Tại triển lãm màn hình FPD (Flat Panel Displays) ở Nhật Bản tuần này, Samsung Electronics và LG Display giới thiệu mẫu màn hình có thể uốn cong trong khi hiển thị hình ảnh.
Một loại màn hình sử dụng công nghệ OLED của Samsung. (Ảnh internet)
Các màn hình có thể uốn cong nằm trong dự án nghiên cứu màn hình của các nhà sản xuất màn hình lớn. Màn hình Samsung dùng công nghệ OLED (Organic Light Emitting Diode), còn LG dùng công nghệ e-paper cho việc hiển thị hình ảnh trên màn hình.
Cả 2 công nghệ hiển thị này đều giúp hình ảnh hiển thị tốt khi uốn cong vì chúng không dùng đèn nền. Trong khi LCD (Liquid Crystal Display) sử dụng đèn nền, thường được dùng trên MTXT và TV. Nếu muốn chế tạo màn hình LCD có thể uốn cong, các nhà sản xuất phải tạo ra màn hình và đèn nền có khả năng uốn cong hay gập lại.
OLED chứa chất hữu cơ phát quang trong mỗi điểm ảnh và khi có điện tích tác động sẽ phát ra ánh sáng, còn e-paper dựa trên khả năng phản xạ ánh sáng.
Mẫu màn hình OLED uốn cong của Samsung có 2 kích cỡ: màn hình 4,5” (~11,4 cm) độ phân giải 480 x 800 pixel, và màn hình 2,8” (~7,1 cm) độ phân giải 240 x 400 pixel. Trong sự kiện FDP lần này, Samsung đặt 2 màn hình trong khung nhựa, một màn hình uốn cong dạng hình chữ S, một màn hình uốn cong 180 độ. Cũng như các màn hình OLED khác, 2 màn hình của Samsung đều hiển thị hình ảnh khá sống động và cho màu sắc trung thực.
Mẫu màn hình e-paper của LG có kích thước 19” (~48,2 cm). Người dùng có thể dễ dàng uốn cong trong khi hình ảnh vẫn hiển thị. LG cho biết hãng sẽ chế tạo màn hình e-paper mỏng như tờ giấy, có khả năng cuộn tròn và dễ dàng cho vào túi xách.
Cả Samsung và LG chưa cho biết khi nào 2 mẫu màn hình này sẽ xuất hiện trên thị trường.