6 quản lý cấp cao của Skype vừa bị sa thải. Giới phân tích cho rằng Skype muốn cắt giảm chi phí bồi thường khi bán công ty cho Microsoft. Nếu giữ những nhân vật này, khoản bồi thường sẽ lớn hơn khi vụ mua bán kết thúc.
Skype vừa cho thôi việc 4 phó chủ tịch là David Gurle, Christopher Dean, Don Albert và Russ Shaw, theo BusinessWeek dẫn từ 3 nguồn tin đáng tin cậy.
Gurle từng giữ chức Giám đốc điều hành Skype for Business, đảm nhiệm phát triển sản phẩm cho khối người dùng doanh nghiệp. Theo hồ sơ của ông trên mạng LinkedIn, ông có một danh mục thành tích đủ dài. Trước kia, ngoài nhiều việc khác, Gurle đã từng làm tại hãng Thomson Reuters và Tập đoàn Microsoft - Công ty đang trong quá trình thâu tóm Skype của Luxemburg này.
Christopher Dean thời gian vừa rồi giữ chức phụ trách bộ phận Consumer Market Business Development. Ông đã thiết lập những mô hình quan hệ đối tác hiệu quả với khách hàng. Dean từng trải qua vài vị trí lãnh đạo tại Skype, chẳng hạn, từ tháng 11/2008 đến tháng 4/2010 ông giữ chức Giám đốc chính về phát triển chiến lược.
Don Albert từng chịu trách nhiệm phụ trách bộ phận Americas and Adversting. Theo hồ sơ của ông trên LinkedIn, ông có công mở rộng công việc kinh doanh của Skype tại thị trường Mỹ. Albert gia nhập Skype năm 2006, hầu như ngay sau khi công ty đấu giá trực tuyến eBay mua lại dịch vụ Skype.
Cuối cùng là Russ Shaw, chịu trách nhiệm về quan hệ của Skype với các nhà khai thác di động. Ông có công thiết lập quan hệ đối tác với không chỉ các công ty viễn thông như O2, Verizon và TELUS mà còn với nhà sản xuất điện thoại di động Nokia.
Các hồ sơ trên LinkedIn của tất cả các nhà quản lý cấp cao nói trên cho thấy họ sẽ làm việc tại Skype đến hết tháng 6/2011.
Skype quan tâm đến việc sa thải sớm các quản lý cấp cao là để tiết kiệm tiền bồi thường, theo các chuyên gia.
Theo tờ BusinessWeek, Giám đốc chính phụ trách tiếp thị Doug Bewsher và Anne Gillespie là Trưởng phòng nhân sự cũng như Ramu Sumkara và Allyson Campa, lãnh đạo Công ty Qik do Skype mua lại hồi tháng 1/2011 với giá 100 triệu USD, cũng sẽ rời Skype.
"Như tại mọi tổ chức kinh doanh khác, chúng tôi thường xuyên phân tích cấu trúc ban lãnh đạo với mục đích mang lại những sản phẩm chất lượng cao nhất. Mới đây, để nâng cao hiệu quả, chúng tôi đã thực hiện hàng loạt thay đổi trong ban lãnh đạo" - Skype tuyên bố với các nhà báo khi họ đề nghị bình luận tình hình nội bộ Công ty.
Theo các nhà phân tích, chính thời điểm này, trước khi khi hợp đồng mua lại Skype của Microsoft hoàn tất, việc cắt giảm nhân sự của Skype là nhằm cắt giảm khoản tiền bồi thường khi vụ mua bán tiến hành xong xuôi. Đó là do, khi các công ty mua lại nhau thì thường là những khoản tiền này được căn cứ theo giá trị hợp đồng.
Xin nhắc lại rằng, Microsoft đã tuyên bố mua lại Skype từ hồi tháng 5/2011. Trị giá hợp đồng lên tới 8,5 tỷ USD (~177.083 tỷ đồng) và cũng là khoản tiền dành cho mua sắm lớn nhất trong lịch sử của Microsoft. Trước đó, Microsoft mới chỉ mua một khoản trị giá lên đến 6 tỷ USD (~125.000 tỷ đồng) là Công ty quảng cáo trực tuyến aQuantive (thương vụ diễn ra hồi năm 2007). Theo thông báo của Reuters, hôm thứ Sáu 17/6/2011, các bên đã nhận được chấp thuận từ Uỷ ban Thương mại Mỹ.
Skype được lên kế hoạch tích hợp với các sản phẩm và dịch vụ của riêng của Microsoft, trong đó có hệ điều hành Windows Phone, nền tảng trò chơi Xbox, phần mềm thư điện tử Outlook và nền tảng truyền thông cho người dùng doanh nghiệp Lync. Việc hoàn tất hợp đồng sẽ diễn ra vào cuối năm nay.