Sự kiện nổi bật của làng máy ảnh 2010

Những đổi mới xung quanh hệ thống gương hay trào lưu thời thượng 3D là những sự kiện đáng chú ý của công nghệ nhiếp ảnh năm 2010.

Dưới đây là 5 sự kiện được đánh giá là nổi bật trong công nghệ nhiếp ảnh năm 2010.

Ra ngõ gặp 3D


Fujifilm FinePix Real 3D W3 hỗ trợ xem ảnh 3D ngay trên màn hình. Ảnh: Christmasgifts.

Không chỉ có màn hình rộn rã với khúc nhạc 3D, các hãng máy ảnh cũng đã kịp đưa công nghệ chụp ảnh 3 chiều gần với đại chúng hơn. Sau phiên bản đột phá thị trường FinePix Real 3D W1 năm ngoái vốn ban đầu chỉ như bản thử nghiệm, năm nay, Fujifilm tiếp tục tung ra bản Real 3D W3 hồi tháng 8 với một số cải tiến hơn như hỗ trợ xem hình ảnh 3D ngay trên màn hình hay xem phim HD 3 chiều trên các màn hình hỗ trợ.

Panasonic cũng nhanh chóng bắt kịp trào lưu khi tung ra phiên bản máy quay 3D chuyên nghiệp HTC-SD750 với khả năng quay phim Full HD 1080/50p. Không chỉ có vậy, dựa trên công nghệ hai ống kính tích hợp của mình, hãng đã phát triển riêng một ống kính 3D mới Lumix G 12,5mm F/12 cho thế hệ máy ảnh thay ống kính Micro Four Thirds mà đại diện là các phiên bản dòng GH GF.

Không tiếp cận theo hướng hai ống kính như Fujifilm hay Panasonic, Sony cũng chẳng thua kém khi phát triển tính năng mới 3D Panorama dựa trên xử lý phần mềm. Với công nghệ này, các máy ảnh như DSC-T99 hay TX9 chỉ cần một ống kính cũng có thể cho ra những tấm ảnh 3D nhờ giải thuật nội suy của bộ xử lý hình ảnh. Tính năng này đang được hãng tích cực phát triển trên những phiên bản mới, đồng thời được cập nhật thông qua firmware cho các bản không gương lật dòng NEX. Kiên trì với công nghệ một ống kính, Sony cũng đang quyết ăn thua với Panasonic trên phân khúc máy quay chuyên nghiệp với phiên bản mới cho phép tạo hình 3D dựa trên công nghệ sử dụng gương, theo đó, ánh sáng đi vào ống kính có thể được tách thành hai hình ảnh trái và phải một cách đồng thời. Theo hãng, do không hề có sự khác biệt về thời gian bắt hình giữa hình ảnh trái và phải, công nghệ này sẽ cho ra hình ảnh 3D thật và mượt mà hơn.

Ngắm chẳng cần gương.


Dòng NX không gương lật của Samsung. Ảnh: Photoworldmanila.

Máy ảnh không gương lật đã không dừng lại với sản phẩm của Panasonic và Olympus với định dạng riêng Micro Four Thirds. Ngay từ đầu năm nay, Samsung, một hãng mới nhảy vào thị trường máy ảnh số với nhiều ý tưởng thiết kế độc đáo đã chính thức tham gia phân khúc này với phiên bản NX10. Không dùng cảm biến nhỏ như hệ thống Micro Four Thirds, các máy của Samsung sử dụng cảm biến lớn APS-C tương tự như trên DSLR nhằm xóa bỏ mọi nghi ngờ về chất lượng ảnh của công nghệ này. Rồi đều đều cứ vài tháng một lần, họ lại thêm thông tin về các máy cùng dòng "bốn phần ba" siêu nhỏ, NX5 NX100, khẳng định mục tiêu theo đuổi rõ ràng công nghệ này chứ không chỉ "làm cho vui".

Động thái này cũng khiến Sony vốn vẫn nổi tiếng là ít khi chịu kém miếng ai trong mọi lĩnh vực cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chỉ vài tháng sau bản không gương lật đầu tiên của Samsung, Sony liền lúc giới thiệu 2 sản phẩm của riêng mình, NEX-3 NEX-5 cũng với cảm biến APS-C cỡ lớn. Nhờ ra sau nên Sony đã kịp trang bị cho hai phiên bản không gương lật đầu lòng của mình đầy đủ những công nghệ mới nhất, đồng thời còn phát triển riêng một dòng ống kính ngàm E mới cho chúng để khẳng định cam kết phát triển lâu dài. Để tăng thêm sức thuyết phục, Sony tiếp tục tung ra thế hệ máy quay NEX-VG10E mới có thể dùng chung các ống kính ngàm E, hứa hẹn công nghệ không gương lật sẽ trở thành một dòng sản phẩm chính thống của mình.

Fujifilm, đối thủ đáng gờm trong làng máy ảnh, nổi tiếng với những công nghệ bất ngờ, cũng nhảy vào cuộc với phiên bản hoài cổ FinePix X100. Học hỏi và tiếp thu đầy đủ từ những lời nhận xét của các phiên bản đối thủ đi trước, X100 vừa ra mắt đã khiến giới nhiếp ảnh xôn xao bởi vẻ đẹp thiết kế không chê vào đâu được, cũng dùng cảm biến lớn APS-C, đồng thời nổi bật hơn nữa nhờ thêm ống ngắm quang mà các đối thủ đều thiếu vắng.

Đến nước này, đại gia trong làng nhiếp ảnh, Nikon, không thể không ra mặt với tiết lộ về một phiên bản không gương lật cũng đang được phát triển sẽ sớm ra mắt trong nay mai. Chỉ còn Canon là vẫn còn úp mở về khả năng phát triển dòng máy đang là mốt. Như vậy, với sự quan tâm của gần như là đầy đủ các tên tuổi từ lớn đến nhỡ như Nikon, Canon, Sony, Panasonic, Fujifilm, Olympus, Samsung, công nghệ máy ảnh không gương lật bất ngờ trở thành một trào lưu mới với một tương lai đầy hứa hẹn.


Vừa phản, vừa xuyên.


Sony Alpha A33 sử dụng hệ thống gương trong vừa cho phép ánh sáng phản chiếu hình ảnh lên khung ngắm quang để tận dụng cơ chế lấy nét pha chính xác của DSLR, vừa cho phép ánh sáng xuyên qua gương vào cảm biến để hiển thị hình ảnh sống LiveView. Ảnh: Photoshootguru.

Năm 2010 còn đánh dấu một mốc khá quan trọng khi lần đầu tiên Sony công bố phát triển hệ thống DSLR gương trong bằng hai phiên bản A55 A33. Kết cấu y hệt như DSLR, nhưng thay vì sử dụng hệ thống gương phản chiếu toàn phần, Sony phát triển một hệ thống gương trong vừa cho phép ánh sáng phản chiếu hình ảnh lên khung ngắm quang để tận dụng cơ chế lấy nét pha chính xác của DSLR, vừa cho phép ánh sáng xuyên qua gương vào cảm biến để hiển thị hình ảnh sống LiveView.

Bên cạnh đó, do không mất thời gian lật gương, tốc độ chụp liên tiếp của hệ thống này nhanh một cách ngạc nhiên, tới 10 khung hình/giây với độ phân giải lớn nhất, không hề thua kém nếu không muốn nói là còn hơn những máy DSLR cao cấp trong khi giá thành lại rẻ hơn nhiều. Với hệ thống gương mới, Sony cho biết các máy DSLR sẽ được nâng lên một tầm cao khác, xóa nhòa dần ranh giới những công nghệ vốn từ lâu chia rẽ hai phân khúc ống kính liền và ống kính rời. Các máy đi theo công nghệ của Sony vì thế được đặt một tên mới SLT (Single Lens Translucent - gương trong ống kính đơn), một chi họ độc đáo của SLR truyền thống (Single Lens Reflex - phản chiếu ống kính đơn).

Rộng, rộng nữa, rộng mãi.


Panasonic LX5 độ mở f/2.0. Ảnh: Photoradar.

Góc rộng, độ mở lớn đối với những ống kính giá rẻ cho DSLR đã khó, tiêu chí này còn khó bội phần đối với những ống kính cỡ "mini" như của các dòng máy du lịch. Nếu như năm ngoái những máy ảnh ống kính xuống đến 28mm đã được trầm trồ là góc rộng thì năm 2010 đánh dấu sự nở rộ của công nghệ quang học khi mà ngày càng nhiều các phiên bản mới ra mắt đều có ống rộng tới 24mm. Từ những phiên bản du lịch bình dân gọn nhẹ đến những phiên bản siêu zoom tưởng chừng phải hy sinh góc rộng do dải quá dài như Canon SX30 IS (35x) hay Fujifilm HS10 (30x) cũng đều được trang bị.

Độ mở cũng ngày một cải thiện, từ thấp nhất chỉ f/2.8, dần xuống tới f/2.4, sau đó họ LX của Panasonic làm mưa làm gió với độ mở f/2.0, phá vỡ thế độc quyền độ mở này của "siêu máy" Leica, đến nay Samsung đã trở thành nhà vô địch với phiên bản EX1 với góc 24mm đã có độ mở tới f/1.8, đủ sức chụp trong hầu như mọi điều kiện sáng.

"Siêu thẻ" trên đường đua tốc độ.


Thẻ Kingston Ultimate 600x. Ảnh: Studiolighting.

Hưởng ứng chuẩn giao diện mới UHS-I của tổ chức thẻ SD với khả năng hỗ trợ tốc độ tối đa lên tới 104MB một giây, cả Toshiba và Panasonic đã tung ra thế hệ thẻ SDHC tốc độ cao mới, trong đó, các thẻ của Toshiba được hãng ra mắt thị trường hồi tháng 9 năm nay có tốc độ đọc tới 95MB/giây và ghi với tốc độ 80MB/giây, cao hơn so với tối đa 60MB/giây của Panasonic và đạt đẳng cấp tốc độ nhanh nhất trên thị trường hiện nay.

Bản thân chuẩn Class 10 vốn đã quá đủ cho các thế hệ máy quay HD dân dụng cũng chỉ đặt yêu cầu phải đạt tối thiểu 10MB/giây đọc và ghi. Sandisk, một đại gia trong làng thẻ nhớ với sản phẩm đình đám nhất dòng Extreme hiện cũng mới vươn tới tốc độ ổn định đọc, ghi 30MB/giây (200x) và mới bị phá vỡ gần đây bởi Pretec với phiên bản Class 16 Pro tốc độ 233x (đạt 35MB/giây). Sony vốn bảo thủ với dòng Memory Stick của mình nay cũng đã nhảy vào thị trường sản xuất thẻ SD phục vụ cho các phiên bản du lịch, trong đó đáng kể tới là loạt sản phẩm Class 10 ra mắt thị trường quý 4 năm nay.

Định dạng Compact Flash vốn dành cho các dòng DSLR cũng không chịu thua kém với những nỗ lực từ Kingston khi hãng này tung ra dòng Ultimate 600x mới với tốc độ đọc ghi lên tới 90MB một giây, trở thành một trong những thẻ CF có tốc độ nhanh nhất trên thị trường hiện nay.

Với lợi thế kích thước lớn nên dễ phát triển, gần đây cả 3 đại gia là Sony, Nikon và Sandisk vừa tuyên bố hợp tác phát triển đặc tả mới cho thẻ CF với khả năng hỗ trợ băng thông khủng tới 500MB/giây (sử dụng giao diện PCI Express) so với tối đa 167MB/giây (với giao diện dựa trên PATA) hiện nay. Đặc tả mới không chỉ tăng tốc cho thẻ CF mà còn giúp thẻ này tiếp tục cuộc cạnh tranh với SD nhờ cũng đã hỗ trợ dung lượng tới 2TB, cải thiện mức độ tiêu thụ điện năng và tăng cường độ bền vật lý cho thẻ.

Thứ Bảy, 01/01/2011 21:15
31 👨 544
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp