang Minh, Giám đốc công ty Hà Nội Software, khẳng định WEB++ là một sản phẩm hoàn toàn không liên quan đến QWeb Suite của MultiTech. “Chúng tôi bắt đầu xây dựng WEB++ từ tháng 6/2003, đến tháng 9 thì đưa vào kinh doanh cho đến nay. Đó là sản phẩm hoàn toàn độc lập với QWeb Suite, một phần mềm tuỳ biến từ giải pháp MultiTech mua của Microsoft từ năm 2000”, ông Minh nói.

Đại diện nguyên đơn tuyên bố đã có “những biện pháp cần thiết” để bảo vệ chứng cứ về sự độc lập của 2 phần mềm này, đồng thời “sẵn sàng nhờ đến giám định hình sự” để xác thực các tài liệu, văn bản liên quan.

Lỗ hổng trong bảo vệ tài sản IT

Sự thật phải đợi đến phán quyết cuối cùng của toà án. Dù kết quả thế nào, sự việc cho thấy việc bảo vệ tài sản mã nguồn tại các công ty phần mềm còn lỏng lẻo, dẫn đến việc nhân viên IT thoải mái sử dụng tài sản đó khi nghỉ việc. Đại diện cả hai công ty liên quan đều thừa nhận thực trạng này rất khó kiểm soát và chưa có được biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa. Việc quản lý hiện nay chỉ dựa trên những điều khoản trong hợp đồng lao động và sổ tay nhân viên.

Hoàng Tùng là cán bộ triển khai, công việc chính của anh ta là tuỳ biến sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Tuy không phải là tác giả nhưng anh ta tiếp xúc, tìm hiểu mã nguồn sản phẩm là đương nhiên. Ràng buộc trong hợp đồng lao động với công ty chỉ có hiệu lực khi còn là nhân viên, nếu đã nghỉ việc thì sao có thể kiểm soát được”, ông Bùi Quang Minh nói.

Đây là cuộc tranh chấp phần mềm thứ hai tại Việt Nam. Tháng 9/2004, Công ty Định Gia (DigiNet) khởi kiện PC Informatics đã sao chép mã phần mềm kế toán Lemon3 của họ. Vụ kiện kéo dài 1 năm và kết thúc với phần thắng của bên nguyên. Giám đốc công ty thua cuộc cũng từng là nhân viên tư vấn triển khai của DigiNet.

Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin nội bộ công ty, vụ phá hoại Chợ Điện tử cuối tháng 9/2006 cũng là một ví dụ điển hình. Thủ phạm là một nhân viên cũ của PeaceSoft, chủ sở hữu Chợ Điện tử, sau khi chiếm đoạt quyền quản trị website thương mại điện tử này liền tung cả bản sao lưu mã nguồn kèm theo những lời lẽ khiếm nhã.

Hưng Hải

Thứ Bảy, 20/01/2007 14:27
31 👨 80
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp