Sony T900 mỏng mảnh

Chiếc máy ảnh này siêu mỏng và gần như là không có trọng lượng, nó kế thừa những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu của Sony T700 và T77 trước đó.

T900 có vỏ nhôm nhiều màu. Ảnh: Letsgodigital.


T900 có vỏ nhôm láng bóng mượt mà với đủ màu, đỏ son môi, màu đồng trang trọng, màu bạc phô trương hoặc đen bí ẩn. Miếng trượt khởi động ở mặt trước khá thú vị, làm lộ ra ống kính, loa stereo và đèn flash. Sony đồng thời cũng gắn nút zoom cạnh nút chụp – thay đổi so với thiết kế cũ.

T900 là một trong những chiếc compact mỏng nhất và gần như không có trọng lượng. Chỉ có đúng 2 nút ở mặt trên máy ảnh, còn lại nằm trong giao diện màn hình. Phải gắn máy vào chân đế thì mới kết nối được cổng USB và đó là nhược điểm khá lớn khi đi công tác hay du lịch. Đương nhiên, thời trang thì có giá của nó. Hầu hết người dùng không nhận ra rằng T900 đã tối thiểu hóa các nút bấm ngoài cũng như kết nối để tất đều dành cho dáng vẻ bề ngoài mà thôi.

Máy có màn hình 3,5 inch cảm ứng. Ảnh: Techlivez.


Sony vẫn dẫn đầu thị trường hiện nay về kích thước màn hình 3,5 inch LCD nhưng chất lượng vẫn chẳng có gì thay đổi. Nhiễu rải rác, các đường viền bị răng cưa và bị nhiễu dải sóng (moiré patterns). Nếu Sony đầu tư hơn nữa vào màn hình thì có lẽ tốt hơn, bởi dù gì màn hình cảm ứng cũng chiếm phần lớn tài nguyên của máy và cũng là lý do mà nó vẫy vùng trên thị trường. Chiếc bút bán kèm để chấm trên màn hình cũng đỡ phần nào, nhưng nhiều khi phải ấn nhiều lần mới điều chỉnh được.

Hệ thống menu cũng không có gì thay đổi so với năm trước, bởi nó vẫn hoạt động tốt ở các model T700 và T77. Cũng dễ điều chỉnh các tùy chọn khi đã quen máy, tuy nhiên, hệ thống menu trục tung - trục hoành kiểu Canon có lẽ là dễ định vị nhất hiện nay. Bảng điều khiển của T900 cũng khá thuận tiện và không gặp vấn đề gì khi chỉnh các chế độ và tùy chọn. Vòng xoay chuyển chế độ quay chụp hơi khó chịu bởi nó không về lại thiết lập ban đầu nên đôi khi định bấm chụp lại hóa ra quay phim.

Chế độ xem lại không hẳn là ưu việt nhất so với các dòng compact khác mặc dù cũng có một vài ưu điểm. Coi hình dọc máy trên màn hình 3,5 inch thật tuyệt vời, cứ như một khung ảnh điện tử thu nhỏ. Có thể xem được những biểu tượng nhỏ xíu ở trong lịch và các hình thumbnail nhỏ trong danh sách cuốn. Phóng to thu nhỏ khá nhanh, tuy nhiên, ở lĩnh vực này thì Canon vẫn nhỉnh hơn một chút.

Sony T900 thích hợp hơn với các chế độ tự động. Ảnh: Photokina.


Sony T900 là một cỗ máy tự động, và có lẽ là nên để nó tự động thì hơn. Chế độ thiết lập phơi sáng tự động (Program AE) không hơn gì các đối thủ cùng loại và đáng tiếc là chiếc máy ảnh này không thể cho ảnh chất lượng cao với chế độ mặc định của máy. Vậy nhưng vẫn có thể chỉnh một chút ISO, cân bằng trắng và phơi sáng để có được hình ảnh tương đối ổn. Trong bối cảnh chuẩn, chức năng tự động lấy nét hoạt động trơn chu, và chế độ tự động cân bằng trắng hoạt động chính xác trong phần lớn trường hợp. Sony có vẻ nghiêng về tông lạnh nhưng hầu hết hình ảnh đều thể hiện màu nhiệt một cách khá ấn tượng. Thiết lập ISO thấp nhất là cần thiết để đạt được chất lượng hình cao nhất, cho dù cũng chẳng thật sự cao lắm ở model này, nếu để ở tự động thì sẽ rất nhiễu ở bối cảnh ánh sáng yếu.

Sony cũng đã tích hợp quay phim độ phân giải cao 720p 30 khung hình mỗi giây để phù hợp xu thế trong năm 2009 và dĩ nhiên chất lượng cũng không tệ lắm. Phim quay trong nhà ít bị nhiễu, tuy nhiên, màu sắc có vẻ hơi bẹt. Trong điều kiện ánh sáng mạnh, chất lượng phim bị suy giảm do phần quá sáng bị cháy và nhợt màu. Phim quay khi thiếu sáng khá ấn tượng bởi khả năng duy trì phơi sáng mà vẫn xử lý nhiễu tốt. Cho dù khả năng quay video độ phân giải cao cũng khá ấn tượng nhưng Canon PowerShot mới là đỉnh nhất.

Tính năng hay nhất có lẽ là Dynamic Range Optimizer (tối ưu hóa dãy tương phản) giúp giảm phần cháy sáng và tăng chi tiết khu vực tối để có một độ phơi sáng tương đối trung tính. Ngoài ra, T900 cũng có một vài tính năng thân thiện người dùng, như nhận diện khuôn mặt, chụp khi thấy nụ cười, phát hiện nháy mắt và chống rung kép. Chế độ xem lại còn tích hợp cả nhạc, thêm khung hình và chữ khi trình chiếu. Những người mới sử dụng và không ưa "vọc" công nghệ chắc hẳn sẽ thích Cyber-shot DSC-T900.

Chất lượng hình của Sony T900 chưa tốt như mong đợi. Ảnh: iTechnews.


Năm 2009 này, Sony đã tích hợp cảm biến 12 megapixel 1/2,3-inch CCD với bộ vi xử lý BIONZ, tuy nhiên hiệu quả nâng cao chất lượng ảnh thì lại không thấy rõ.

Tầm zoom quang 4x cũng là khá ấn tượng với kích thước máy nhỏ gọn như vậy, tuy nhiên, chống rung quang có vẻ chập chờn. Thời gian từ khi khởi động tới khi chụp được tấm hình đầu tiên là khoảng 2 giây.

Hình ảnh và phim được lưu vào thẻ Memory Stick PRO Duo, pin đương nhiên là Lithium Ion. Tuy nhiên, film ở dạng MPEG4 tiêu tốn khá nhiều bộ nhớ. Video clip dài một phút ngốn khoảng 100 MB, vì vậy, nên mua thẻ dung lượng cao nếu muốn quay nhiều phim HD.

Rất tiếc là Sony Cyber-shot DSC-T900 lại cho hình ảnh với chất lượng dưới trung bình. Tin bão được báo trước với cả loạt nhược điểm nhiễu, viền tím, màu lợt và trượt nét nhẹ. Kiểu dáng nhỏ xíu của Cyber-shot DSC-T900 là nguyên nhân làm cho việc lấy nét thiếu chính xác và càng nhìn hình ảnh thì càng ngỡ ngàng. Ảnh thậm chí còn tệ hơn tiền bối T700. T900 khá "chật vật" trong các bối cảnh thiếu sáng và phải bật đèn flash trong hầu hết các trường hợp. Về ưu điểm, chế độ điều chỉnh dãy tương phản trong máy khá thành công, nhưng tựu chung, chiếc máy ảnh thời trang này chẳng có gì đặc biệt cả.

Sony Cyber-shot T900 hàng xách tay có giá từ 5 đến 6 triệu đồng.

Thứ Ba, 19/05/2009 08:37
31 👨 420
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp