Tại sao điện thoại ít được trang bị màn hình 4K?

Chất lượng phân giải 4K đang nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp TV và màn hình máy tính. Tuy nhiên ở thị trường điện thoại thông minh, 4K dường như vẫn là điều gì đó khá xa lạ. Trên thực tế, độ phân giải 4K cũng đã xuất hiện trên điện thoại thông minh từ lâu, nhưng chỉ hạn chế với một lượng rất ít sản phẩm cao cấp, chẳng hạn như các mẫu flagship nhà Sony. Vậy lý do thực sự ở đây là gì?

Điện thoại thông minh 4K đã từng xuất hiện trên thị trường

Như đã nói, điện thoại thông minh sở hữu màn hình 4K đã có mặt trên thị trường từ lâu. Sony Xperia Z5 Premium ra mắt năm 2015 là mẫu điện thoại thông minh 4K thương đầu tiên được ra mắt. Kể từ đó, tất cả các mẫu Xperia đầu bảng của Sony đều được trang bị màn hình 4K, nhưng các nhà sản xuất điện thoại khác đã không làm theo. Tuy nhiên, phát súng mở đầu của Sony đã không thể tạo ra một xu hướng mới trong ngành, Không có bất cứ nhà sản xuất smartphone lớn nào sử dụng màn hình 4K trên thiết bị của mình. Thay vào đó, 2K dường như là con số tối đa.

Công bằng mà nói thì 4K là một con số có kỹ nghĩa về mặt tiếp thị, và trong thời đại chạy đua cấu hình, đáng ra đây phải là khía cạnh dành được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn trái ngược vì những sự đánh đổi quá lớn khi trang bị màn hình 4K trên một chiếc điện thoại nhỏ.

Điện thoại thông minh 4K

4K không có quá nhiều ý nghĩa về mặt trải nghiệm thực tế

Apple từ lâu đã nhận ra rằng trong một thiết bị như điện thoại thông minh, số lượng pixel bất kỳ không có quá nhiều ý nghĩa đối với người dùng. Thay vào đó, họ đã đưa ra một thuật ngữ mới được gọi là "Retina". Đây là ngưỡng mật độ pixel vượt quá mức mà người dùng có thể nhìn thấy từng pixel riêng lẻ của màn hình bằng mắt thường ở khoảng cách xem bình thường.

Ở vị trí tương tác cách màn hình 25-35cm thường thấy, rất khó (nếu không muốn nói là không thể) để mắt người nhận ra sự khác biệt về mật độ điểm ảnh giữa 4K và các mức phân giải thấp hơn trên một tấm nền có kích thước khoảng 6,5 inch (phổ biến ở smartphone hiện nay). Như vậy, việc trang bị tấm nền 4K thực sự không có quá nhiều ý nghĩa về mặt trải nghiệm thực tế.

4K tiêu tốn cực nhiều điện năng

Không giống như TV hoặc màn hình máy tính sử dụng nguồn điện trực tiếp, màn hình điện thoại thông minh phải có cách tiếp cận chặt chẽ để quản lý năng lượng, tránh việc tiêu thụ quá nhiều pin. Trên thực tế, màn hình thường là thành phần ngốn nhiều điện năng nhất trên một chiếc điện thoại. Độ phân giải lớn hơn đồng nghĩa với mật độ điểm ảnh dày hơn. Khi đó, sẽ cần nhiều năng lượng hơn để kết xuất và chiếu sáng số lượng lớn các pixel.

Ngay cả những mẫu điện thoại cao cấp với màn hình 1440p (2K) cũng thường được đặt mặc định ở độ phân giải hiển thị thấp hơn để cân bằng giữa thời lượng pin và chất lượng hình ảnh. Màn hình chạy ở độ phân giải 4K sẽ ngốn nhiều điện hơn đáng kể so với các mức phân giải thấp hơn ở cùng kích thước. Người dùng điện thoại thông minh trong trường hợp này nên đặt ưu tiên cao hơn vào thời lượng pin hay vì độ phân giải quá cao mà chính mình cũng không thực sự cảm nhận rõ sự khác biệt.

4K tiêu tốn cực nhiều điện năng

Phần cứng di động chưa thực sự sẵn sàng

Kết xuất đồ họa ở độ phân giải 4K không phải là một công việc tầm thường ngay cả đối với các thiết bị chuyên chơi game và PC gaming cấu hình cao. Công nghệ CPU và GPU trong điện thoại thông minh ngày nay thực sự rất mạnh mẽ, nhưng 4K đòi hỏi số lượng pixel hiển thị nhiều gấp bốn lần so với Full HD. Ngoại trừ nội dung video và nội dung 2D như trang web hoặc ảnh, hầu hết nội dung sẽ được “scale up” từ độ phân giải thấp hơn 4K.

Ngay cả khi nội dung 4K gốc được hiển thị trên màn hình 4K của điện thoại, nội dung đó cũng sẽ trông giống như 1080p hoặc 1440p ở khoảng cách xem bình thường. Việc ghép nối phần cứng di động hiện tại với màn hình 4K không có nhiều ý nghĩa khi cung cấp lượng sức mạnh xử lý tương đối hạn chế.

4K gây lãng phí

Màn hình 4K, đặc biệt khi được sản xuất với kích thước nhỏ sử dụng trong điện thoại thông minh, có giá không hề rẻ. Chi phí cho màn hình 4K sẽ dẫn đến một chiếc điện thoại đắt đỏ, hoặc người dùng phải chấp nhận hy sinh ở một vài khía cạnh khác để có mức giá dễ chịu hơn.

Vì màn hình 4K trên điện thoại thông minh mang lại rất ít lợi ích hữu hình cho người dùng, nên sẽ hợp lý hơn nếu sử dụng phần ngân sách đó để năng cấp những thành phần khác có thể dẫn đến những thay đổi rõ rệt trong trải nghiệm thực tế và sử dụng hàng ngày.

Trên đây là những lý do khiến màn hình 4K không thể trở nên phổ biến trên smartphone. Bạn có suy nghĩ thế nào về điều này? Hãy để lại ý kiến bình luận nhé!

Thứ Hai, 28/02/2022 08:15
53 👨 1.186
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ