Apple gọi đó là “Private Browsing”, Microsoft gọi đó là “InPrivate”, Google gọi đó là “Incognito”. Nhưng sự thực những chức năng này có đáng tin như họ quảng cáo?
Những ngày vừa qua, người dùng Internet đã được nghe khá nhiều về chuyện “lướt web ẩn danh” khi Google tung ra trình duyệt Chrome và sau đó Microsoft cũng lên tiếng khẳng định IE8 sắp ra của họ còn có khả năng bảo mật cao hơn. Có thể nói đã đến thời chức năng “xóa dấu vết” khi lướt web đã trở thành một thứ không thể thiếu trong các trình duyệt.
Có một số ý kiến cho rằng họ không làm điều gì xấu trên Internet (ghé thăm các trang web “đen” chẳng hạn) thì họ không cần phải “ẩn danh”. Nhưng thực tế, người dùng Internet bị ảnh hưởng rất nhiều nếu họ vẫn lướt web như thông thường. Đơn giản và dễ thấy nhất là sau một thời gian không hiểu vì sao hộp thư điện tử của họ sẽ đầy ắp những lá thư quảng cáo, spam mail (thư rác), những thông tin cá nhân của họ mặc dù chẳng tiết lộ cho ai cũng nằm “tơ hơ” trên web… hay thậm chí còn tồi tệ hơn khi chiếc máy tính của họ trở thành nạn nhân của những đoạn mã độc, virus hoặc mất quyền kiểm soát và trở thành công cụ tấn công người khác của những hacker.
Hồi tháng 7 vừa qua, Ủy ban về Thương mại của Thượng viện Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra các ISP lớn của họ và kết quả là có đến 6 ISP đã thừa nhận theo dõi khách hàng để phục vụ cho những chiến dịch quảng cáo của họ. Vậy trên thực tế, các trình duyệt đã làm gì?
Luôn có rất nhiều con mắt theo dõi mỗi khi chúng ta lướt web |
Chrome của Google đã tỏ ra tiến bộ hơn rất nhiều. Khi người dùng mở một cửa sổ thông qua chức năng “Incognito”, tất cả các hoạt động ghi lại lịch sử trình duyệt (Browser History) sẽ được vô hiệu hóa, những thông tin người dùng nhập vào trang web (từ khóa tìm kiếm, địa chỉ email, tên, tuổi…) và cookie sẽ được chuyển sang lưu lại tại một thư mục tạm do Chrome tạo ra. Sau khi cửa sổ này được đóng lại, thư mục tạm kia sẽ ngay lập tức được xóa đi. Tuy vậy, chính Sundar Pichai một kỹ sư của Google đã từng tham gia xây dựng Chrome cũng lên tiếng thừa nhận, trình duyệt này chỉ giúp người dùng tránh cookie chứ không đảm bảo họ có thể tránh được sự theo dõi của các hãng quảng cáo hay không. Thông qua việc theo dõi địa chỉ IP, theo dõi việc máy tính của họ có tải về các đoạn flash (các đoạn quảng cáo) hay không, các hãng quảng cáo vẫn có thể biết được khá nhiều thông tin về người dùng.
Vấn đề này có vẻ như đã được giải quyết trong IE 8 của hãng Microsoft. Trình duyệt mới này có 2 chức năng chính: InPrivate Browsing và InPrivate Blocking. InPrivate Browsing giúp xóa sạch những thông tin về quá trình lướt web của người dùng còn InPrivate Blocking giúp họ chống lại việc thu thập thông tin cũng như định danh người dùng. Nói một cách khác InPrivate Blocking ngăn chặn tất cả các ứng dụng của “bên thứ 3” tải về, hoạt động trên máy tính của khách hàng.
Hãy xóa sạch dấu vết sau khi lướt web |
Giải pháp được cho là hoàn hảo nhất hiện nay là trình duyệt Firefox của hãng Mozilla. Mặc dù bản thân trình duyệt này không hề có những tính năng như trên nhưng Mozilla đã để ngỏ cho các nhà phát triển phần mềm khác xây dựng những add-on (ứng dụng nhỏ chạy kèm). Nhờ có những add-on này mà Firefox có thể gom tất cả những ưu điểm của các trình duyệt khác về chạy trên đó. Ví dụ add-on “Distrust” hoạt động giống như Private Browsing của Safari, “Adblock Plus” ngăn chặn đến 99% quảng cáo và cookie của các hãng quảng cáo hay “CookieSafe” hoạt động giống hệt InPrivate Blocking mà Microsoft đang quảng cáo rầm rộ…