Tấn công zero-click là gì? Mức độ nguy hiểm ra sao?

Thế giới internet này càng phát triển, các hình thức tấn công mạng cũng vì thế mà tích cực biến đổi theo chiều hướng phức tạp và nguy hiểm hơn. Trong vài năm trở lại đây, zero-click đã và đang nổi nên như là một trong những phương thức tấn công mạng nguy hiêm, gây ám ảnh hàng đầu với không chỉ người dùng internet thông thường, mà cả giới bảo mật.
Vậy zero-click thực sự là gì và nguy hiểm ra sao? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Định nghĩa tấn công zero-click

Các phương thức tấn công độc hại truyền thống thường có chung kịch bản là lừa nạn nhân thực hiện một số loại hành động khác nhau để mở đường cho mã độc xâm nhập hệ thống. Trong cuộc tấn công như vậy, mở email, tải xuống tệp đính kèm hoặc nhấp vào liên kết độc hại là những hành vi phổ biến nhất sẽ cho phép phần mềm độc hại truy cập vào thiết bị của bạn.

Tuy nhiên, hình thức tấn công zero-click nguy hiểm hơn ở chỗ nó không yêu cầu bất cứ hành vi nhấp chuột hoặc tương tác nào của nạn nhân để hoạt động. Có thể nói Zero-click là một mối đe dọa thực sự với khả năng tấn công được nâng cấp lên một cấp độ mới. Đúng như tên gọi, nó không cần lừa đảo hoặc thuyết phục người dùng nhấp chuột vào bất kỳ một liên kết, tệp tin nào, nhưng phần mềm độc hại vẫn có thể xâm nhập vào thiết bị của họ một cách dễ dàng.

Trong các cuộc tấn công zero-click, hacker không cần sử dụng “kỹ thuật xã hội” hoặc các chiến thuật tâm lý khác để khiến bạn nhấp vào phần mềm độc hại của chúng. Thay vào đó, mà độc sẽ âm thầm xâm nhập vào hệ thống của bạn hoàn toàn tự động. Điều này làm cho các cuộc tấn công trở nên khó theo dõi hơn nhiều, đến mức nạn nhân hoàn toàn không biết rằng mình đang bị tấn công. Hình thức tấn công này cho phép nâng cao tỉ lệ thành công trong các hoạt động độc hại, đặc biệt là khi mọi người đang ngày càng cảnh giác hơn khi nhấp vào các liên kết hay tin nhắn đáng ngờ.

Tấn công Zero-click

Zero-click chủ yếu nhắm tới việc lạm dụng các lỗ hổng tồn tại trong hệ thống. Những lỗ hổng dạng này đôi khi được hacker giao bán trên thị trường chợ đen, hoặc các công ty sẽ treo thưởng hậu hĩnh cho những ai tìm ra chúng.

Bất kỳ hệ thống nào mà trong quy trình hoạt động yêu cầu việc phân tích dữ liệu nhận được để xác định xem dữ liệu đó có đáng tin cậy hay không, đều có nguy cơ bị tấn công zero-click. Thực tế này khiến các ứng dụng email và nhắn tin trực tuyến trở thành những mục tiêu hấp dẫn.

Thêm vào đó, mã hóa end-to-end có trong các ứng dụng như iMessage của Apple khiến rất khó để xác định liệu một cuộc tấn công zero-click có đang diễn ra hay không, vì nội dung của gói dữ liệu không gì khác ngoài người gửi và người nhận.

Những cuộc tấn công dạng này cũng không thường để lại nhiều dấu vết. Ví dụ: một cuộc tấn công email zero-click có thể sao chép toàn bộ nội dung trong hộp thư đến email của nạn nhân trước khi tự biến mất. Và ứng dụng càng phức tạp thì càng có nhiều chỗ cho việc khai thác zero-click.

Phòng chống tấn công zero-click

Thật không may, vì các cuộc tấn công zero-click rất khó phát hiện và không yêu cầu nạn nhân thực hiện bất cứ hành động nào, nên việc phòng tránh là cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, có được sự chủ động trong khâu phòng ngừa có thể giúp hạn chế phần nào rủi ro.

Hãy cập nhật thiết bị và ứng dụng của bạn thường xuyên, bao gồm cả trình duyệt web. Các bản cập nhật mới thường chứa những bản vá các lỗ hổng đã biết, tránh để tác tác nhân độc hại có cơ hội lạm dụng. Ví dụ, nhiều nạn nhân của các cuộc tấn công mã độc tống tiền WannaCry khét tiếng đáng ra có thể tránh được chúng bằng một bản cập nhật đơn giản.

Sử dụng các công cụ chống phần mềm gián điệp và phần mềm độc hại đủ tốt trên hệ thống. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thói quen sử dụng VPN khi kết nối internet ở những nơi công cộng, không đáng tin cậy.

Các nhà phát triển ứng dụng nên kiểm tra nghiêm ngặt sản phẩm của mình thường xuyên, và lập tức triển khai bản vá cho mọi lỗ hổng càng sớm càng tốt.

Chúc bạn luôn an toàn trên không gian internet!

Thứ Bảy, 13/11/2021 23:26
54 👨 2.329
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tấn công mạng