Internet đang đưa sự riêng tư của con người ra công chúng nhiều hơn bất kỳ công nghệ nào trong lịch sử.
Các bức hình riêng tư của mỗi người lượn từ trang web này tới trang web khác. Các chương trình trên Internet thu lượm tin tức của chúng ta, hiểu từng người còn hơn chúng ta hiểu chính bản thân mình. Không phải vô tình mà các trang web gợi ý ta mua những món hàng mà quả thật trong đầu ta đang nghĩ tới.
Riêng tư ở mức zero
Trang web Multiply là nơi viết lách ưa thích của nhiều blogger. Mạng xã hội này có hơn 11 triệu người đăng ký sử dụng, trong đó có không ít blogger người Việt - Ảnh: Gia Tiến |
Chúng ta ngày càng trượt chân mà không cưỡng lại được vào kỷ nguyên Internet. Mỗi ngày chúng ta lại đưa thêm đến công chúng một chút riêng tư của bản thân mình. Chúng ta gửi một truyện cười mà mình vừa trải nghiệm qua email tới bạn bè. Sáng hôm sau, có thể câu chuyện đó đã vòng quanh email của vài trăm người.
Nhưng thường những chuyện như thế này gây khó chịu hơn. Chúng ta lên mạng mua một món hàng và con bọ web - một chương trình phần mềm theo dõi - đã lên chân dung mua sắm của chúng ta, bao gồm các thói quen, sở thích và bán thông tin cho các doanh nghiệp. Một ngày kia, email của chúng ta đầy những thư quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp lạ hoắc nào đó.
Có thể sẽ có lúc ta ân hận với những gì mình đưa lên mạng. Nhưng có thể đó là giá mà chúng ta trả cho cuộc phiêu lưu Internet. Thực chất Internet là một lựa chọn đầy quyền lực, đem lại những điều tốt đẹp, luồng thông tin vô tận và giao tiếp với tất cả mọi người chỉ nhờ bàn phím và cú click chuột.
Vậy chuyện đánh đổi tí thông tin cá nhân chẳng phải là vẫn đem lại lợi hơn so với việc chúng ta có thể làm rất nhiều thứ trên mạng như vậy? Scott McNealy, đồng sáng lập Sun Microsystems, 10 năm trước đã nói một câu nổi tiếng: “Các bạn sẽ có sự riêng tư ở mức zero. Quên chuyện đó đi”.
Cần cẩn trọng
Hầu như tất cả thông tin đều có thể tìm trên mạng chỉ bằng những cú nhấp chuột. Nên những người muốn riêng tư luôn phải nhớ trong đầu rằng tất cả thông tin mà chúng ta đưa lên mạng có thể bị thu thập và chia sẻ. Người ta có thể tìm thấy thông tin cử tri, bỏ phiếu, chi tiết vay nợ, thậm chí bố cục nhà cửa của chúng ta.
Ayesha Aleem, SV báo chí ở Đại học Boston (Mỹ), đưa mọi thông tin, từ nhạc và phim mà cô thích, thông tin nghề nghiệp, email, địa chỉ blog lên Facebook. Nhưng cô không đưa tuổi, không đưa các quan điểm chính trị hay tôn giáo, không địa chỉ nhà riêng, không số điện thoại. “Tôi nghĩ nếu thông tin lên mạng, nó trở thành sở hữu của mọi người. Không thể trách ai đó truy cập thông tin mà bạn đưa ra cho họ thấy. Nếu không thích thì đừng đưa lên”.
Hơi đáng sợ nếu nghĩ ai đó biết tất cả mọi thứ về bạn trước khi gặp bạn. Họ rành sở thích của bạn, nhà bạn có mấy người, con cún nhà bạn màu lông gì, bạn vừa đi nghỉ ở đâu về. Nghiên cứu của Đại học California, Berkeley (Mỹ) tháng 6 vừa rồi cho thấy top 50 website được xem nhiều nhất ở Mỹ có từ 1-100 chương trình gián điệp trên đó. Việc Google quá rành về bạn cũng dễ hiểu. Trang web này đã cài bọ web ở 92/100 trang web được ưa thích nhất.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể vẫn dùng Internet mà vẫn có sự riêng tư? Dễ nhất là khỏi lên mạng nữa. Nhưng điều này rõ ràng không khả thi, thậm chí là bất bình thường ở thế giới kết nối này. Các chuyên gia cho rằng nếu chúng ta cứ sợ hãi và bảo vệ sự riêng tư của mình, có thể có những ảnh hưởng tiêu cực và làm cuộc sống của mình không thoải mái.
Có thể những bức hình chúng ta đang ở trạng thái bất bình thường khiến chúng ta xấu hổ, nhưng 10 năm nữa điều này có thể mới diễn ra. Biết đâu vào thời điểm đó, chúng ta lại coi đó là chuyện bình thường.