Nhằm tái sử dụng linh kiện, Apple sử dụng những con robot triệu USD để phân rã iPhone. Còn ở những khu chợ đồ cũ ở các vùng nông thôn hay ngoại ô những thành phố lớn ở Trung Quốc, những người thợ thủ công thực hiện công việc đó bằng tay với độ chi tiết và tỉ mỉ không hề thua kém.
Tại khu chợ đồ cũ, không chỉ riêng điện thoại mà mọi thứ đều có thể tân trang hay phân rã thành các thành phần nhỏ để tái sử dụng. Hãy cùng xem cách những người thợ thủ công xử lý đồ điện tử cũ như thế nào nhé.
Bộ phận đầu tiên bị lấy đi để tái chế là vỏ nhựa. Đây là công việc đơn giản, chi phí nhân công thấp nên dù tốn thời gian và công sức thì việc này vẫn mang lại lợi nhuận, dù nhỏ bé.
Tiếp theo là bảng mạch. Bộ phận này sẽ được đưa tới khu vực phân tách. Sau khi làm tan các mối hàn ở các thành phần gắn trên bề mặt bảng mạch bằng một khẩu súng bắn nhiệt, người ta dùng nhíp để gắp lấy các bộ phận và sắp xếp chúng.
Hầu hết các linh kiện điện tử đều có thể tái sử dụng trong 3-5 năm nữa nên chúng thường được bán cho các công ty nằm dưới đáy của chuỗi công nghiệp tái chế.
Để kiểm soát chất lượng của các bộ phận linh kiện điện tử và đảm bảo mỗi bộ phận nhỏ đều còn hoạt động tốt, đầu tiên những người bán hàng sẽ kiểm tra chúng bằng mắt để xem có bị cong vẹo hay sứt mẻ gì rõ ràng không. Sau đó, họ dùng các thiết bị chuyên dụng để kiểm tra và thử nghiệm. Tất nhiên, những thiết bị này khá thô sơ, không thể so được với các nhà máy hay trung tâm nghiên cứu.
Để kiểm tra hoạt động và độ ổn định, chúng sẽ được cài đặt lại như trên thiết bị gốc.
Mỗi hộp chứa một phần linh kiện cụ thể của một chiếc điện thoại, ví dụ như vi xử lý, chip, camera, bảng mạch, màn hình... Mỗi cửa hàng bán các loại linh kiện khác nhau.
Khách hàng tại đây chủ yếu là các cửa hàng sửa chữa điện thoại di động. Họ chọn mua các linh kiện ở đây bởi chúng có chất lượng cao nhưng lại có giá rẻ hơn nhiều so với mua từ các đơn vị phân phối chính gốc.
Tại các khu chợ đồ cũ này, khách hàng còn có thể mua được cả những hộp chứa "vàng", các linh kiện nhỏ có chứa rất nhiều vật liệu kim loại có giá trị, có thể chiết xuất vàng và bạc từ bên trong.
Với những chiếc điện thoại cũ, không bị hư hỏng nhiều, chúng sẽ được tân trang và bán lại.
Ngoài linh kiện, thông tin cá nhân của chủ sở hữu cũng là một “món hàng”. Các chuyên gia tháo dỡ có thể sử dụng một số phương tiện kỹ thuật đặc biệt để khôi phục một số dữ liệu giá trị trong điện thoại di động như tin nhắn SMS, ảnh, thông tin thẻ ngân hàng... Do vậy, nếu người chủ sở hữu có hàng rào bảo mật cá nhân thấp, tài sản của họ có thể bị đe dọa.
Một số "chuyên gia" ở đây đã xác nhận rằng có thể dùng phần mềm để khôi phục thông tin trên hầu hết các điện thoại di động cũ, dù đó là việc khó khăn và tốn chi phí tương đối cao.