Hầu hết điện thoại di động ngày nay phát ra bức xạ vô tuyến được xem là an toàn với con người. Tuy nhiên, khi điện thoại được gắn ốp lưng, thay pin hoặc sửa chữa ở những nơi không chính thống thì có thể khiến công suất phát của thiết bị thay đổi, không còn đúng với nguyên bản của nhà sản xuất.
Theo tiến sĩ Tạ Sơn Xuất (Viện Điện tử - Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội)j, khó có thể khẳng định bức xạ vô tuyến có hại hay không do chưa có những nghiên cứu đủ quy mô. Nhưng công suất phát của điện thoại chắc chắn bị thay đổi khi cấu trúc thiết bị thay đổi so với nguyên bản.
Một thử nghiệm năm 2015 tại Mỹ được thực hiện bởi nhóm Công tác Môi trường (EWG) cho thấy, ốp lưng kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của điện thoại. Cụ thể một số ốp lưng chất lượng kém trên thị trường có thể khiến nguy cơ hấp thụ bức xạ của người dùng từ điện thoại di động tăng 20-70% so với không dùng ốp.
Nguyên nhân là do ốp lưng không phù hợp sẽ che mất ăng-ten điện thoại, để truyền sóng điện thoại buộc phải gia tăng công suất.
Nhiều người lo ngại sóng điện từ có thể thay đổi cấu trúc gen, gây bệnh ung thư nhưng theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, điện thoại di động chỉ xuất hiện trong khoảng hơn 20 năm nay, thời gian này chưa đủ lâu để nghiên cứu tác động của bức xạ gây ra bởi điện thoại lên cơ thể người, đặc biệt với bệnh ung thư.