“Nóng” chuyện 3G

Sáng nay, 11/11, trong khuôn khổ buổi trả lời trực tuyến với chủ đề “Phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia” của Bộ Thông tin và Truyền thông, cuộc họp báo ngắn trong vòng gần 1 giờ đồng hồ do Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng chủ trì với báo giới, hầu như các câu hỏi đều xoay quanh chủ đề đang “nóng” hiện nay đó là triển khai công nghệ di động 3G.

Thời điểm thích hợp cấp phép 3G

Thứ trưởng Lê Nam Thắng trả lời phỏng vấn của báo giới sáng nay, 11/11. Ảnh: Thuỷ Nguyên

Ngày 5/11 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát hồ sơ mời thi tuyển cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 trong băng tần số 1900-2200 MHz' (gọi tắt là 3G) cho 7 Doanh nghiệp đã có giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ công nghệ 2G.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, liệu thời điểm này đã thích hợp để phát triển công nghệ 3G tại Việt Nam khi mà chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng 3G khá tốn kém? Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, công nghệ 3G ở băng tần 1900 - 2200 đã được triển khai trên thế giới từ cuối năm 1999, đầu năm 2000. Qua tám năm phát triển, đã có hàng trăm nhà khai thác và rất nhiều triệu người dân trên thế giới đã sử dụng công nghệ và dịch vụ này. Đến nay, nhiều nước tiên tiến đã bắt đầu chuyển sang nghiên cứu và đưa vào sử dụng công nghệ 4G như ở Châu Âu, Nhật Bản hay Bắc Mỹ.

Nếu như vào thời điểm cách đây 8 năm, các thiết bị công nghệ vẫn còn tương đối đắt, thì nay, giá thành của các thiết bị đã hạ rất nhiều, và gần như ngang bằng với các thiết bị của mạng 2G. Giờ việc đầu tư mạng 3G không cách biệt quá cao so với 2G trong khi lợi ích 3G mang lại rất lớn, cung cấp nhiều loại hình phong phú, thúc đẩy phát triển công nghiệp nội dung số.

Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ về băng tần, tài nguyên... Còn với việc đầu tư hàng tỷ USD cho mạng 3G, đây là tổng vốn đầu tư trong thời gian 15 năm và hoàn toàn là bài toán kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cung cấp. Để có thể đem lại hiệu quả, các doanh nghiệp đều phải có phương án kinh doanh riêng của mình sao cho có thể mang lại tối đa lợi ích cho xã hội và bản thân doanh nghiệp.

Ưu thế nhận giấy phép dành cho mạng có số tiền đặt cọc lớn

Một trong các tiêu chí mà hồ sơ cấp phép 3G đưa ra đó là yêu cầu các doanh nghiêp thi tuyển lần này phải thu xếp tiền bảo lãnh, đặt cọc triển khai giấy phép. Thứ trưởng Lê Nam Thăng cho biết, đây cũng chính là điểm đặc biệt của đợt thi 3G lần này.

Mục đich của việc doanh nghiệp phải có tiền đặt cọc là nhằm bảo lãnh, cam kết thực hiện triển khai giấy phép. Nếu sau này Bộ kiểm tra mà doanh nghiệp thực hiện không đúng thì sẽ bị nộp phạt số tiền đặt cọc.

Tiền đặt cọc được Bộ quy định không thấp hơn 5% so với tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới trong 3 năm đầu tư. Không chỉ mang ý nghĩa “bảo lãnh”, việc đặt cọc của doanh nghiệp sẽ còn là một trong những tiêu chí xem xét, chấm điểm. Doanh nghiệp nào nộp nhiều đặt cọc chứng tỏ họ có tiềm lực tài chính tốt và họ có quyết tâm cao triển khai việc thực hiện 3G.

Trong hồ sơ thi tuyển, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải trình bày phương án phát triển dịch vụ cụ thể như nội dung số... Đồng thời, khi các doanh nghiệp cũng phải xây dựng, cam kết các kế hoạch phát triển dịch vụ 3G của mình. Nếu thực hiện sai cam kết, các doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền và thu hồi giấy phép.

Cơ hội phát triển 3G còn rất nhiều

“Tại sao chúng ta không lựa chọn hình thức cứ doanh nghiệp nào đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì sẽ được cấp phép 3G thay vì hình thức thi tuyển chọn 4/7 như hiện nay?”. Giải đáp câu hỏi này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, việc chỉ có thể cấp giấy phép 3G cho 4 doanh nghiệp lần này phụ thuộc vào việc quy hoạch tài nguyên tức tần số. Tần số quy hoạch tối đa chỉ dành cho 4 nhà khai thác.

Thế giới chia băng tần 3G thành bốn đoạn băng tần vừa đủ đáp ứng cho một nhà khai thác 3G triển khai đầy đủ dịch vụ. Một băng tần 1900 - 2200 chỉ có 60 megaxich chỉ cấp đủ cho 4 doanh nghiệp. Chia đều cho 4 thì với độ rộng băng tần 15 megaxich là đủ. Nếu chia nhỏ hơn hay lớn hơn đều không đủ đáp ứng để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Vì vậy việc chia cho 4 nhà khai thác phù hợp kinh nghiệm quốc tế thực tế thị trường Việt Nam. Trong khi số lượng doanh nghiệp chúng ta là 7 nên phải thi tuyển để chọn lựa.

3G có 6 tiêu chuẩn công nghệ khác nhau, và lần thi tuyển sắp tới là chuẩn WCDMA, với băng tần từ 1900 - 2200 MHz. Việc thi tuyển lần này ở một băng tần, với một tiêu chuẩn cụ thể. Trong tương lai, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, các doanh nghiệp có thể phát triển mạng 3G ở các băng tần khác.

Chính vì vậy, cơ hội để phát triển băng tần còn nhiều, không phải chỉ 4 doanh nghiệp mà các doanh nghiệp khác cũng còn cơ hội để phát triển ở băng tần khác, với các tiêu chuẩn công nghệ khác trong tương lai.

Thứ Ba, 11/11/2008 13:36
31 👨 256
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp