Thất bại những ngày đầu khởi nghiệp đã dạy tôi một bài học lớn về thiết kế giao diện người dùng

Bài viết dưới đây được Quantrimang lược dịch từ chia sẻ của Boris Veldhuijzen van Zanten, CEO kiêm sáng lập của The Next Web. Boris là một doanh nhân, ông sáng lập ra nhiều startup thành công như The Next Web, V3 Redirect Services (đã bán), HubHop Wireless Internet Provider (đã bán) và pr.co.


Trong quá khứ, tôi từng là CEO của một startup phát triển lịch sinh nhật trực tuyến, thời đó nó vẫn còn là thứ được người dùng quan tâm. Tôi cũng kiêm luôn công việc thiết kế, lập trình, bán hàng, hỗ trợ nội bộ bởi tôi là nhân viên duy nhất của công ty.

Lúc đầu, mọi thứ có vẻ đơn giản. Startup này đã nhận được một số khoản đầu tư và tôi đảm nhiệm công việc điều hành với nhiệm vụ phát triển nó một cách độc lập với công ty mẹ.

Lịch sinh nhật trực tuyến sẽ hoạt động như thế nào? Rất đơn giản, tôi mong muốn mọi người sẽ sử dụng nó, thêm sinh nhật của mọi người để tiện theo dõi. Mỗi khi ngày sinh nhật được thêm vào, email mời dùng lịch sinh nhật cũng sẽ được gửi đi. Những người được mời sẽ bắt đầu lịch của riêng họ và mời thêm những người khác. Kiểu phát triển này được gọi là mô hình Ponzi mà mọi mạng xã hội hiện tại đều đang áp dụng. Nhưng tôi có vẻ như đã đi trước thời đại khi thực hiện nó từ năm 2000 tới năm 2001.

Boris tự minh họa cho "sai lầm tuổi trẻ" của mình
Boris tự minh họa cho "sai lầm tuổi trẻ" của mình

Mục tiêu của tôi rất đơn giản, thiết kế giao diện trôi chảy nhất có thể để mỗi người dùng sẽ mời ít nhất hai người nữa. Nếu thành công, mức độ tăng trưởng sẽ theo cấp số nhân và công ty của tôi sẽ thành công.

Nhưng tôi chưa bao giờ đạt được mục tiêu mà mình đề ra. Giao diện mà tôi tạo ra vẫn chưa đủ đơn giản và hấp dẫn người dùng.

Một ngày nọ, tôi ngồi lại và xem những số liệu thống kê của công ty. Tôi nhận ra rằng người dùng thậm chí còn chẳng thêm ngày sinh nhật vào lịch. Đây là tính năng chính của dịch vụ này vì khi bạn thêm ngày sinh của ai đó, bạn sẽ phải nhập thêm tên và địa chỉ email và lời mời sẽ được gửi đi.

Tôi đã rất bối rối, không hiểu tại sao chẳng ai thêm ngày sinh nhật của bạn bè, người thân vào lịch. Chính vì thế, tôi đã quyết định tiến hành một thử nghiệm người dùng.

Tôi quan sát một nhóm người sử dụng ẩn danh (là mẹ, chị gái và bạn gái của tôi) để xem họ bị vướng ở chỗ nào. Và thật bất ngờ, tôi thấy họ bỏ qua tất cả các gợi ý và hướng dẫn giao diện (cả tinh tế và không tinh tế) mà tôi đưa vào. Suýt nữa tôi đã hét lên: "Thế quái nào mà mọi người lại không nhấp vào chỗ mà mọi người phải nhấp".

Câu trả lời mà tôi nhận được từ nhóm tester là: "Chẳng biết thêm ngày sinh nhật vào đâu".

Giờ tôi sẽ nói một chút về giao diện người dùng mà tôi tạo ra. Thực tế, nó chỉ bao gồm ứng dụng lịch với chế độ xem theo tuần. Dưới khung lịch là một nút bấm hình chữ nhật lớn với chiều rộng toàn trang. Trên nút bấm có dòng chữ viết hoa: "ADD A BIRTHDAY".

Lý do mà mọi người không thêm ngày sinh nhật là họ không nghĩ rằng chức năng thêm ngày sinh nhật được đưa vào nút bấm đó. Họ mong đợi lịch sinh nhật của tôi hoạt động như các ứng dụng lịch khác. Họ muốn nhấp vào một ngày cụ thể và ghi chú đó là ngày sinh nhật của bạn bè, người thân. Điều này giống như cách đánh dấu ngày sinh hoặc các cuộc hẹn trên tờ lịch ngoài đời vậy.

Thế nhưng đáng buồn là lịch sinh nhật của tôi lại không hoạt động theo cách đó. Vì thế cho dù tôi có chuyển màu nút bấm sang xanh, đỏ, tím, vàng hay nhấp nháy thì người dùng vẫn sẽ bỏ qua nó.

Trải nghiệm này cho tôi thấy rằng thiết kế giao diện người dùng là một công việc không hề dễ dàng. Con người luôn giả định rằng mọi thứ sẽ hoạt động theo một cách nhất định và sau đó phản ứng theo giả định đó. Nếu không tìm được một cài đặt trong menu, nơi mà họ nghĩ nó phải được đặt, thì ngay lập tức họ sẽ thấy khó chịu, mất cảm tình với ứng dụng, dịch vụ.

Vì thế, nếu bạn là nhà thiết kế giao diện - hoặc đang phải thỏa thuận với khách hàng/người dùng - hãy đảm bảo rằng bạn luôn đặt những thứ quan trọng ở đúng nơi mà người dùng mong muốn hoặc tìm kiếm.

Thứ Bảy, 18/07/2020 12:00
51 👨 242
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ