Nhu cầu sử dụng VPN ở Nga tăng 2088% sau khi cấm Facebook và Instagram

Mạng xã hội đã và đang trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu mỗi ngày của hàng tỉ người trên toàn thế giới. Và nếu bạn muốn biết điều gì sẽ xảy ra khi các trang mạng xã hội lớn đột ngột bị chặn truy cập, hãy nhìn vào hình huống hiện tại ở nước Nga.

Nga hiện đã chặn truy cập Facebook và Instagram trên toàn bộ lãnh thổ như một biện pháp trả đũa các nền tảng truyền thông xã hội lớn sau hàng loạt chính sách “thù địch” và “phát tán tin giả” được cho là nhắm vào quốc gia này, nhằm thể hiện lập trường đối lập trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhà chức trách Nga chặn quyền truy cập vào hai nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, quốc gia này cũng đã lập tức ghi nhận nhu cầu sử dụng tăng vọt liên quan các ứng dụng VPN, vốn là công cụ để vượt qua các hạn chế truy cập theo khu vực trên Internet.

Theo công ty giám sát dữ liệu Top10VPN, nhu cầu về Mạng riêng ảo (Virtual Private Network - VPN) ở nga đã tăng cao hơn khoảng 2088% tính đến ngày 13 tháng 3, so với nhu cầu trung bình theo ngày vào giữa tháng hai - thời điểm trước khi Facebook và Instagram bị chặn truy cập tại quốc gia này. Trước đó, nhu cầu về VPN cũng đã có xu hướng tăng lên trong khu vực khi các trang web Nga và Ukraine trở thành nạn nhân tấn công mạng dồn dập.

Nhu cầu về Mạng riêng ảo (Virtual Private Network - VPN) ở nga đã tăng cao hơn khoảng 2088%

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì khi ngày càng có nhiều trang web bị hạn chế ở Nga. Cũng theo dữ liệu thống kê từ Top10VPN, hiện có khoảng 300 website nước ngoài bị chặn truy cập ở Nga, trong đó bao gồm 203 trang tin tức và 97 trang web ngoại hối và tiền điện tử.

Ở chiều hướng đối diện, cơ quan quản lý truyền thông nhà nước Nga (Roskomnadzor) đã ra lệnh cấm một số công cụ VPN phổ biến, nhưng việc chặn hoàn toàn về cơ bản là bất khả thi. Có thể nói tự do internet và kiểm soát luồng thông tin cũng đang là một “mặt trận” đấu tranh căng thẳng ở Nga.

Thứ Ba, 15/03/2022 14:30
52 👨 1.241
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ