Những kẻ phát tán phần mềm diệt mã độc giả (scareware) lợi dụng vụ tai nạn xe hơi của tay golf Tiger Woods hồi cuối tuần qua để "hạ độc" các cơ chế tìm kiếm web.
Theo các chuyên gia bảo mật Symantec, thông tin về vụ tai nạn này đã khiến bùng nổ lưu lượng web cũng như lượng người tìm kiếm trên web – là một trong những tin được tìm kiếm nhiều nhất trên Google khi thông tin được đưa ra.
Symantec đã phát hiện những kết quả tìm kiếm trên mạng dẫn người dùng tới một loạt những tên miền chứa mã độc như: vir-curemypc-now.com; egafuki.cn; online-scanner-free.net.
Sau đó, những trang web này sẽ thực hiện một động tác quét virus giả mạo, rồi chỉ ra một loạt những “lỗi” và “mối đe dọa” nghiêm trọng trên máy tính người dùng, rồi đưa ra lời khuyên người dùng nên quét sạch những thứ đó ngay lập tức. Tuy nhiên, các mối đe dọa này chỉ là giả mạo, và người dùng bị lừa phỉnh mua những phần mềm chống virus không chính thống, dẫn tới chúng có thể sẽ lấy thông tin cá nhân cho những hoạt động phạm pháp về sau.
Ông Hon Lau, Bộ phận phản ứng bảo mật tại Symantec cho biết: “Đứng trên quan điểm về bảo mật CNTT, hành động này thực ra là một cách thức "ăn theo sự vụ" khác mà những kẻ viết phần mềm độc hại đang khá quan tâm. Không có gì ngạc nhiên khi những kẻ viết phần mềm diệt virus giả mạo hoặc những phần mềm ứng dụng lừa đảo cùng tham gia vào hoạt động này, đồng thời tìm mọi cách 'đầu độc' các kết quả tìm kiếm trên mạng nhằm lợi những tin tức nóng kiểu này trong hoạt động tìm kiếm trên web”.
Symantec khuyên người dùng nên cảnh giác với những kiểu lừa đảo này. Khi tìm kiếm những thông tin trên web, hãy đảm bảo rằng phần mềm diệt virus chính thống của bạn được cập nhật nhất, và nếu bạn cảm thấy mình chưa được trang bị cơ chế bảo vệ mạnh mẽ khi mua một phần mềm diệt virus từ một nguồn trực tuyến bất kỳ - đừng mua nó! Thay vào đó, bạn hãy tới những nguồn tin cậy như đến cửa hàng tin học để mua phần mềm.