Phân loại 'dế' xách tay

Cùng là điện thoại xách tay, nhưng xuất xứ, chất lượng lại hoàn toàn khác nhau, vì thế không dễ để chọn mua được một model tốt giữa ma trận "hàng ngoài".

Phát triển song song với thị trường di động chính hãng, điện thoại xách tay, hay còn gọi là "hàng ngoài", phát triển cũng rầm rộ không kém. Phần lớn các model của thị trường này thuộc phân khúc cao cấp, một số còn lại là những sản phẩm chưa có mặt tại Việt Nam.

Có nhiều loại hàng xách tay khác nhau trên thị trường. Ảnh: Hoàng Hà.


Điện thoại di động hàng xách tay vào Việt Nam bằng nhiều con đường, chính vì thế, cùng là một mẫu nhưng có nhiều loại hàng khác nhau, không phải máy nào cũng như nhau. Theo anh Huy Tuấn, chủ một cửa hàng di động tại TP HCM, hàng xách tay có từ 3 loại.

Hàng loại một là những sản phẩm mới mua từ nước ngoài. Hầu như đây là máy do những người đi công tác, hoặc có người thân ở gửi về. Tuy nhiên, loại này thường rất ít, hơn nữa giá bán cao.

Một loại nữa cũng liệt vào loại một là điện thoại được mua từ "tiền bẩn". Đó là những model được mua từ thẻ tín dụng ăn cắp, đặt hàng ở nước ngoài và chuyển về Việt Nam dưới dạng quà tặng. Do mua bằng tiền ăn cáp, nên các model này được bán rẻ hơn cả giá đặt ở nước ngoài.

Hàng mới được xách tay về còn hàng "dựng" xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.


Loại hai được phân ra làm hai kiểu. Thứ nhất là những model bị lỗi, ở nước ngoài được bán với giá rẻ hơn. Hầu như nhà sản xuất nào cũng có hàng lỗi không qua được các đợt "kiểm tra" trước khi xuất xưởng nên được tuồn ra thị trường dưới dạng hàng thanh lý. Thứ hai là đồ cũ. Mặt hàng này chiếm số lượng lớn và có rất nhiều ở nước ngoài, được gom về Việt Nam. Loại này thường vẫn còn khá mới, người dùng ở các nước do "lên đời" nên thải máy.

Mặt hàng cuối cùng trong nhóm điện thoại xách tay là "hàng dựng", tức là được làm lại từ máy cũ, máy hỏng một phần, phụ kiện rác từ các nước.

Theo anh Huy Tuấn, hàng loại ba tại Việt Nam phần lớn được đưa về từ Trung Quốc, cả hàng giá rẻ như BlackBerry lẫn cao cấp như PDA của O2, HTC, di động Nokia, Samsung và cả iPhone. Trong khi đó, thị trường loại một, loại hai thường từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Singapore.

Người dùng nên chọn các cửa hàng uy tín để mua. Ảnh: Hoàng Hà.


Anh Đỗ Ngọc Tú (Hai Bà Trưng - Hà Nội), một người chuyên bán hàng xách tay chia sẽ kinh nghiệm, với hàng loại một, khi được người nhà ở nước ngoài đưa về thì chắc chắn đã yên tâm về nguồn gốc. Còn với những "chú" được ship về Việt Nam, kể cả hàng mới lẫn hàng cũ, khi mua nên hỏi kỹ giấy tờ hải quan.

Với các điện thoại bị lỗi, chỉ có dân thợ mới phát hiện ra. Thường máy loại này chỉ bị một điểm nào đó kém, hàng này cũng cần hỏi giấy tờ hải quan, và giá bán thường rẻ so với hàng loại một từ 10 đến 40%. Đây là loại dễ đánh tráo thành hàng mới, hàng loại một.

Trong khi đó, điện thoại cũ (second hand) và "hàng dựng" thường lẫn lộn, và rất khó để phân biệt. Theo anh Tú, "hàng dựng" từ lớp vỏ đến phần mềm đều trong kém hơn hàng thật. Các đường nét thô, vụng, tốc độ máy chậm chạm, nhiều tính năng chạy không ổn định. Ngoài ra, có thể kiếm tra số IMEI trong máy và trên bên ngoài, cũng như xem tem dán in chữ có sắc nét như hàng thật không để phân biệt.

"Khó có một lời khuyên nào chính xác khi mua hàng xách tay" anh Tuấn cho biết, "người dùng nên đến các địa chỉ quen, uy tín và được bảo hành dài hạn". Với nhiều người chưa phân biệt rõ, nên nhờ những người có kinh nghiệm để đi mua cùng.

Thứ Ba, 18/11/2008 13:34
31 👨 857
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp