Phố Wall hồ hởi với cổ phiếu công nghệ

Sự lạc quan dành cho ngành công nghiệp công nghệ đã giúp đẩy giá cổ phiếu của các đại gia IT lên mức cao kỷ lục trong tuần này.

Nhộn nhịp chợ "công ty"

Thông tin về nhiều vụ sáp nhập và thâu tóm quy mô lớn, cùng với tín hiệu sáng sủa về sức cầu cải thiện dành cho thiết bị phần cứng đã giúp củng cố niềm tin nơi giới đầu tư. Chỉ số Nasdaq Composite đã đạt ngưỡng 2133 điểm vào hôm qua, mức cao nhất trong cả năm 2009 cho tới nay, bỏ xa mức đáy 1268,64 điểm mà nó thiết lập hồi tháng 3.

Giá các cổ phiếu máy tính trên sàn Nasdaq đã tăng tới 50% so với đầu năm, trong khi cổ phiếu các hãng viễn thông cũng tăng tới 48%. Tương tự, chỉ số Down Jones Composite cũng tăng 10% từ đầu năm 2009 tới nay.

Nguồn: Pennlive
Các hoạt động mua bán, sáp nhập sôi động càng khiến cho phố Wall thêm phần phấn khích với lĩnh vực công nghệ. Trong khi suy thoái kinh tế toàn cầu đã giết chết thị trường sáp nhập từ cuối năm ngoái, thì các hãng công nghệ vẫn dập dìu, nhộn nhịp góp gạo thổi cơm chung với nhau.

Rất nhiều những cuộc hôn nhân kiểu này có quy mô lớn với dòng tiền mặt thuộc hàng khổng lồ.

Lấy thí dụ, hôm thứ Tư vừa qua, Adobe thông báo sẽ mua lại hãng phân tích Web Omniture với giá 1,8 tỷ USD bằng tiền mặt. Adobe cho biết sẽ tích hợp công nghệ của Omniture vào các sản phẩm phần mềm của mình. Mức giá mà Adobe đưa ra cao hơn 45% so với thị giá đang niêm yết của Omniture trên sàn.

Quốc tế cũng "nóng"

Gần như ngay lập tức, các nhà đầu tư tỏ ra hồ hởi với thông tin này, bởi lẽ các vụ sáp nhập luôn được coi là dấu hiệu của "niềm tin trở lại". Doanh nghiệp chỉ tung tiền ra mua một công ty khác khi họ muốn nhanh chóng tấn công/chiếm lĩnh những công nghệ mà họ tin là sẽ sớm cất cánh.

Tương tự, hãng phát triển phần mềm tài chính cá nhân số một hiện nay Intuit, vừa thông báo hồi đầu tuần rằng sẽ trả 170 triệu USD để mua lại trang Mint.com. Dù đã đánh bại Microsoft Money từ nhiều năm nay, song Intuit lại chưa thể phản đòn trước các công cụ tài chính trên nền Web đang mọc lên như nấm.

Trong khi đó, Mint.com, một website mới nổi, lại cung cấp các công cụ miễn phí giúp người dùng thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin tài chính cá nhân.

Không riêng gì Mỹ, thị trường Sáp nhập và thâu tóm cũng đang diễn biến rất nóng trên phạm vi quốc tế. Hôm thứ Tư, gã khổng lồ NEC Electronics của Nhật thông báo kế hoạch sáp nhập với Renesas Technology kể từ năm tới.

Renesas hiện đang giữ thị phần dẫn đầu về vi mạch điều khiển và các sản phẩm chip hệ thống (SoC). Sau khi sáp nhập với nhau, NEC-Renesas sẽ đứng thứ ba thế giới về doanh thu chip.

Tuy nhiên, khác với vụ Adobe mua lại Intuit, giới phân tích cho rằng vụ sáp nhập NEC - Renesas là một dấu hiệu của sự yếu đi hơn là mạnh lên. Cả hai hãng đều thua lỗ trong năm tài khóa vừa qua, và họ buộc lòng phải nghĩ đến chuyện về chung một nhà dưới áp lực cạnh tranh quá khốc liệt. Nhưng dù sao nhiều dấu hiệu đã xuất hiện, cho thấy thị trường phần cứng sẽ khởi sắc.

Phần cứng khởi sắc

Hãng nghiên cứu IDC vừa công bố số liệu về thị trường PC trong quý II với kết quả tốt hơn dự đoán trước đây. Cụ thể, lượng máy tính bán được của thế giới đã giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Mới hai tháng trước thôi, IDC còn dự đoán mức giảm sẽ lên tới 3,1%, còn từ hồi đầu năm, con số đưa ra là 6,3%.

Sự quan tâm và hứng thú của người dùng dành cho máy tính cầm tay (bao gồm cả netbook lẫn laptop) đã giúp hạn chế những tác động tiêu cực của cuộc suy thoái. IDC tin rằng nếu sức cầu vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay, doanh thu các quý tới chẳng mấy chốc sẽ tăng trở lại.

"Nhìn về phía trước, thị trường sẽ ổn định cả về lượng tiêu thụ lẫn tổng giá trị giao dịch", IDC nhận định. "Lượng desktop bán được vẫn đứng nguyên trong năm 2010, nhưng máy tính cầm tay sẽ tăng trưởng ở mức 16,5% và dẫn dắt cả thị trường".

Tuy nhiên, không phải thông tin nào của các hãng công nghệ cũng ở chiều tích cực. Lấy thí dụ, Palm đã thua lỗ tới 164,5 triệu USD trong quý tài khóa đầu tiên của năm 2010, dù con số không nhiều như dự đoán của giới phân tích. Mẫu dế được khen ngợi Pre đã không tạo ra được một cuộc cách mạng về doanh số cho Palm và vì thế, doanh thu của hãng vẫn ở mức yếu.

Kết quả kinh doanh của đại gia phần mềm Oracle lại có sự tăng giảm lẫn lộn. Nếu như lãi ròng tăng 4% so với cùng kỳ năm trước lên 1,1 tỷ USD thì doanh thu lại giảm 5% xuống còn 5,1 tỷ USD.

Dù hoạt động nâng cấp và bảo trì của hãng vẫn rất tốt, song doanh thu từ bán giấy phép phần mềm lại giảm 17% xuống còn 1 tỷ USD. Dấu hiệu này cho thấy các khách hàng tập đoàn vẫn còn chần chừ trong việc đầu tư lớn cho phần mềm.

Giá cổ phiếu của các hãng công nghệ sẽ dịch chuyển theo hướng nào trong phần còn lại của năm phụ thuộc phần lớn vào báo cáo tài chính quý III, dự kiến công bố vào tháng tới.

Thứ Hai, 21/09/2009 09:22
31 👨 122
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp