Facebook đang vướng hàng loạt bê bối về các cáo buộc liên quan đến việc công ty không thể ngăn chặn làn sóng chống thông tin sai lệch, phân biệt chủng tộc, kích động sự thù hận và nhiều tác hại do nền tảng này gây ra. Trước đó, các vấn đề về bảo vệ quyền riêng tư của người dùng của mạng xã hội lớn nhất thế giới này cũng được nhắc tới nhiều lần.
Rất nhiều người dùng chỉ trích Facebook không tôn trọng các giá trị được họ đề cao nhưng vẫn sử dụng hàng ngày và không thể dứt khỏi mạng xã hội này dù rất mong muốn làm vậy. Theo giáo sư tâm lý và khoa học hành vi ở Đại học Stanford, Anna Lembke, việc duy trì những hành động mà chính bản thân không đồng tình này là một trong những dấu hiệu của nghiện mạng xã hội.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc người dùng không thể dứt khỏi ngay cả khi liên tục bày tỏ mong muốn ngừng sử dụng Facebook là do nền tảng này đã chạm đúng nhu cầu giao tiếp xã hội và các động lực sinh học của hầu hết người dùng.
Tâm lý muốn kết nối
Facebook được thiết kế hướng tới những yếu tố thu hút con người trong quá trình tiến hóa.
Ngay từ khi chào đời, con người đã có nhu cầu kết nối với người khác. Trong quá khứ, để mở rộng quan hệ con người từng mất nhiều công sức và phải tìm những cách giao tiếp phức tạp. Nhưng khi mạng xã hội xuất hiện và phát triển đã giúp cho tiềm năng tương tác gần như không giới hạn với chỉ vài lần click chuột.
Về mặt sinh học, khi con người đọc những bài viết kích thích cảm xúc thì não bộ sẽ sản sinh ra dopamine, đây vừa là hormone vừa là chất dẫn truyền thần kinh, đóng vai trò quan trọng trong não và cơ thể. Tuy nhiên, bộ não không được thiết kế để tiếp nhận lượng dopamine khổng lồ trong thời gian ngắn nên nó buộc phải cắt giảm lượng hormone được tạo ra. Điều này khiến người dùng rơi vào trạng thái thiếu thốn dopamine. Và để thỏa mãn phải liên tục trở lại nguồn sản sinh dopamine.
Nhu cầu kiểm tra mạng xã hội liên tục
Con người có xu hướng muốn định nghĩa bản thân và tìm vị trí của mình trong trật tự xã hội. Những hoạt động liên tục trên mạng xã hội khiến người dùng muốn trở thành một phần của những gì đang diễn ra. Và điều này khiến người dùng gắn bó với nó, không thể tách ra, buộc họ liên tục truy cập.
Giờ đây, với nhiều người dùng điều họ quan tâm là sáng này facebook có gì mới không, có ai chia sẻ gì không, mình sẽ đăng gì lên facebook vào sáng này và bài đăng sẽ có bao nhiêu lượt like.
Làm thế nào cai nghiện Facebook?
Theo các nhà tâm lý học, người dùng nên dứt hoàn toàn khỏi mạng xã hội trong một tháng, thay vì giảm dần cường độ sử dụng. Trong 2 tuần đầu, người dùng sẽ cảm thấy tồi tệ nhưng đến tuần 3-4, họ sẽ ít nghĩ về Facebook hơn và bắt đầu tận hưởng các hoạt động khác.
Sau một tháng, người dùng cần xây dựng thời hạn truy cập, tắt thông báo những ứng dụng khiến người dùng mất kiểm soát như Facebook, Instagram hay Tiktok để kiểm soát cường độ sử dụng.
Lựa chọn các hoạt động khác như ra ngoài đi bộ, rửa mặt nước lạnh,… nếu sau khi hết thời hạn sử dụng mà vẫn bị cám dỗ.