Việc chuỗi bán lẻ Best Buy bắt đầu bán HTC Flyer với giá chỉ 6 triệu đồng cho thấy tablet này đang không tránh khỏi số phận hẩm hiu như HP TouchPad và RIM BlackBerry PlayBook.
Trang Electronista cho hay, từ 1/10, máy tính bảng HTC 7 inch sẽ có giá 300 USD, giảm tới 200 USD so với giá gốc. Quyết định này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Amazon Kindle Fire trình làng.
Tuần trước, một loạt đại lý ở Mỹ như Best Buy, Staples, Office Depot cũng hạ giá gần một nửa cho BlackBerry PlayBook. TouchPad thậm chí chỉ có 100-150 USD nhưng người sử dụng rất khó có cơ hội mua vì số lượng có hạn do HP đã ngừng sản xuất thiết bị này.
HTC Flyer là tablet mới nhất bị giảm giá mạnh. Ảnh: BI.
Giới công nghệ nhận định 2011 tiếp tục là năm của máy tính bảng. Các tên tuổi lớn trong ngành máy tính đều đã tham gia nhưng họ bắt đầu cảm thấy thị trường được coi là "tương lai của điện toán" này lại quá khốc liệt. Người ta nhìn vào tốc độ tăng trưởng đáng nể của tablet để thấy nó đầy tiềm năng và hứa hẹn, nhưng thực ra, nó dường như là lãnh địa riêng của Apple khi họ bán được gần 29 triệu iPad từ tháng 4/2010 và 9 triệu máy nếu tính riêng trong quý II vừa qua.
Còn lại, hầu hết sản phẩm khác đều có doanh số èo uột và liên tục phải giảm giá. Trong khi Galaxy Tab có vẻ khả quan nhất thì Samsung lại ngập chìm trong các vụ kiện không biết đến bao giờ mới kết thúc với Apple và dòng tablet này có thể sẽ bị cấm bán ở một số thị trường trên thế giới. Sony Tablet S và P được khen ngợi về chất lượng và không tạo cảm giác sao chép nhưng lại đang khiến người tiêu dùng e ngại do giá cao so với mặt bằng chung (500-700 USD).
Giới quan sát không nhìn thấy một cuộc cạnh tranh thực sự trong lĩnh vực máy tính bảng. Tuy nhiên, không phải các hãng bị Apple "vùi dập" mà là bản thân họ chưa thể tự cho ra đời một sản phẩm hoàn thiện mà chính họ cũng thực sự hài lòng còn người sử dụng không còn cảm giác "vẫn còn thiếu thiếu cái gì đó".
Trong khi đó, Jeff Bezos, CEO của Amazon, lý giải: "Lý do họ không thành công là vì họ tạo ra tablet. Họ không tạo ra dịch vụ". Amazon đi theo hướng ngược lại, phần cứng không phải lĩnh vực kinh doanh trọng tâm của họ. Nếu các hãng khác sản xuất tablet, sau đó mới xây dựng nội dung cho tablet đó, thì Amazon lại kinh doanh nội dung số và tung ra Kindle Fire như là một phương tiện, một mắt xích để thúc đẩy sức tiêu thụ nội dung.
Kindle Fire phản ánh xu hướng phần cứng phải đi đôi với dịch vụ trong ngành công nghệ. Ảnh: Device.
Kindle Fire là một máy tính bảng 7 inch, nhưng Bezos dùng một từ khác dành cho nó: "Tôi không nghĩ nó là tablet. Tôi nghĩ nó là một dịch vụ. Tất nhiên, một phần của Fire là phần cứng, nhưng thực tế, nó là phần mềm, là nội dung, là sự tích hợp xuyên suốt".
Những gì Amazon đang làm không phải điều thần kỳ. Họ đã nhận ra chân lý đó từ năm 2006 khi cho ra đời sách điện tử Kindle nhằm thúc đẩy doanh thu từ e-book. Lối tư duy này cũng được phản ánh qua sự thành công của Apple, Salesforce, trong khi các công ty truyền thống, đơn thuần bán phần cứng, đang phải vật lộn để tồn tại.